Tiêm kích F-35 - sai lầm không thể cứu vãn của Mỹ

Tiêm kích thế thế 5 F-35 của không quân Mỹ trong một cuộc bay thử nghiệm. Ảnh: Military.com
Tiêm kích thế thế 5 F-35 của không quân Mỹ trong một cuộc bay thử nghiệm. Ảnh: Military.com
Một loạt tướng lĩnh, quan chức Mỹ cuối cùng đã thừa nhận rằng chương trình F-35 là một cơn ác mộng, nhưng đã quá trễ để có thể dừng lại.

Trong những năm đầu tiên của thế kỷ 21, quân đội Mỹ nuôi tham vọng phát triển một tiêm kích "toàn năng" có thể thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ của nhiều chiến đấu cơ khác. Giấc mơ ấy có tên tiêm kích đa nhiệm F-35, theo Daily Beast.

Tuy nhiên, giấc mơ siêu tiêm kích F-35 của Mỹ giờ đây đã biến thành ác mộng. Chương trình này đã bị chậm thêm 6 năm so với dự kiến và tiêu tốn thêm hàng chục tỷ USD. Giờ đây, 16 năm sau khi các nguyên mẫu tiêm kích đa nhiệm cất cánh lần đầu tiên, các quan chức hàng đầu ở Washington cuối cùng cũng thấm thía tác hại mà chương trình trị giá 400 tỷ USD này gây ra với tình hình tài chính và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ.

Gần đây, các tướng lĩnh và quan chức cấp cao Mỹ đã công khai thừa nhận rằng chương trình F-35 về cơ bản đã thất bại. Thế nhưng lời thú nhận của họ được đưa ra trong bối cảnh chương trình F-35 đã vượt qua một số cột mốc mang tính biểu tượng, khiến nó phần nào khó có thể bị đình chỉ. Mỹ đã đổ quá nhiều tiền vào dự án này và rất nhiều công ăn việc làm đã được F-35 mang về cho người dân Mỹ. Chưa kể, cũng có rất nhiều chiếc tiêm kích F-35 đã và đang được xuất xưởng.

Các quan chức trước đó đã thừa nhận rằng loại tiêm kích mới có khả năng cơ động kém và việc thử nghiệm bị lùi so với dự kiến, rằng phần mềm của nó vẫn chưa hoàn thiện. Mới gần đây, các lãnh đạo quân sự Mỹ tiết lộ ba biến thể tiêm kích F-35 gần như không tương thích với nhau như quân đội đã cam kết.

Hai tướng Mỹ tuyên bố toàn bộ ý tưởng về một chiếc máy bay thực hiện mọi nhiệm vụ trên thực tế là một sai lầm về mặt khái niệm đến mức Lầu Năm Góc khó có khả năng xét lại nó lần nữa. Hiện nay, không quân và hải quân Mỹ đang triển khai các kế hoạch gọi là "máy bay thế hệ 6" để thay thế cho F-35.

"Các bạn cần cân nhắc kỹ về những tính năng thực sự cần trên tiêm kích thế hệ 6 và sự chồng lấn về tính năng của chiếc máy bay này mà cả hải quân và không quân đều mong muốn", trung tướng không quân Mỹ Christopher Bogdan, người đứng đầu chương trình tiêm kích đa nhiệm tuyên bố tại một buổi hội thảo quân sự ở Washington hôm 10/3.

"Về mặt này, chúng tôi cho rằng sẽ đưa ra các nhiệm vụ khác nhau trên hai phiên bản không giống nhau", trung tướng James Holmes, phó tham mưu trưởng không quân Mỹ nói.

Nỗi thất vọng

Theo chuyên gia phân tích quốc phòng David Axe của DailyBeast, những tuyên bố của hai tướng không quân trên thể hiện sự thất vọng khá rõ ràng về khái niệm "tiêm kích đa nhiệm". Tiêm kích đa nhiệm đã không tiến triển như những gì quân đội kỳ vọng, và có vẻ như giấc mơ về một tiêm kích toàn năng chỉ là ảo tưởng.

Chương trình F-35 được tiến hành với tham vọng rất lớn. Lầu Năm Góc hy vọng với thiết kế cánh đuôi kép, động cơ mạnh mẽ, phần mũi góc cạnh và đôi cánh mập, F-35 có thể bay đủ nhanh và linh hoạt để không chiến với các máy bay khác trên trời. Với công nghệ tàng hình hiện đại, nó có thể mang theo bom để thâm nhập vùng phòng không của đối thủ và loại bỏ các mục tiêu quan trọng trên mặt đất.

Không thỏa mãn với các tiêm kích F-35 cất cánh kiểu thông thường, Bộ Quốc phòng Mỹ còn muốn có các phiên bản có thể cất cánh từ tàu sân bay và cất cánh thẳng đứng như trực thăng từ các tàu tấn công kích cỡ nhỏ hơn.

Tiêm kích F-35B hạ cánh thẳng đứng trên tàu đổ bộ USS Wasp:

Hiện nay, để thực hiện tất cả những việc trên, Lầu Năm Góc có không dưới 8 loại tiêm kích khác nhau: Không chiến thì có tiêm kích F-15, F-16, bay nhanh và chuyên tấn công mục tiêu mặt đất, chi viện hỏa lực bộ binh thì có cường kích A-10, hoạt động trên tàu sân bay thì có F/A-18, cất cánh thẳng đứng thí có tiêm kích Harrier.

Chương trình tiêm kích đa nhiệm F-35 hướng tới tham vọng thay thế hàng nghìn chiếc máy bay kiểu này chỉ bằng ba biến thể khá giống nhau, gồm tiêm kích có khả năng cơ động cao F-35A của không quân, tiêm kích cất cánh thẳng đứng F-35B của thủy quân lục chiến và tiêm kích được thiết kế cánh lớn hơn để hoạt động trên tàu sân bay F-35C của hải quân.

Lầu Năm Góc cho rằng việc sàng lọc, thay thế 8 loại tiêm kích bằng chỉ ba biến thể có thiết kế cơ bản giống nhau nhằm tăng hiệu quả sản xuất, huấn luyện và các phụ tùng thay thế giúp tiết kiệm hàng nghìn cho đến hàng trăm triệu USD.

Điều này có nghĩa là F-35A, F-35B và F-35C sẽ có thiết kế giống nhau tới 70% như có chung dạng bình nhiên liệu, khoang lái và chỉ khác ở thiết kế cánh hoặc lắp thêm động cơ theo nhu cầu. Nói cách khác, ba phần tư thiết kế tiêm kích F-35A của không quân sẽ giống với biến thể F-35C của hải quân.

Tuy nhiên, việc các phiên bản có 70% thiết kế giống nhau là điều bất khả thi bởi mỗi lực lượng cần có các tính năng nổi bật riêng trên chiếc F-35 của mình. Và kết quả là, hiện nay các biến thể này hầu hết không có sự tương thích. "Chúng chỉ có 20-25% thiết kế giống nhau mà thôi", Bogdan nói hôm 10/3.

Trên thực tế, ba biến thể này chỉ có điểm chung ở tên gọi F-35, còn thiết kế của chúng cơ bản khác nhau, điều mà ngay từ đầu chương trình tiêm kích đa nhiệm đã cố gắng tránh.

Sự giống nhau rất ít trong quá trình phát triển góp phần giải thích nguyên nhân chương trình F-35 bị đội giá cao. Mỗi chiếc F-35 có giá hơn 100 triệu USD, cao hơn 10 triệu USD so với dự tính ban đầu của nhà thầu Lockheed Martin và quân đội Mỹ. Mức giá sốc này khiến không quân Mỹ phải cắt giảm số lượng F-35 đặt mua hàng năm xuống còn 80 chiếc, ít hơn 50 chiếc so với dự kiến.

Cứ đà này, nếu không quân Mỹ muốn nhanh chóng thay thế các chiến đấu cơ cũ như F-15, F-16 và A-10, họ chỉ còn cách cắt giảm đáng kể tổng số phi đội ở tuyến đầu. Tuy nhiên, sau đó, không quân Mỹ sẽ trở nên quá mỏng để thực hiện tất cả các nhiệm vụ huấn luyện, triển khai quốc tế và thực hiện các sứ mệnh chiến đấu theo chỉ thị của Lầu Năm Góc, theo Robert Work, thứ trưởng quốc phòng Mỹ.

"Tôi cho rằng việc cắt giảm từ 54 xuống 45 tiêm kích chiến thuật và thay thế tất cả bằng F-35 không chắc sẽ là ý tưởng hay", ông Worrk nói với Flight Global hôm 10/3. Không quân Mỹ không thể cắt giảm số lượng tiêm kích cũ và cũng không thể mua đủ số lượng F-35 mới mà tất cả phi đội cần.

Không thể từ bỏ

Theo các chuyên gia phân tích, dù gặp nhiều vấn đề như vậy, việc từ bỏ chương trình F-35 là điều bất khả thi trên phương diện chính trị đối với Mỹ. Dây chuyền sản xuất F-35 liên quan đến 1.300 nhà cung cấp, tạo ra 133.000 việc làm ở 45 bang nước Mỹ.

Trong khi đó, thủy quân lục chiến Mỹ thông báo phi đội F-35 đầu tiên của họ đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu hồi tháng 7/2015, không quân Mỹ hy vọng đạt được điều tương tự vào tháng 12 năm nay và hải quân Mỹ dự kiến hai năm sau nữa. Một khi các phi cơ này được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, chúng gần như không thể bị loại khỏi biên chế.

Ông Work cho biết giải pháp duy nhất cho quân đội Mỹ hiện nay là tiếp tục mua tiêm kích F-35 trong khi vẫn giữ lại các tiêm kích cũ cho đến thập niên 2040, kể cả những chiếc được sản xuất từ thập niên 1970. Quân đội Mỹ thường cho nghỉ hưu các tiêm kích sau 30 năm phục vụ, nên việc duy trì một số tiêm kích phục vụ trong 70 năm sẽ là điều chưa từng có tiền lệ. Khi đó, các máy bay này sẽ gặp bất lợi rất lớn so với các chiến đấu cơ hiện đại hơn nhiều của Nga và Trung Quốc.

Tiêm kích F-35 - sai lầm không thể cứu vãn của Mỹ ảnh 1

Thủy quân lục chiến Mỹ tuyên bố đã đưa F-35 vào diện máy bay sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: USNI

Triển vọng những tiêm kích F-15 có tuổi thọ 70 năm tham chiến với những máy bay mới của Nga rõ ràng khiến các nhà lập pháp Mỹ bất an. Họ đã tỏ dấu hiệu sẵn sàng cho phép mua bổ sung thêm 5 tiêm kích F-35 trong ngân sách không quân Mỹ năm 2017, bất chấp việc các quan chức hàng đầu mới đây đã thừa nhận chương trình này phát sinh lỗi.

Giới quan sát cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy chương trình F-35 đã bước vào giai đoạn mà cả quân đội và Quốc hội Mỹ chẳng thể nào ngăn cản hay chấm dứt được.

"Việc từ bỏ một chương trình khi nó đã đi vào sản xuất và được đưa vào lực lượng sẵn sàng chiến đấu luôn là điều khó khăn nhất", Gordon Adams, giáo sư chính sách đối ngoại ở Đại học Mỹ nhấn mạnh.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.