Campuchia, Mỹ 'lời qua tiếng lại' xung quanh quân cảng Ream

0:00 / 0:00
0:00
Bên trong căn cứ Ream
Bên trong căn cứ Ream
TPO - Những nỗ lực của Campuchia nhằm xoa dịu lo ngại của Mỹ về việc Trung Quốc được quyền sử dụng căn cứ hải quân của Campuchia trên Vịnh Thái Lan đã thất bại khi một nhà ngoại giao Mỹ được mời đến thị sát quân cảng hôm thứ Sáu vừa rồi chỉ được phép tiếp cận một cách hạn chế, AP dẫn nguồn tin từ Đại sứ quán Mỹ cho hay.

Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia nói tùy viên quốc phòng Marcus M. Ferrara đã tới Căn cứ Hải quân Ream phối hợp với các nhà chức trách Campuchia, nhưng bị từ chối tiếp cận đầy đủ cơ sở, khiến ông phải cắt ngắn chuyến thăm. Ông Ferrara đã yêu cầu sắp xếp một chuyến thăm mới mà không có bất kỳ giới hạn nào.

Người phát ngôn Chính phủ Campuchia Phay Siphan nói Campuchia đã thực hiện cam kết cho phép một chuyến thăm theo yêu cầu và nếu các quan chức Mỹ không hài lòng, họ có thể yêu cầu một chuyến thăm khác miễn là nó không liên quan đến gián điệp hoặc vi phạm chủ quyền của Campuchia.

Các quan chức của Bộ Quốc phòng Campuchia đã phản ứng lại tuyên bố của đại sứ quán Mỹ.

“Họ đang giả vờ. Họ nên biết rằng vương quốc (Campuchia) có chủ quyền và luật pháp, nhưng họ có những chương trình nghị sự tiềm ẩn vì lợi ích địa chính trị ”, tướng Nem Sowath, cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh, được trang Fresh News của Campuchia dẫn lời. "Những gì đại sứ quán viết không đúng sự thật”.

Fresh News dẫn lời Trung tướng Suon Samnang - Phó cục trưởng Cục Đối ngoại của Bộ Quốc phòng Campuchia, người tháp tùng ông Ferrara, nói rằng sau khi ông được đưa đến một số địa điểm, “ông ấy đã cố gắng tìm kiếm những nơi khác không cần thiết và không có trong đề nghị (trước đó) của họ”.

Trong một cuộc họp ngày 1/6 với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, Thủ tướng Campuchia đã đồng ý cho phép tùy viên quốc phòng của Đại sứ quán Mỹ thực hiện các chuyến thăm thường xuyên đến căn cứ, đại sứ quán Mỹ nói trong một tuyên bố.

Một tuyên bố trước đó của Bộ Ngoại giao Mỹ về chuyến thăm của bà Sherman cho biết bà bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc và việc xây dựng các cơ sở tại căn cứ và tìm cách làm rõ lý do tại sao hai tòa nhà do Mỹ tài trợ ở đó đã bị phá bỏ mà không có thông báo hoặc giải thích.

Bà Sherman nói một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Campuchia “sẽ làm suy yếu chủ quyền của nước này, đe dọa an ninh khu vực và tác động tiêu cực đến quan hệ Mỹ-Campuchia”, tuyên bố viết.

Thủ tướng Hun Sen và các quan chức Campuchia khác luôn khẳng định rằng Trung Quốc không được trao đặc quyền đặc biệt nào tại căn cứ.

Thứ trưởng Sherman sau đó nói với các nhà báo rằng bà đã trò chuyện thẳng thắn với ông Hun Sen “về hướng đi của đất nước”, bao gồm sự hiện diện của Trung Quốc tại Ream.

Tranh cãi về Căn cứ Hải quân Ream nổ ra cách đây hai năm khi tờ The Wall Street Journal của Mỹ đưa tin rằng một bản dự thảo thỏa thuận mà các quan chức Mỹ có cơ hội tiếp cận cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream trong 30 năm. Theo đó Bắc Kinh có thể đồn trú quân nhân, lưu trữ vũ khí và xây dựng bến tàu chiến. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất và là đối tác chính trị thân cận của Campuchia.

“Các chuyến thăm định kỳ và thường xuyên của các tùy viên quân sự Mỹ và các nước khác tới Căn cứ Hải quân Ream có thể là một bước quan trọng hướng tới sự minh bạch và tin cậy lẫn nhau hơn”, tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ cho biết.

Người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan nói nước ông đã thể hiện sự minh bạch và trách nhiệm giải trình bằng cách đáp ứng yêu cầu của Mỹ về một chuyến thăm.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.