Một bức ảnh chụp khu vực cảng Ream từ năm 2019. (Ảnh: Reuters) |
Mỹ nhiều lần bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về các hoạt động xây dựng và hiện diện quân sự của Trung Quốc ở cảng hải quân Ream.
“Những diễn biến này đe doạ lợi ích của Mỹ và các đối tác, an ninh khu vực, và chủ quyền của Campuchia”, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) cho biết các bức ảnh được Chính phủ Campuchia công bố trong tháng này và hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy sự hiện diện của các tàu nạo vét.
“Nạo vét tạo ra cảng nước sâu hơn có thể cần cho các tàu quân sự cỡ lớn cập cảng, và là một phần trong thoả thuận bí mật giữa Trung Quốc và Campuchia mà giới chức Mỹ đã nói từ năm 2019”, Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á thuộc CSIS viết.
Báo cáo dẫn bài viết năm 2019 của Tạp chí Phố Wall nói rằng thoả thuận này cho phép Trung Quốc tiếp cận quân sự cảng này để đổi lấy việc nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Tháng 6 năm ngoái, báo chí Campuchia dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh nói rằng Trung Quốc sẽ giúp Campuchia mở rộng và hiện đại hoá cảng Ream, nhưng không phải là nước duy nhất được tiếp cận cơ sở này.
AMTI nói rằng một bức ảnh vệ tinh thương mại chụp ngày 16/1 vừa qua cho thấy 2 tàu nạo vét và xà lan đang hút cát, còn những bức ảnh khác cho thấy 2 tàu này đã đến cảng trong thời gian từ ngày 13-15/1.
Có thể nhìn thấy những tàu này trong một bức ảnh mà Bộ trưởng Tea Banh đăng lên Facebook ngày 18/1 khi ông thăm cảng Ream. AMTI nói rằng điều này “có thể đánh dấu sự nâng cấp đáng kể năng lực của cảng”.
Vùng nước nông quanh cảng Ream hiện nay khiến cơ sở này chỉ có thể tiếp nhận các tàu tuần tra cỡ nhỏ. Cảng nước sâu sẽ hữu ích hơn với cả hải quân Campuchia và Trung Quốc”, báo cáo của AMTI viết.
AMTI khẳng định hoạt động xây dựng trên bờ vẫn tiếp tục, với việc san lấp nhiều địa điểm ở phía tây nam của căn cứ từ mùa thu năm ngoái, cho rằng việc nạo vét “cho thấy căn cứ chuẩn bị được nâng cấp đáng kể”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Washington thúc giục Campuchia “minh bạch hoàn toàn về ý định, bản chất và quy mô dự án ở Ream và vai trò của quân đội Trung Quốc trong việc dựng, gây ra quan ngại về ý định sử dụng cơ sở hải quân này”.
Năm ngoái, Washington trừng phạt 2 quan chức Campuchia vì cáo buộc vai trò của họ ở Ream, sau đó áp lệnh cấm vận vũ khí và hạn chế xuất khẩu đối với Campuchia vì cho rằng quân đội Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn ở quốc gia này và những vấn đề khác.
Campuchia nhiều lần phủ nhận các thông tin nói rằng nước này có kế hoạch để Trung Quốc đưa lực lượng đến Ream.
Phát ngôn viên Chính phủ Campuchia gần đây nói rằng việc Trung Quốc xây dựng ở Ream là một phần trong hỗ trợ phát triển, và Trung Quốc “không xây dựng cơ sở này để phục vụ lực lượng của họ”.