Đúng là độc giả thời buổi này cũng phải trở thành những “người tiêu dùng thông thái”, để biết tỉnh táo, cân nhắc chọn lựa thông tin, không tiêu thụ tin giả, không bị dẫn dắt theo ý đồ xấu xuất hiện không ít từ các nền tảng truyền thông, mạng xã hội… Nhưng góc độ nào đó, ở đây có thể thấy niềm tin và sự “cảnh giác” của một bộ phận độc giả dành cho nhiều bài báo, trang tin là khá đáng buồn. Giờ mạng xã hội liên tục chụp những cái tít báo chí hết sức “ngớ ngẩn”, về sắp xếp trật tự câu, về chính tả, ngữ nghĩa, để biến thành chủ đề đàm tiếu. Không biết do biên tập viên vô tình hay cố ý “tạo sóng”?
Mấy năm trước, dịp này tôi có đặt câu hỏi, là báo chí phải ứng xử ra sao giữa thời đại mà “cái gì cũng biết”? Tức là mọi thông tin tràn lan trên mạng, google, giờ lại vừa thêm ChatGPT. Để thấy rằng thông tin/tin tức xét trên phương diện nào đó còn quan trọng hơn thực phẩm và cả dược phẩm, bởi có thể cùng lúc gây “ngộ độc” cho hàng triệu, hàng tỷ người, hay có thể châm ngòi cho những cuộc chiến tranh phi quy ước trên nhiều lĩnh vực ở phạm vi toàn cầu. Rằng “thuốc giải” hiệu quả nhất ở đây không gì khác cũng chính là bản thân thông tin. Là tin thật, tin sạch, tin tức nhân văn,…
Khảo sát gần đây của báo chí thế giới cho thấy, tỷ lệ độc giả/khán giả đã quay sang ủng hộ gần như tuyệt đối (94%) loại hình “báo chí giải thích” (Explanatory journalism), mà ít quan tâm hơn (73%) đối với “báo chí giải pháp” (Solution journalism). Đây là câu chuyện dài. Chỉ vắn tắt, là giữa kỷ nguyên số này, khi thông tin quá nhiễu loạn, thật giả lẫn lộn, điều cần hơn với độc giả lúc này lại là “hiểu tin tức”. Họ cần nhà báo làm rõ và đơn giản hóa những vấn đề phức tạp, thay vì tìm hiểu các giải pháp giải quyết.
Tất nhiên thời đại nào cũng cần đến loại hình báo chí giải pháp, mà ở đó nhà báo đưa ra những sự kiện, vấn đề đang gây tranh cãi nhằm bàn bạc, thảo luận thống nhất giải pháp mang tính xây dựng, thúc đẩy ý thức công dân, giúp xã hội có cái nhìn đầy đủ và tích cực về các vấn đề liên quan. Nên một khi công chúng báo chí cần hơn những sự giải thích, thì tôi cho rằng đây đây là dấu hiệu không bình thường. Một chỉ dấu của sự bối rối, hoang mang trước áp lực kỷ nguyên số.
Mới tuần trước, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đề xuất một bộ Quy tắc ứng xử quốc tế chống tin giả. Đặc biệt là kêu gọi thành lập một Cơ quan quốc tế giám sát trí tuệ nhân tạo, tầm quan trọng sánh ngang với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Cùng lúc, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua quan điểm đàm phán về Đạo luật Trí tuệ nhân tạo, nhằm sớm ban hành khuôn khổ pháp lý để quản lý các hệ thống AI. Tại Mỹ cũng đang xúc tiến điều này.
Một khi sự “phổ biến tư tưởng thù hận và dối trá trên không gian số đang gây ra tác hại nghiêm trọng trên toàn cầu, theo đó kích động xung đột, chết chóc và hủy diệt” như khẳng định của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, thì chỉ có thể so sánh với độ nguy hiểm của vũ khí hạt nhân. Nhưng dưới vỏ bọc hiền lành, là “tin tức”…