Tìm gà cúng giao thừa ở Paris

Tìm gà cúng giao thừa ở Paris
TP - Mâm cúng giao thừa vừa để hội tụ con cháu, vừa cầu may, nên vô cùng quan trọng đối với người Việt. Tuy nhiên những người ở xa quê hương, không còn nhiều người làm mâm cúng giao thừa do tết ở Việt Nam, nhưng ở nước ngoài vẫn đi làm bình thường. Đó là chưa kể việc lệch múi giờ.

Một lần, anh Việt kiều Pháp mới bảo lãnh mẹ già qua, bỗng được bà mẹ nhắc ba ngày nữa tết đến. Anh ta mới sực tỉnh 15 năm nay, anh đã quên mất Tết vì toàn đi học và đi làm kiếm tiền. Bà mẹ qua Pháp vẫn mang theo mình toàn bộ quan niệm cổ truyền dân tộc. Bà giao cho anh danh sách hàng phải mua: bánh chưng, hoa, ngũ quả, giò, miến… Đút ngay tờ giấy vào túi, đi làm về anh ghé qua chợ châu Á với ý nghĩ mua gì ở đó chẳng có. Chỉ mất nửa tiếng anh đã mua đủ các thứ bà mẹ dặn trừ con gà trống choai. Anh điện thoại hỏi mẹ cụ thể về con gà. Bà mẹ dặn phải đúng gà trống choai chưa đạp mái, và đòi mẹ tự đi chọn gà. Quả là một đánh đố với một anh bác sỹ cả đời chỉ cặm cụi trong bệnh viện. 

 

Nhưng anh lại lóe lên hy vọng tìm được nhanh gà trống choai vì Pháp là dân Gaulois. Con gà trống gaulois là biểu tượng của nước Pháp từ sau cách mạng 1789 thay thế bằng hoa loa kèn của chế độ quân chủ cũ. Trên các nóc nhà thờ ở bất kỳ nơi nào trên đất Pháp cũng có hình con gà trống. Gà trống còn trạm trổ trên huân chương, in trên tem của Pháp… Gà trống tượng trưng cho sự kiêu hãnh, tham vọng, báo bình minh, sự thức tỉnh. Tuy thế dân Pháp không mê tín, thịt gà bán đầy ở siêu thị. 

Anh nghĩ trên đất Pháp này tìm gà phải dễ hơn ở Việt Nam. Chiều mẹ, anh quay về đưa cụ đi cửa hàng thịt ở gần nhà. Thịt gà bán trong cửa hàng được phân loại rõ ràng : gà trống, gà mái, gà con. Nhưng gà toàn làm sẵn làm sao biết con nào khỏe mạnh tràn trề sức sống trước khi bị vặt lông đưa đi bán. Con nào cũng bị chặt cụt đầu. Anh lại cất công chở cụ đến chợ châu Á. Do biết rõ phong tục châu Á, cửa hàng bày sẵn mấy con gà còn để nguyên cái cổ còn lông và cái đầu còn mào đỏ, chân vàng. Nhưng cụ không chịu mua, vì gà làm sẵn cổ ngoẹo trông không còn linh khí và không thể phân biết được con nào chuẩn bị le te. Bên Pháp chủ yếu là gà công nghiệp, gà con nuôi nhốt chắc chắn là gà chưa đạp mái, nhưng như thế đâu phải là gà tràn trề sức sống, chỉ là gà chíp. Hơn nữa gà tròn trùng trục không phải gà le te. Gà trống choai đùi thon, mình lẳn. Thông thường ở Pháp, người ta chỉ nuôi gà mái để lấy trứng một thời gian, rồi đem bán, chỉ giữ vài con trống khỏe để lấy giống. Số trống ngay khi chưa kịp gáy đã bị bán đi vì không có hiệu quả kinh tế cao. Ở thành phố tuy không có luật cấm nuôi gà, nhưng nuôi gà trống rất khó kể cả nhà có vườn rộng. Sáng sớm, gà gáy o o. Hàng xóm mất ngủ sẽ thưa kiện . 

Cụ nhất quyết nhờ con chở cụ đi đến trại gà mua trực tiếp, nếu không cụ đòi quay về Việt Nam sống. Anh con trai chiều mẹ, nhân thể cho mẹ biết nông thôn Pháp. Nhờ thông tin bạn bè, anh đưa mẹ đến một trại gà gần nhất cách Paris 40 cây số. Tết nhằm vào mùa đông ở Pháp. Trời gió, tuyết rơi. Đồng trắng xóa. Gà trống choai có khỏe cũng rúc trong chuồng. Đến nơi, nghe anh con trai kể về phong tục Tết Việt Nam, ông chủ trại gà cười vang nhiệt tình dẫn vào trại để chọn gà. Ông chủ chỉ xa xa vài con gà trống hừng hực đã đầy kinh nghiệm tình trường và một khu toàn gà trống mào mới nhú đang nhốt chuẩn bị làm thịt. Bà mẹ thất vọng khi ông chủ bảo “loại gà trống chíp còn phải 2 tuần nữa mới thành trống choai”. Ngắm mãi, cuối cùng cụ đành phải chọn con to nhất trong đám gà trống chưa kịp nhổ giò này về cúng giao thừa. Ông chủ nhanh tay bắt ngay con gà trống bỏ vào trong hộp các tông và chúc hai mẹ con đón năm mới vui vẻ.

Trên đường về, bà mẹ lo sợ gà nghẹn thở chết trong hộp các tông sẽ mất linh. Cụ bèn mới mở nắp hộp cho gà thở. Con gà nhanh như chớp vụt nhảy ra, cụ giữ lại không kịp. Con gà sợ nhảy loạn xạ vào vô lăng xe ô tô. Anh con trai suýt đâm vào vệ đường. Hú vía, đường vắng, anh vội phanh xe, bắt con gà lại, và ấn vào hộp cẩn thận. Đến nhà, cậu cháu trai ra bê giúp vào. Một tay bưng hộp, một tay ẩn cửa. Cái đáy hộp bị tụt, con gà lại được một lần tự do. Nó chạy chui ngay qua hàng rào sang vườn nhà hàng xóm, rồi lọt ra đường. Hai bố con lại vội chạy đi bắt gà. Hàng xóm và vài người đi bộ qua buồn cười khi thấy cảnh một ông đeo kính chạy theo con gà trượt chân ngã chỏng vó vì đường đóng băng. Họ xúm vào lùa giúp xua bắt được lại con gà. 

Đêm cúng giao thừa, khách được một trận cười ngả nghiêng khi biết được chuyện con gà chống choai toan tẩu thoát. 

Năm đó, bà cụ chẳng may bị bệnh qua đời. Anh được lên chức chủ nhiệm bộ môn di truyền. Bạn bè đùa khuyên anh phải mua gà trống choai làm lễ tạ ơn mẹ vì đó là năm đầu tiên gia đình anh làm lễ cúng giao thừa ở Pháp.

Mỗi lần Tết đến, anh và gia đình không bao giờ quên con gà trống choai và mâm cúng giao thừa. Cậu con trai giờ đã đi học xa gọi điện về?: “bố ơi, hình như Tết đến, con thấy bắt đầu bán bánh chưng ở cửa hàng, bố đã đi mua gà trống choai chưa?”. Thế là hai bố con cười trong điện thoại. Sau đó, mắt rớm lệ, anh lặng lẽ thắp nén hương cho mẹ. 

Gà cúng mang đầy ý nghĩa

Ở Việt Nam, đón năm mới người ta hay làm mâm cơm cúng trời đất và tổ tiên mong phù hộ cho năm mới tốt đẹp. Trong mâm cúng bao giờ cũng có con gà luộc. Gà bày lên mâm cúng được chọn kỹ lưỡng. Đó là con gà trống tơ, chưa đạp mái, tiếng gáy te te, mào đỏ, mỏ và chân vàng. Mào đỏ rực thể hiện sức khỏe, may mắn. Màu vàng tượng trưng cho sự giàu sang, quyền lực. Con gà chưa đạp mái, gà vừa lớn có nghĩa là còn trong sạch, tinh khiết chưa bị vẩn đục của cuộc đời. Con gà phải khỏe mạnh, mào đỏ đứng mang ý nghĩa báo hiệu một tương lai rạng rỡ, tràn trề nhựa sống. Gà phải đang chạy nhảy giữa đàn gà, giữa cánh đồng mới gọi là gà đầy tương lai và hy vọng. Gà trống thường dũng mãnh chống lại diều hâu rình rập gà con. Vì vậy đầu năm cúng gà trống sẽ đem lại nhiều điềm tốt lành cho cả năm. Nhiều nơi, gia chủ phải tự tay cắt tiết để xem đầu gà ngoảnh về đâu, xem điềm báo năm mới. 

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG