Tiền Phong Marathon: Hơn cả một tình yêu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đăng ký làm tình nguyện viên giải Vô địch quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong (Tiền Phong Marathon) tại huyện đảo Lý Sơn cách đây 5 năm, chị Trần Thị Phượng (Đà Nẵng) trót “phải lòng” giải đấu lâu đời nhất nước và đồng hành cùng giải 4 mùa liên tiếp với tư cách chân chạy tham gia tranh tài. Với chị, hành trình 5 năm cùng giải vẫn vẹn nguyên niềm hân hoan, niềm tự hào và hơn cả một tình yêu.
Tiền Phong Marathon: Hơn cả một tình yêu ảnh 1

Chị Trần Thị Phượng xúc động khi chạy giữa hai hàng cờ Tổ quốc tại Tiền Phong Marathon Phú Yên

Yêu ngay lần đầu gặp gỡ

Năm 2020, khi lần đầu tiên Tiền Phong Marathon rời đất liền “chạy vì biển đảo” để đến với huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)- một hòn đảo mang nhiều dấu ấn lịch sử và vị trí chiến lược quan trọng của Việt Nam, chị Trần Thị Phượng (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã đăng ký làm tình nguyện viên của giải đấu bởi ấn tượng về thông điệp “bảo vệ chủ quyền biển đảo”, với hai quần đảo ruột thịt Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc.

“Khi ấy, tôi chỉ biết đến Tiền Phong Marathon như mọi giải chạy của Việt Nam. Nhưng rồi từ cái lần đầu tiên, từ cái ngày nắng cháy da tháng 7, tôi bị chinh phục hoàn toàn khi tàu vừa cập bến đã thấy trên đảo bay rợp hai hàng cờ đỏ sao vàng. Ngồi trên xe điện về điểm tập kết, thấy bà con Lý Sơn dường như hối hả hơn mua mua bán bán, nói cười với VĐV đổ về từ mọi miền đất nước. Chưa bao giờ trên đảo đông vui như ngày hôm ấy”, chị Trần Thị Phượng nhớ lại ngày đầu đến với Tiền Phong Marathon.

Nhưng điều làm cho chị Phượng đặt trọn tình yêu với giải đấu, đó là khi chứng kiến, rung động trước Lễ Thượng cờ và tôn vinh lá cờ Tổ quốc tại Cột cờ trên đỉnh Thới Lới. Khoảnh khắc cùng đồng đội kéo trải lá cờ thật lớn trên đảo tiền tiêu, áp bàn tay lên ngực trái, chị như nghe từng nhịp đập trong tim, thấy tình yêu Tổ quốc thức dậy rõ rệt trong mình.

“Từ khoảnh khắc đó, tôi cứ bị thôi thúc bởi Tiền Marathon. Phải đi, nhất định phải đi, một năm có thể bỏ lỡ bất kỳ giải đua nào nhưng Tiền Phong Marathon là không được vắng. Chỉ với Tiền Phong Marathon, tôi mới được sải chân trên những cung đường biển đảo, những nẻo đường biên cương, giữa hai hàng cờ chạy dọc suốt chặng đua, cũng chỉ với Tiền Phong Marathon, mới được mang hình hài lá cờ Tổ quốc trên ngực. Không chỉ là đường chạy để vui, để trải nghiệm, Tiền Phong Marathon đã trở thành tình yêu và niềm tự hào, là màu cờ sắc áo, là những khoảnh khắc trái tim rung lên rộn ràng!”, chị Phượng chia sẻ.

“Không chỉ là đường chạy để vui, để trải nghiệm, Tiền Phong Marathon đã trở thành tình yêu và niềm tự hào, là màu cờ sắc áo, là những khoảnh khắc trái tim rung lên rộn ràng!”.

Chị Trần Thị Phượng

Cùng Tiền Phong Marathon đi khắp nước

Năm 2019, biết đến Uprace - khi đó đang kết nối với Quỹ Phòng chống thương vong trẻ sơ sinh châu Á tổ chức chương trình chạy bộ tích lũy ủng hộ với 1km được tính là quyên góp 1.000 đồng, chị Trần Thị Phượng bắt đầu tập chạy và hào hứng tham gia. Sau nhiều năm chạy bộ, vừa được kết nối đam mê với cộng đồng chạy bộ Đà Nẵng (CLB Danang Runners) cũng như cả nước, lại vừa thấy sức khỏe được cải thiện nhiều, sức đề kháng của cơ thể tăng lên thấy rõ, tinh thần cũng lạc quan vui vẻ hơn sau một ngày dài ngồi làm việc ở văn phòng, nên chị Phượng ngày càng yêu thích và tích cực chạy bộ. Tham dự các giải chạy cũng là dịp để chị Phượng đi du lịch, khám phá nhiều vùng đất tươi đẹp của đất nước mà mình chưa có cơ hội đặt chân đến. Càng vui hơn khi chị đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều người bạn của mình đến với chạy bộ.

Tiền Phong Marathon mỗi năm mang VĐV đến một điểm dừng chân mới, mỗi năm luôn là một vùng đất đặc biệt. Nếu 2021 đến với Gia Lai đại ngàn, thì năm 2022 là Côn Đảo thiêng liêng. Năm ngoái chạy trên những cung đường uốn lượn vùng biên cương Lai Châu xa xôi nghèo khó, nhìn sang bên kia đã là nước bạn, thì nơi hội tụ cho gần 12.000 VĐV năm nay lại là miền đất Phú Yên đầy nắng và gió biển, nơi có Mũi Điện - nơi đón ánh mặt trời đầu tiên trên dải đất hình chữ S”. Chị Phượng nói rằng thấy rung động với “Lễ Thượng cờ “Tổ quốc trong lòng Tổ quốc” hùng tráng tại Phú Yên năm nay. Khoảnh khắc hòa vào hàng ngàn người con đất Việt đang nắm tay nhau xếp thành hình hài đất nước, trên ngực là màu cờ đỏ, tôi thấy mình thật nhỏ bé trong lòng đất Mẹ, nghe rạo rực hào khí non sông, tinh thần dân tộc bất khuất, linh thiêng trời biển!”, chị Phượng nói.

Năm nay, lần đầu Tiền Phong Marathon đến với Phú Yên đã chiếm trọn tình yêu và lòng nhiệt thành của người dân nơi đây. Giải đã kết thúc, nhưng cảm nhận của chị Phượng với vùng đất “xứ Nẫu” vẫn vẹn nguyên: Đường đua nắng, gió và dốc không làm mất đi của runner những nụ cười, bởi người dân Tuy Hòa quá hồn hậu dễ thương. Một cái bàn, dăm ba thùng nước là có thêm một trạm nước cho runner. Xen giữa màu áo xanh của tình nguyện viên, bà con hào hứng cắt dưa hấu, chuối, mua thêm đá đổ vào thùng, nhanh chóng gom vỏ chai, vỏ ly uống nước trên đường chạy. Dọc đường, tôi cúi chào và cảm ơn bà con đã đứng lại nhường đường, bà con còn vỗ tay nhiệt liệt “cố lên cố lên gần về đích rồi”. Ngang qua xóm làng, người “xứ Nẫu” rủ nhau mang cả nồi niêu ra gõ vang, vẫy cờ khua chiêng múa trống, vài em bé mang kèn ra thổi. Một Phú Yên giản dị mộc mạc chân tình để lại cho runners sau giải quá nhiều sự ngọt ngào và lời hứa sẽ quay trở lại!

Tiền Phong Marathon: Hơn cả một tình yêu ảnh 2
Tiền Phong Marathon: Hơn cả một tình yêu ảnh 3
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.