Tiếng của đô thị từ... phòng triển lãm

Tiếng của đô thị từ... phòng triển lãm
TP- “Mong muốn lớn nhất là con người được phát triển tự do, có cơ hội bộc lộ hết khả năng...”- Đó là lời một thợ cơ khí nghỉ hưu, 64 tuổi, ở Hà Nội được ghi lại bởi hai người Đức Julia Albrecht và Busso Von Mueller.

Đây chỉ là một phần nhỏ trong 15 lời tâm sự từ triển lãm Hà Nội - Sự chuyển đổi.

Tiếng của đô thị từ... phòng triển lãm ảnh 1
Hai tác giả Julia Albrecht và Busso Von Mueller tại lễ khai mạc triển lãm Ảnh: N.M.Hà

Căn phòng tại Viện Goeth số 56 - 58 Nguyễn Thái Học (Hà Nội) rộng chưa đầy 100 m2  treo hơn 20 ảnh màu khổ lớn được thắp sáng đằng sau (thường gọi là ảnh điện). Nếu xét theo tiêu chí nhiếp ảnh nghệ thuật của ta thì có vẻ toàn những hình ảnh vu vơ.

Nhưng đôi khi ta cũng nên dừng lại, xem xét và thử ngạc nhiên về chính mình: Một phụ nữ nông dân đầy nam tính trong chiếc áo vét nhàu nhĩ; những ngôi nhà rập khuôn xây thô san sát nhau mà người ta vẫn gọi là biệt thư; một số thanh niên tập thể thao đi qua quảng trường Ba Đình trong khi các chiến sĩ đang đổi gác - ảnh này được lấy làm bìa cuốn sách giới thiệu triển lãm... Bản thân cuốn sách cũng chứa đựng hầu như toàn bộ nội dung triển lãm.

Đến với triển lãm Hà Nội - Sự chuyển đổi của 2 nhà làm phim tài liệu Julia Albrecht và Busso Von Mueller, khách được nghe tiếng nói  của 15 cư dân Hà Nội (3 nhà lão thành cách mạng, 2 nông dân trạc 70, 80; 1 nhà buôn ô tô, 1 giám đốc tuổi 30 làm cho doanh nghiệp nước ngoài, vài sinh viên...) tuyển chọn từ 30 cuộc phỏng vấn.

Những tiếng nói phát ra từ những chiếc loa nhỏ treo ngang tầm tai người xem ảnh. Nếu ghé tai vào, bạn sẽ nghe rõ từng tiếng. Còn không thì cả phòng sẽ lao xao - tiếng của đô thị đang sống. Những chiếc loa sẽ kể chuyện liên tục từ 9 - 18 giờ hàng ngày đến 25/11, “và sau đó sẽ là chuyện kể của quý vị” - Giám đốc Viện Goethe nói.

Trước cửa phòng triển lãm treo trên cây một cái loa đúng kiểu “loa phường”, nhưng lại thánh thót lời của một cô gái 19 tuổi nói về mối tình đầu, về hạnh phúc, về cả cái chết...

Nếu thường ngày ta chỉ quen giao tiếp trong một giới hạn hẹp thì triển lãm đem lại cơ hội nghe tiếng nói của những người xa lạ hoặc gần gũi với bạn. Hai người nước ngoài đã làm cầu nối giúp cùng lắng nghe sự biến chuyển của chính mình và của thành phố...

Các tác giả rào trước: “Không gian này không trưng bày một hình ảnh điển hình cho Hà Nội, điển hình cho Việt Nam lại càng không”. Hà Nội chỉ là một trong các địa điểm mà họ mở cuộc điều tra.

Họ còn quan tâm đến Trung Quốc (Hồng Công, Thượng Hải), Nam Phi, Mỹ... Busso đưa ra lý do cho  sự “tọc mạch” của mình: “Chúng ta sống trong thời toàn cầu hóa và cần phải hiểu những người khác, cần biết những gì họ đang cảm thấy. Giao tiếp với nhau để sống cùng nhau”.

Cách đây hơn chục năm, 2 tác giả đã giới thiệu phim tài liệu Chào Hà Nội . Phim kể về cô gái tên Lê sống ở phố cổ. “Tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, chúng tôi ngồi đối diện nhóm sinh viên điện ảnh. - Các tác giả kể - Và họ nhận định rằng cô gái chúng tôi khắc họa trong phim không phải là một cô gái Việt Nam điển hình. Chúng tôi hiểu đó như một lời khen, để rồi phải kinh ngạc khi thực ra là một lời chê trách cay đắng. Liệu một hình ảnh hiện thực trong một thế giới đang chuyển đổi có khả năng phản ánh một cái gì đó có tính toàn cảnh hay không”.

Với tác phẩm mới này, Julia tiếp tục khẳng định: “Việc tìm hình ảnh đặc trưng của Hà Nội được đặt ra, và chúng tôi vẫn quan trọng tính đa dạng. Chúng tôi biết ơn những người đã kể những câu chuyện riêng tư, thầm kín. Những gì chúng tôi bày ra liệu có phải tác phẩm nghệ thuật không- điều đó còn phải tìm. Tác phẩm nghệ thuật có thể chưa có ở đây, nhưng có thể sẽ hình thành từ chính quý vị”. Đến với Hà Nội - Sự chuyển đổi để cảm nhận một tinh thần vượt khỏi khuôn khổ nghệ thuật. 

MỚI - NÓNG