Tiếp viên kể chuyện khách sinh con trên máy bay

Ngoài phục vụ thông thường, tiếp viên hàng không phải biết xử lý tình huống tốt lúc nguy cấp (ảnh minh họa) Ảnh: Bảo Khánh
Ngoài phục vụ thông thường, tiếp viên hàng không phải biết xử lý tình huống tốt lúc nguy cấp (ảnh minh họa) Ảnh: Bảo Khánh
TP - Ca sinh con hy hữu trên máy bay Jetstar Pacific (JP) khiến gần 200 hành khách trên chuyến bay trưa 16-1 bất ngờ xen lẫn sợ hãi, nhưng cuối cùng mẹ tròn con vuông. Nếu tiếp viên trưởng chậm 2 phút, chưa biết tình huống sẽ dẫn tới đâu...
Ngoài phục vụ thông thường, tiếp viên hàng không phải biết xử lý tình huống tốt lúc nguy cấp (ảnh minh họa) Ảnh: Bảo Khánh
Ngoài phục vụ thông thường, tiếp viên hàng không phải biết xử lý
tình huống tốt lúc nguy cấp (ảnh minh họa). Ảnh: Bảo Khánh.

Chuyến bay nhiều trẻ em, người già

Chuyến bay mang số hiệu BL520 chuẩn bị xuất phát từ Tân Sơn Nhất (TPHCM) đi Vinh (Nghệ An) đầy ắp khách. Phi hành đoàn gồm 2 phi công, 5 tiếp viên (1 tiếp viên thực tập) như thường lệ làm thủ tục đếm khách lần cuối. Tất cả có 182 hành khách, trong đó có đến 16 em bé dưới 2 tuổi và 7 em bé trên 2 tuổi, cùng nhiều người già. Máy bay đã lăn bánh ra tới gần đầu đường băng, hành khách và phi hành đoàn đã yên vị thắt dây an toàn chờ đợi máy bay chạy đà cất cánh. Bỗng nhiên, có tiếng người kêu đau bụng.

Tiếp viên trưởng Phan Thị Hoàng Quyên 1 (nhiều người trùng tên nên phải đánh số-PV) theo phản xạ chạy lại hàng ghế số 3. Một nữ hành khách đang ôm bụng nhăn nhó kêu đau. Chỉ 1-2 phút nữa là máy bay cất cánh. Tiếp viên Quyên trấn an nữ hành khách và được biết khách đang mang bầu tuần thứ 32 (khoảng 8 tháng).

Phải quyết định nhanh, nếu không máy bay ngóc đầu cất cánh thì có muốn dừng lại cũng phải mất 40 phút sau. Bởi vì, theo quy định của ngành hàng không, một khi máy bay đã ở giai đoạn cất cánh thì tiếp viên không được liên lạc với cơ trưởng. Sau đó nếu có thông báo gì, nhanh nhất để máy bay hạ cánh khẩn cấp cũng cần mất 40 phút. Bằng linh cảm của người mẹ và được huấn luyện kỹ tình huống khẩn cấp, tiếp viên trưởng Quyên quyết định báo cơ trưởng và yêu cầu huỷ cất cánh do xác định hành khách đau đẻ.

Tiếp viên trưởng Phan Thị Hoàng Quyên (10 năm nghề) - người đã quyết đoán kịp thời trước ca sinh nở hy hữu Ảnh: gia đình cung cấp
Tiếp viên trưởng Phan Thị Hoàng Quyên (10 năm nghề)
- người đã quyết đoán kịp thời trước ca sinh nở hy hữu.
Ảnh: gia đình cung cấp.

Bốn phút sinh con, hành khách ngỡ ngàng

Máy bay dừng lại và quay đầu, Quyên ra khẩu lệnh để các tiếp viên vào vị trí, trấn an các hành khách, trực chốt tại các cửa máy bay. Bản thân cô cùng với tiếp viên Phạm Thuý Anh tiếp cận bà bầu là hành khách Nguyễn Thị Lập để an ủi, nhắc nhở thở đều, tránh mất sức. Lúc đó, Quyên và đồng nghiệp nghĩ, khả năng bà bầu sẽ chuyển dạ dưới mặt đất. Bất ngờ, nữ hành khách đứng lên, Quyên và mọi người phát hiện đầu em bé đã ra ngoài.

“Không thể di chuyển được chị ấy vì khách quá đông. Máu của sản phụ chảy nhiều quá. Em vội phát thanh cần bác sỹ gấp, đồng thời xin phép cơ trưởng mở hộp y tế khẩn cấp để hỗ trợ khách. May quá, có bác sỹ trên chuyến bay đến thực hiện những thao tác cần thiết”, Quyên kể. Cháu bé chào đời nhỏ hơn bình thường. Bố mẹ của bé không có bất cứ đồ dùng cho trẻ sơ sinh, ngay lập tức Quyên lấy chiếc áo thun của mình quấn cháu bé lại.

“Từ lúc chị ấy kêu đau cho tới khi sinh chỉ khoảng 4 phút. Diễn biến quá nhanh. Lúc đó, máy bay đang trên đường quay lại sân đỗ. Tất cả hành khách đều ngỡ ngàng trước những gì đang diễn ra trên máy bay”, Quyên kể.

Đúng 12g15 phút, cửa máy bay mở ra, đội y tế sân bay được báo trước đã có mặt kịp thời và cắt rốn cháu bé. Theo lời tiếp viên Quyên, mẹ cháu bé rất tỉnh, lúc ra tới cửa máy bay còn mắc cỡ. Em bé được người họ hàng sản phụ bế đi trước. Máu chảy lênh láng, nhân viên vệ sinh làm không kịp nên các tiếp viên lại xắn tay dùng tới 5 chiếc chăn và nhiều khăn để lau vết máu.

“Hành khách lặng thinh nhưng em đọc được trong ánh mắt mỗi người lời cám ơn phi hành đoàn. Như thế cũng là vui rồi. Ngày mai, sau khi hết ca làm việc, em sẽ vào bệnh viện thăm mẹ con cháu bé”, Quyên vui vẻ nói.

Ca sinh nở tốn hàng nghìn USD

Trực ban trưởng điều hành Trung tâm Phục vụ mặt đất JP Tạ Anh Tuấn kể lại: “Trưa 16-1, tôi cùng một số nhân viên đang ăn trưa tại nhà hàng trong sân bay thì bỗng nhiên điện thoại đường dây nóng đổ dồn. Tôi và các nhân viên mặt đất bỏ cơm để xử lý khẩn cấp gọi cấp cứu, lấy xe thang để kịp đón sản phụ và em bé”.

Theo anh Tuấn, ca đẻ trên máy bay vừa qua ít nhất tiêu tốn của JP cỡ vài nghìn USD do phải mất thêm tiền lai dắt, đẩy máy bay, nạp nhiên liệu (800 kg dầu), chậm chuyến dây chuyền...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG