Tiếng lòng Mù Cang Chải

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong cái lạnh đêm cuối thu ở độ cao hơn 1.500 mét so với mặt nước biển, văng vẳng trong không gian ruộng bậc thang tiếng khèn lúc bổng lúc trầm theo gió bay qua các sườn đồi khiến những người khách phương xa như lạc vào cõi thiên thai...

Khúc tự tình của người Mông

Đêm trên bản cao Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải, Yên Bái), ở độ cao hơn 1.500 mét so với mực nước biển, nhiệt độ ngoài trời còn 13 độ C, tiếng gió núi rít từng cơn ngoài sân. Bên bếp lửa hắt ra hơi ấm cùng mùi khoai nướng thơm lừng, Thào A Su, cậu thanh niên người Mông, chủ nhà sau khi xong công việc phục vụ khách nghỉ lại homestay, lấy khèn thổi cho chúng tôi nghe một khúc nhạc của thanh niên Mông mỗi buổi đêm đi tìm bạn gái.

Tiếng lòng Mù Cang Chải ảnh 1

Ngày 28/9/2023, Đoàn xã Khao Mang tổ chức ra mắt Câu lạc bộ “Giữ gìn bản sắc văn hóa khèn Mông” tại bản Háng Bla Ha B. Ảnh: Huyện Đoàn Mù Cang Chải

Cậu kể ngày trước chưa có điện thoại, khèn là phương tiện giao tiếp của các bạn trẻ. Tiếng khèn báo cho cô gái biết bạn trai đã đến dưới chân đồi. Tiếng khèn của mỗi chàng trai sẽ có giai điệu khác nhau. Người con gái Mông sẽ biết đâu là tiếng khèn của chàng trai họ thương để tìm đến. Nếu ưng nhau cô gái sẽ tìm chàng trai theo tiếng khèn gọi bạn.

Trai gái Mông được tự do yêu đương. Tục bắt vợ của người Mông là một mĩ tục để giữ phẩm giá cho người con gái. Mĩ tục này biểu hiện rằng, để có được cô gái chàng trai phải rất vất vả chứ không phải tự nhiên mà có.

Khi bị/được một chàng trai bắt về, theo tục lệ, sau 3 ngày, nếu cô gái không ưng thì có quyền bỏ về nhà. Chàng trai không có quyền níu giữ. Nếu cô gái ưng cái bụng, chàng trai sẽ nhờ một người sang nói với bố mẹ cô gái rằng con gái ông bà đã có nơi có chốn, không phải đi tìm, nhà trai sẽ mang đồ lễ sang làm đám cưới.

Khi đã thành vợ chồng, nếu hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, người vợ có thể bỏ đi. Người con trai luôn ở thế phải chấp nhận nếu cô gái không còn muốn ở với mình. Câu chuyện làm tôi chợt nghĩ biểu hiện này phải chăng là bằng chứng thực tế văn minh về sự tôn trọng phụ nữ?

Tôi hỏi Thào A Su: “Người Mông có tục đi “chợ tình” gặp người yêu cũ? Cậu có đi không?”. Cậu cười bảo: “Ở nơi khác thì có chứ ở đây em mà đi thì về không có chỗ mà ngủ đâu à!”.

Cậu nói thêm về “chợ tình”. Nguyên thuỷ, phong tục này có luật bất thành văn là những người đến “chợ tình” sẽ chỉ ở trong một khu vực được quy định. Họ chỉ trò chuyện và uống rượu, thổi khèn, đánh đàn môi mà thôi. Hàn huyên một đêm rồi lại về.

Tiếng lòng Mù Cang Chải ảnh 2

Thào A Su - chàng trai bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn trình diễn khèn Mông quảng bá du lịch cộng đồng.

Các cậu trai Mông trước đây đều được học thổi khèn từ khi còn nhỏ. Cầm được rựa là được dạy thổi khèn. Họ học từ bố, học từ những thầy giỏi khèn trong bản, trong xã.

Tiếng khèn của người Mông là ngôn ngữ giao tiếp rất thiêng liêng. Nó vừa là tiếng lòng của người đang yêu lại vừa là ngôn ngữ kết nối giữa người sống và người đã khuất. Khi có một người trong cộng đồng mất đi, khèn sẽ được thổi suốt trong thời gian làm tang lễ. 60 bản nhạc khèn của đám hiếu lần lượt dẫn linh hồn người chết về với thế giới bên kia. Người sống sẽ nói chuyện với người đã khuất bằng tiếng khèn.

Nơi duy nhất có Nghị quyết về tiếng khèn

Trong bộ hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin công nhận di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Yên Bái, sự tích về chiếc khèn Mông được ghi lại thế này: Ngày xưa, có một gia đình đồng bào Mông cha mẹ mất sớm để lại sáu anh em trai ở với nhau. Cuộc sống vắng cha vắng mẹ buồn tẻ, sáu anh em mỗi người làm ra một ống khèn thổi cho khuây khỏa. Cho đến một ngày, chiến tranh xảy ra, quân giặc ở phương Bắc tràn xuống cướp của, giết người, đốt phá nhà cửa, làng bản, gia đình sáu anh em, người thì bị giặc giết hại, người thì theo nghĩa quân đánh giặc, người phiêu bạt, chỉ còn lại người em út. Nhớ các anh, chàng út gắn 6 chiếc khèn lại thành một, trở thành cây khèn của đồng bào Mông ngày nay. Người Mông bảo nó là vua của các loại khèn.

Nghệ thuật khèn của người Mông các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) được đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình trình diễn dân gian theo Quyết định số 1401 ngày 1/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Mù Cang Chải cũng là quê hương của nghệ nhân ưu tú khèn Mông Thào Cáng Súa ở bản Sáng Nhù xã Mồ Dề. Ông là một trong số 15 nghệ nhân khèn Mông ở khắp vùng cao tỉnh Yên Bái. Theo thống kê cả tỉnh Yên Bái hiện chỉ có 21 nghệ nhân biết chế tác khèn Mông, tuy nhiên số người giỏi trình diễn khèn Mông không còn nhiều nữa.

Tiếng lòng Mù Cang Chải ảnh 3

Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Ảnh: Binh.x.five

Mới đây, Huyện ủy Mù Cang Chải có hẳn nghị quyết giao xuống các xã là bằng mọi giá phải đưa tiếng khèn Mông trở thành di sản, trở thành âm hưởng đặc sắc nhất của núi rừng.

Theo anh Giàng A Ly, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện, Bí thư Huyện Đoàn Mù Cang Chải, trong chiến lược gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, nghị quyết về chiếc khèn Mông là xương sống để Đoàn Thanh niên huyện Mù Cang Chải tham gia tích cực hiện thực hóa Đề án xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, khu du lịch quốc gia. Xác định đoàn viên thanh niên là lực lượng nòng cốt để kế cận và phát huy kho tàng văn hóa dân gian, Huyện Đoàn đã xây dựng kế hoạch tập hợp đoàn viên thanh niên, sau đó mời các già làng có kinh nghiệm, nắm giữ bản nhạc và thấu hiểu nghệ thuật khèn, truyền dạy cho các bạn trẻ. Các “Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông” được thành lập ở xã, trong đó khèn là một trong những nghệ thuật được truyền dạy. Hiện tại, các đội văn nghệ xung kích hoạt động thường xuyên gắn với hoạt động du lịch. Các tiết mục mang nét đẹp của văn hóa dân tộc Mông được đoàn viên thanh niên biểu diễn hằng tuần, qua đó quảng bá mảnh đất và con người Mù Cang Chải đến với mọi người ở trong nước và bạn bè quốc tế.

Chỉ mới chục năm trước, khi nghe tên Mù Cang Chải, nhiều người còn ngại ngần khám phá nơi này. Nay, những người trẻ như Thào A Su đang góp phần để Mù Cang Chải không còn xa xôi - khi mới 23 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, mạnh dạn vay vốn ngân hàng để xây dựng một homestay đón khách lên trải nghiệm một vùng đất có phong cảnh tuyệt đẹp, lưu giữ trọn vẹn văn hóa của dân tộc Mông.

Ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1954 xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Ngày 9/3/2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 824 chứng nhận Lễ mừng cơm mới của người Mông, huyện Mù Cang Chải là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mù Cang Chải cũng đang lập hồ sơ đề nghị công nhận ruộng bậc thang Mù Cang Chải là di sản văn hóa thế giới và xây dựng Khu dự trữ sinh quyền thế giới tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo với diện tích trên 23.000ha.

MỚI - NÓNG