Mỹ-Nga cạnh tranh thị trường vũ khí tại Ấn Độ
Trong khoảng thời gian dài, Nga luôn là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Donal Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng với lập trường nhấn mạnh chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, việc bán vũ khí cho Ấn Độ đã trở thành một lĩnh vực ưu tiên của chính quyền Washington.
Chính điều này đã gây ra cuộc cạnh tranh mới giữa Mỹ và Nga trong việc bán vũ khí cho Ấn Độ.
Mặc dù, tỷ lệ xuất khẩu vũ khí của Mỹ sang Ấn Độ chỉ chiếm lượng rất nhỏ so với tỷ lệ xuất khẩu vũ khí của Nga vào thị trường Ấn Độ. Tuy nhiên, sau khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã dành sự quan tâm lớn tới Ấn Độ, và đặc biệt là lượng vũ khí của Mỹ xuất sang thị trường Ấn Độ thời gian qua đã gia tăng nhanh chóng.
Theo số liệu do Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố, trong khoảng 14 năm từ năm 1997 đến 2011, nước Mỹ là nhà cung cấp trang bị quân sự chủ yếu của Pakistan, và rất hiếm khi bán vũ khí cho Ấn Độ.
Tuy nhiên, xu hướng này đã có sự thay đổi rõ nét trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2016. Trong khoảng thời gian này, Mỹ đã đẩy mạnh các hoạt động cung ứng trang thiết bị quân sự cho Ấn Độ, đồng thời giảm thiểu xuất khẩu vũ khí cho Pakistan.
Sự gia tăng xuất khẩu vũ khí của Mỹ sang Ấn Độ không chỉ xuất phát từ mục đích thương mại, điều quan trọng hơn là động thái này nằm trong tính toán chiến lược của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cho dù, phía Mỹ vẫn chưa đưa ra được một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rõ ràng. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã thể hiện sự quan tâm rất lớn đối với khu vực này.
Trong “Báo cáo chiến lược quốc phòng” lần đầu tiên sau 10 năm được công bố vào tháng 1/2018, Tổng thống Trump đã chỉ đích danh Nga là đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Mỹ.
Chính vì vai trò địa-chính trị đặc biệt quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương, Ấn Độ đã được Mỹ coi là quốc gia “có chí hướng tương đồng”.
Đặc biệt, trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 9/2017, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh, mục đích chuyến thăm là biến quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn “từ lời nói chiến lược thành các thành quả thực tế”.
Các nhà phân tích cho rằng, điều này cho thấy Mỹ muốn phát tín hiệu quan trọng tới Ấn Độ, đó là Mỹ sẽ đẩy mạnh việc bán vũ khí cho Ấn Độ.
Vì vậy, củng cố và phát triển quan hệ song phương với Ấn Độ thông qua các thương vụ vũ khí là một biện pháp thực dụng và hiệu quả đối với Mỹ.
Ngoài ra, Nga là quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất và quan trọng nhất của Ấn Độ. Hầu hết các trang thiết bị quân sự cơ bản của Ấn Độ đều có nguồn gốc từ Nga.
Do vậy, việc Mỹ bán vũ khí cho Ấn Độ, không chỉ có thể lôi kéo Ấn Độ, mà còn làm xói mòn thị trường vũ khí của Nga, qua đó giảm thiểu lượng thu nhập ngoại hối của Nga. Và đối với Mỹ, đây cũng là một thủ đoạn để kiềm chế Nga.
Toan tính của Ấn Độ
Theo các nhà phân tích, ngành công nghiệp vũ khí của Ấn Độ chưa phát triển, và việc phải nhập khẩu nhiều chủng loại vũ khí trong thời gian dài, là mảnh đất màu mỡ cho các nước chuyên xuất khẩu vũ khí cho Ấn Độ, đặc biệt là hai quốc gia Mỹ và Nga.
Điều này, dự báo sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt giữa Nga và Mỹ trong việc giành các đơn hàng vũ khí của Ấn Độ. Trong đó, Ấn Độ sẽ phải thận trọng trong việc lựa chọn và cân bằng trong việc nhập khẩu vũ khí của Mỹ và Nga.
Điều đặc biệt là thời gian qua, số lượng nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ từ Nga đã giảm đi trông thấy theo từng năm. Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong việc Ấn-Nga đã không đạt được sự thống nhất trong thương vụ bạc tỷ hệ thống tên lửa phòng không S-400.
Theo số liệu thống kê, vào năm 2010, Ấn Độ đã mua của Nga tổng lượng vũ khí là 2371 đơn vị. Tuy nhiên, tới năm 2016, số lượng này đã giảm xuống còn 1590 đơn vị.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng, việc Ấn Độ giảm mua vũ khí của Nga và gia tăng số lượng vũ khí của Mỹ là nằm trong tính toán chiến lược của New Delhi.
Bởi đối với Ấn Độ, các thương vụ vũ khí không chỉ cần phải tính đến lợi ích về mặt kinh tế, mà điều quan trọng hơn đó là phải xét tới chiến lược địa-chính trị của Ấn Độ trong mối quan hệ với Mỹ và Nga.