Tiếp vụ 'Dân săn bằng chứng tố cán bộ phạm pháp' Đắk Lắk

Ông Hoạt (trái) và ông Nhật gặp nhau chuẩn bị tiếp tục hầu tòa
Ông Hoạt (trái) và ông Nhật gặp nhau chuẩn bị tiếp tục hầu tòa
TP - Sau khi báo Tiền Phong đăng 2 bài “Dân săn bằng chứng tố cán bộ phạm pháp”, “Ông Viện trưởng với những giao dịch bất thường” (số ra ngày 21/1 và 2/2/2015) phản ánh việc một số cán bộ tố tụng huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cố ý làm trái, khiến tòa án huyện Ea Kar tuyên án oan sai, Tòa án tỉnh Đắk Lắk đã xử phúc thẩm, tuyên hủy cả 2 bản án mà báo đã nêu.

Suýt mất bộ bàn ghế bạc tỷ

Hai công dân “săn bằng chứng tố cán bộ phạm pháp”, là ông Nguyễn Như Hoạt và ông Triệu Đức Nhật, ở khác xã nhưng cùng huyện Ea Kar tỉnh Đắk Lắk.

Ông Hoạt ở xã Ea Kmut vay bà Cúc 200 triệu đồng để làm ăn. Quá hạn 3 ngày chưa trả được nợ, ông Hoạt giao cho bà Cúc bộ bàn ghế kiểu “tam sư” trị giá 1 tỷ để làm tin, khi giao lại thật thà không viết giấy. Khi bà Cúc kiện đòi nợ, ông Hoạt yêu cầu bà giao lại bộ bàn ghế rồi sẽ trả tiền. Bà Cúc chối phắt bảo không biết gì về bộ bàn ghế. Ông Hoạt phải đi tìm chứng cứ về việc bà Cúc đã tự ý bán bộ bàn ghế Tam sư cho người khác cung cấp cho cơ quan tố tụng. Khi xử vụ bà Cúc kiện đòi tiền ông Hoạt, Tòa huyện bác bỏ lời khai của nhân chứng về bộ bàn ghế, vẫn tuyên buộc ông Hoạt phải trả bà Cúc cả 200 triệu đồng cả gốc lẫn lãi.

Ông Hoạt phải nghĩ cách săn thêm chứng cứ, bằng cách gọi bà Cúc đến một điểm hẹn để ông trả bớt tiền. Tại đó, ông Hoạt ghi âm, và nhờ người khác quay video clip được cảnh bà Cúc thừa nhận với ông Hoạt bà có bán bộ Tam sư. Ngày 4/2/2015, Tòa án tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm dân sự vụ này. Với chứng cứ mới quá rõ do ông Hoạt cung cấp, tòa kết luận: “Do những vi phạm tố tụng của cấp sơ thẩm là nghiêm trọng, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được”, nên tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về cho Tòa án huyện Ea Kar điều tra, xét xử lại.

Các bên, các cấp tố tụng... cùng sai

Năm 2011 bà Phạm Thị Lán vợ ông Triệu Đức Nhật ở xã Ea Tý, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk bị bắt vì chứa gái mại dâm. Ông Nhật đã xoay xở giao cho một người được giới thiệu “cò chuyên chạy án” là bà Nguyễn Thị Hằng (mà sau này ông mới biết bà Hằng từng có tiền án lừa đảo) 200 triệu đồng, nhờ bà Hằng giúp “chạy tại ngoại, lãnh án treo” cho vợ. Bà Hằng viết giấy cam kết nếu chạy không xong sẽ trả lại tiền. Tháng 6/2012, bà Lán vẫn bị tòa huyện xử án 5 năm tù giam. Ông Nhật gặp bà Hằng đòi lại tiền. Bà Hằng cho biết có đưa tiền chạy án cho một số cán bộ liên quan, người môi giới là ông L. công tác ở Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Đắk Nông.

Ông Nhật đến nhà ông L. đòi tiền, quay video clip. Ông Nhật khẳng định video clip ghi được lời ông L. thừa nhận có lấy 30 triệu đồng từ bà Hằng để gặp một số cán bộ điều tra và kiểm sát huyện nhờ chạy án. Ngày 6/12/2012 ông Nhật gửi tài liệu tố cáo vụ chạy án, kèm đĩa CD chép đoạn video clip này để tố cáo một số cán bộ tố tụng của huyện đã “ăn tiền chạy án” đến cơ quan điều tra Công an tỉnh. Chờ lâu không thấy Công an tỉnh xử lý, ông Nhật gửi video clip kèm đơn tố cáo ra Viện KSND tối cao.

Ngày 21/5/2014, Cục điều tra Viện KSND tối cao ra thông báo số 15a, xác định trong vụ này chỉ có bà Nguyễn Thị Hằng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và Viện KSND tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Hằng rồi chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án về lại cho Viện KSND huyện Ea Kar truy tố. Tháng 11/2014, Tòa huyện Ea Kar xử bị cáo Nguyễn Thị Hằng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cộng với tiền án trước đó tuyên phạt bà Hằng tổng cộng 30 năm tù giam, buộc bà Hằng trả toàn bộ số tiền đã nhận lại cho bị hại Triệu Đức Nhật, khiến cả bị cáo lẫn bị hại đều làm đơn kháng cáo.

Ngày 17/3/2015  tòa án tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm vụ này. Khi bà thẩm phán chủ tọa Hội đồng xét xử (HĐXX) lật giở hồ sơ vụ án, lộ ra phong bì đựng đĩa CD chứng cứ mà ông Nhật nộp ngày 6/12/2012 cho cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk vẫn còn nguyên các chữ ký và dấu đóng niêm phong. Ông Trần Minh Lợi- người đại diện theo ủy quyền của bị hại Triệu Đức Nhật phát hiện, yêu cầu mở. Chủ tọa HĐXX phải bảo cô thư ký đi lấy kéo đưa cho ông Lợi cắt phong bì niêm phong chứng cứ ngay trên bàn HĐXX, và lập biên bản về việc này. Phiên tòa này phải tuyên hoãn. Theo yêu cầu của Tòa, hôm sau ông Lợi nộp văn bản ghi lại cho rõ các câu trao đổi trong video clip cho tòa, rằng ông L. thừa nhận có nhận tiền từ bà Hằng để chạy án giúp.

Mới đây, ngày 15/7/2015 Tòa án tỉnh Đắk Lắk đưa ra xử phúc thẩm vụ bị cáo Hằng “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của tòa huyện. Đến nay, các bên liên quan đều đã nhận được bản án số 295, do thẩm phán Lâm Thị Hiển chủ tọa phiên tòa hình sự phúc thẩm ngày 15/7/2015 ký ban hành.

Đặc biệt, bản án hình sự phúc thẩm số 295 cho thấy: khi nhận hồ sơ chứng cứ ông Nhật tố cáo các cán bộ liên quan có nhận tiền chạy án, cơ quan Điều tra Viện KSND Tối cao đã “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” vì không yêu cầu Viện KSND tỉnh tiếp tục điều tra, mà lại giao quyền truy tố bị cáo Hằng cho chính các cán bộ huyện Ea Kar đã bị bà Hằng tố cáo nhận tiền hối lộ, khiến việc tố tụng thiếu vô tư khách quan. Vì vậy, Tòa tỉnh hủy toàn bộ bản án của Tòa huyện, giao hồ sơ cho Viện KSND tỉnh Đắk Lắk điều tra, truy tố lại theo đúng thẩm quyền.

MỚI - NÓNG