Tính 'hai mặt' của Mỹ trong cuộc chiến chống IS

Ảnh: SputnikNews
Ảnh: SputnikNews
TPO - Việc quân đội Mỹ vẫn hiện diện tại những nơi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang kiểm soát tại Syria và trước đó là sự kiện không quân Mỹ đã giúp nhiều tướng chỉ huy cấp cao của tổ chức IS trốn khỏi Deir ez-Zor hồi cuối tháng 8 cho thấy vai trò của Mỹ trong cuộc chống IS tại chiến trường Syria ngày càng lộ rõ những toan tính "bất thường".

Những bất thường liên quan tới IS

Sau hàng loạt sự kiện liên quan tới IS gần đây tại chiến trường Syria như việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng này đã nã pháo cối vào một bốt chỉ huy của lực lượng Syria gần thành phố Deir ez-Zor khiến Trung tướng Nga Valery Asapov tử nạn.

Tiếp theo đó IS đã giết hại 3 binh sĩ người Nga gần thành phố Deir ez-Zor cũng trong một cuộc tấn công vào lực lượng quân đội chính phủ Syria và Nga.

Trước đó tổ chức khủng bố này cũng đã triển khai ít nhất hai cuộc đánh bom liều chết bằng xe ô tô nhằm vào lực lượng chính phủ Syria, khiến it nhất 40 binh sĩ thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ vượt sông Euphrates.

Hay những cáo buộc của phía Nga về việc thấy có lực lượng quân đội Mỹ hiện diện tại những nơi IS đang kiểm soát tại Syria.

Theo các chuyên gia quân sự, Mỹ được coi là quốc gia mang tính quyết định trong mối quan hệ phức tạp giữa các lực lượng chống lại IS tại chiến trường Syria.

Những sự kiện này cho thấy bên nào đang thực sự nghiêm túc chiến đấu với lực lượng khủng bố gieo rắc nỗi đau chết chóc hàng ngày với bên nào đang lợi dụng tình hình tại chiến trường Syria. Thêm vào đó, có thể bắt đầu nhận ra rằng những ai đang lớn tiếng kêu gọi chống khủng bố nhưng trên thực tế lại bắt tay và hỗ trợ lực lượng này.

Tính hai mặt của Mỹ

Việc Mỹ thể hiện tính hai mặt trong cuộc chiến chống IS không phải là không có cơ sở. Động thái quân đội Mỹ có mặt tại những khu vực do IS đang kiểm soát tại Syria là minh chứng hùng hồn nhất cho những cáo buộc liên quan tới việc quân đội Mỹ tiếp tay cho các phần tử IS.

Thực tế nếu không có sự tiếp tay của Mỹ thì các tướng IS không thể chạy thoát khỏi các cuộc tấn công dữ đội của quân đội chính phủ Syria và lực lượng không quân vũ trụ Nga hồi tháng 8. Và IS cũng không thể nã pháo giết chết cố vấn quân sự của Nga Trung tướng Valeri Asapov.

Theo cáo buộc của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, việc Trung tướng Valeri Asapov của Nga thiệt mạng tại Syria là do "chính sách hai mặt" của Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Nga ngày 25/9 cho hay Moscow lo ngại rằng Mỹ một mặt tuyên bố quyết tâm tiêu diệt nhóm khủng bố IS, nhưng mặt khác trong hành động thể hiện điều ngược lại. 

Phát biểu trước báo giới, ông Sergei Ryabkov nhấn mạnh: "Thực tế đáng tiếc hiển hiện rõ ràng và rất đáng lo ngại. Đó là chúng ta lại một lần nữa thấy rằng phía Mỹ tuyên bố quyết tâm loại bỏ IS và chiến thắng khủng bố ở Syria nhưng hành động của họ chứng tỏ điều ngược lại, tức là dù sao đối với Washington vẫn có những nhiệm vụ chính trị và địa chính trị riêng quan trọng hơn những gì cam kết trong cuộc chiến chống khủng bố". 

Cùng ngày 25/9, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cũng nhấn mạnh, cho biết nước này vẫn chưa nhận được lời giải thích từ phía Washington về những bức ảnh cho thấy lực lượng Mỹ có mặt ở một số địa điểm do IS đang kiểm soát tại Syria. 

Trước đó, không quân Mỹ đã giúp nhiều tướng chỉ huy cấp cao của tổ chức IS trốn khỏi Deir ez-Zor hồi cuối tháng 8. Các chuyên gia cho rằng, động thái này của Mỹ là nhằm chuẩn bị cho cuộc "mặc cả" với Nga về vấn đề tái thiết Syria trong kỷ nguyên hậu IS. Bởi vì, đây là những người nắm trong tay bằng chứng có thể đi "ngược lại" lợi ích của Mỹ trong các cuộc đàm phán về tương lai Syria.

Theo cựu Trung tá Không quân Mỹ Kwiatkowski, những chỉ huy IS được sơ tán là những người mà Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ và quân đội Mỹ muốn bảo vệ, “đặc biệt là những người nắm trong tay bằng chứng có thể chống lại Mỹ trong cuộc đàm phán”.

Theo nhiều nguồn tin khác nhau, quân đội Mỹ đã cung cấp vũ khí và thông tin tình báo cũng như chỗ trú ẩn an toàn cho lực lượng IS khi lực lượng này đang bị quân đội chính phủ Syria và lực lượng quân sự Nga tấn công dữ dội . 

Theo các chuyên gia quân sự, nếu phương Tây muốn nghiêm túc trong vấn đề chiến đấu với chủ nghĩa khủng bố, nghiêm túc trong việc mang lại sự ổn định cho khu vực Trung Đông thì cần phải xem xét động cơ thực sự của Mỹ trong cuộc chiến chống IS là gì?

Việc Mỹ-Nga cạnh tranh nhau tại Syria là điều ai cũng biết và không phải bàn cãi. Chỉ có điều sự cạnh tranh và toan tính của các bên ngày càng lộ rõ cùng với sự suy yếu của IS trên chiến trường Syria.

Việc Nga-Mỹ cáo buộc nhau tấn công vào các lực lượng của các bên trên chiến trường Syria, cũng như việc Nga cáo buộc Mỹ thực hiện "chính sách hai mặt" trong cuộc chiến chống IS chỉ càng làm hiện rõ thêm những toan tính của các nước tại chiến trường Syria. 

MỚI - NÓNG