Ngày 5/12, Bộ Công Thương và Tổ chức Sáng kiến và thương mại bền vững (IDH), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) và Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO) đã tổ chức hội thảo quốc tế “Hợp tác phát triển bền vững ngành dệt may và da giày Việt Nam”.
Hội thảo là hoạt động đầu tiên thuộc khuôn khổ hợp tác thực hiện Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và IDH về phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày nhằm tham góp ý kiến các bên về kế hoạch hoạt động ưu tiên về phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày trong 3 năm tới, giai đoạn 2025-2027.
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, nhằm tập hợp các ý kiến góp phần giải quyết những vấn đề nổi cộm, thách thức đồng thời đón nhận các cơ hội phát triển bền vững của ngành dệt may và da giày Việt Nam.
Hội thảo cũng nhằm giúp doanh nghiệp áp dụng các mô hình bền vững, mở rộng thị trường và thúc đẩy liên kết phát triển chuỗi cung ứng bền vững, tuần hoàn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Bộ Công Thương đã tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp dệt may và da giày nói riêng áp dụng thí điểm một số giải pháp và mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững |
Theo đại diện Bộ Công Thương, thời gian qua Bộ đã tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp dệt may và da giày nói riêng áp dụng thí điểm một số giải pháp và mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.Tới đây, ngoài các nhiệm vụ trên, Bộ sẽ tiếp tham gia hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Cùng đó, sẽ thực hiện chứng nhận và dán nhãn sinh thái đối với các sản phẩm dệt may, da giày; xúc tiến thương mại và hỗ trợ tiếp cận, mở rộng thị trường đối với các sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế, sản phẩm các bon thấp đáp ứng các yêu cầu quy định, tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ, việc triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ PPP giữa cơ quan quản lý nhà nước, đầu mối là Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành dệt may, da giày và tổ chức IDH là một tiền đề quan trọng có thể giúp các doanh nghiệp dệt may, da giày chủ động thích ứng, liên kết bền vững và hội nhập phát triển trong giai đoạn 2025 – 2030, giai đoạn được coi là kỷ nguyên xanh của Việt Nam và thế giới”.
Đồng quan điểm, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho rằng, việc ký bản ghi nhớ hỗ trợ phát triển bền vững ngành dệt may và da giày Việt Nam không chỉ là sự cam kết mà còn là tầm nhìn chiến lược hướng tới một tương lai xanh hơn, hiện đại hơn cho hai ngành công nghiệp mũi nhọn này.
“Chúng tôi tin tưởng rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chuỗi giá trị và đẩy mạnh ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế về bền vững. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống của người lao động và phát triển kinh tế xã hội”, bà Xuân cho hay.
“Việc ký Bản ghi nhớ là một bước đi cần thiết để thúc đẩy sự hợp tác công tư và có ý nghĩa đối với việc phát triển bền vững của ngành bông sợi, dệt may và da giày trong giai đoạn 2025-2030. Bản ghi nhớ sẽ đóng góp giúp ngành đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh ngày càng tăng và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững”, ông Nguyễn An Toàn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) chia sẻ.
Theo đại diện Bộ Công Thương, thời gian qua Bộ đã tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp dệt may và da giày nói riêng áp dụng thí điểm một số giải pháp và mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, mở rộng thị trường và thúc đẩy liên kết phát triển chuỗi cung ứng bền vững, tuần hoàn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh.