Tòa án LHQ xử tranh chấp biên giới Thái Lan – Campuchia

Binh sĩ Campuchia nạp đạn gần đền Preah Vihear sau khi đụng độ với lính Thái Lan Ảnh: Reuters
Binh sĩ Campuchia nạp đạn gần đền Preah Vihear sau khi đụng độ với lính Thái Lan Ảnh: Reuters
TP - Ngày 30-5, vụ tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Campuchia được đưa ra tranh luận tại tòa án Liên Hợp Quốc ở Hague, Hà Lan.

> Thái Lan, Campuchia đồng ý ngừng bắn vô điều kiện

Binh sĩ Campuchia nạp đạn gần đền Preah Vihear sau khi đụng độ với lính Thái Lan Ảnh: Reuters
Binh sĩ Campuchia nạp đạn gần đền Preah Vihear sau khi đụng độ với lính Thái Lan. Ảnh: Reuters.

Tại tòa, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong nói rằng, các cuộc xung đột vũ trang đẫm máu của quân đội Thái Lan gần ngôi đền lịch sử Preah Vihear tại khu vực biên giới tranh chấp đã đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh khu vực.

Các cuộc giao tranh giữa Campuchia và Thái Lan gần đây làm 20 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương, hàng chục ngàn người phải bỏ nhà đi lánh nạn. Đền Preah Vihear được UNESCO công nhận là di sản thế giới của Campuchia bất chấp sự phản đối của Thái Lan.

Gần đây, trong một nỗ lực giải quyết dứt điểm cuộc tranh chấp chủ quyền đối với đền Preah Vihera, Campuchia đề nghị tòa án quốc tế làm rõ cách hiểu đối với phán quyết năm 1962 của tòa án này khi công nhận quyền kiểm soát của Campuchia đối với đền Preah Vihear.

Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong nói, Thái Lan cho rằng hành động quân sự của họ vừa qua xuất phát từ sự hiểu không đúng phán quyết của tòa án quốc tế năm 1962. Ngoại trưởng Hor Namhong cho rằng, Thái Lan đang sử dụng cách hiểu của mình đối với phán quyết của tòa án quốc tế để làm cơ sở pháp lý bao che cho các cuộc đột kích vào lãnh thổ của Campuchia.

Tại tòa, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Kasit Piromya nói rằng, nước ông không tranh chấp về quyền sở hữu ngôi đền Preah Vihear với Campuchia; hai nước đang còn đàm phán nhằm giải quyết xung đột biên giới, do vậy điều đó không liên quan đến phán quyết của tòa án quốc tế trước đây.

Ngoại trưởng Kasit nói với các phóng viên bên ngoài phòng tòa án rằng, phía Thái Lan không hiểu lý do họ phải đến Hà Lan để giải quyết trong khi Campuchia và Thái Lan đã có sẵn cơ chế đàm phán về biên giới.

Phiên tòa hôm 30-5 của Tòa án Quốc tế ở Hague tập trung vào vấn đề Campuchia đề nghị tòa ra lệnh khẩn cấp buộc Thái Lan rút quân đội khỏi vùng tranh chấp biên giới hai nước. Tòa án quốc tế có thể ra quyết định về đề nghị của Campuchia trong vòng vài tuần, tuy nhiên chắc còn phải mất nhiều năm nữa mới giải quyết được cuộc xung đột biên giới giữa hai nước.

Căng thẳng dọc biên giới hai nước trầm trọng thêm trong mấy tháng qua, một phần vì sức ép từ phía các nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc có ảnh hưởng ở Thái Lan, theo nhiều nhà phân tích. Chính các nhóm này đã biểu tình tại thủ đô Bangkok, đòi chính phủ Thái Lan phải lấy lại vùng lãnh thổ biên giới đang tranh chấp.

Các nhà hoạt động dân tộc chủ nghĩa Thái Lan cho rằng, phán quyết của tòa án quốc tế năm 1962 là không công bằng. Theo nhiều nhà phân tích, các cuộc xung đột biên giới xảy ra còn do giới quân sự Thái Lan muốn gây chú ý trên vũ đài chính trị trong nước trước khi diễn ra cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 3-7 tới.

Đ.P
(Theo AP)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG