Thủy sản bỏ rơi thị trường nội địa

Thủy sản bỏ rơi thị trường nội địa
Càng nhiều đơn đặt hàng từ EU, Nhật Bản, các DN chế biến càng kém mặn mà với sân nhà. Giới thương lái một mình một chợ, nguồn hàng không thiếu song nhu cầu lớn nên giá thuỷ sản ngày một cao.
Thủy sản bỏ rơi thị trường nội địa ảnh 1
Các doanh nghiệp chế biến thủy sản chủ yếu để xuất khẩu.

Bộ Thủy sản cho hay, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã đạt trên 2,5 tỷ USD, hoàn thành chỉ tiêu trước 1 tháng.

Đây là tin vui đối với ngành thủy sản, bởi khi sơ kết 6 tháng đầu năm, ngành đã phải hạ chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu hơn 500 triệu USD vì lo ngại những tác động của các rào cản thương mại cũng như áp lực cạnh tranh gay gắt trên các thị trường xuất khẩu.

"Những tháng cuối năm, dịch cúm lan rộng trên thế giới khiến người tiêu dùng chuyển sang dùng thủy sản, đơn đặt hàng từ châu Âu gia tăng, nhiều thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc được mở rộng... là những nguyên nhân giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bứt phá vào cuối năm", Bộ trưởng thủy sản Tạ Quang Ngọc nói.

Tập trung vào xuất khẩu nên các doanh nghiệp chế biến thủy sản đã không còn nhiều thời gian để quan tâm đến thị trường nội địa.

Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) Trương Đình Hòe khẳng định: "Chưa có chính sách nào buộc doanh nghiệp phải dành một phần sản phẩm để cung cấp cho nội địa, mà hoạt động doanh nghiệp đi theo hướng nơi nào có thị trường thì tập trung đầu tư".

Do đó theo ông Hòe, khi các bạn hàng xuất khẩu lớn gia tăng nhu cầu đặt hàng thì đương nhiên doanh nghiệp phải đáp ứng. "Đối với doanh nghiệp, xuất khẩu mới là thị trường chính mang lại nhiều lợi nhuận", ông Hòe cho biết.

Nhu cầu tiêu dùng thủy sản trên thị trường tăng cao, thương lái tập trung thu mua nguyên liệu, kể cả mua non. Ông Trần Văn Tuấn, chủ ao tôm ở xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ lấy làm lạ: "Sao dạo này có nhiều chủ lái đến gạ bán tôm khi ao của tôi chưa đến kỳ tháo, mà trả giá cao hơn so với vụ trước".

Theo ông Tuấn, mức mua xô tại ao tôm của thương lái hiện 40.000-50.000 đồng/kg, hoặc chí ít là 30.000 đồng/kg nếu tôm còn nhỏ, cao hơn 10.000-15.000 đồng/kg so với trước.

Nhiều nông dân mặc dù tôm chưa đủ tháng để thu hoạch nhưng thấy được giá đã bán tháo. "Tôi có khuyên nhiều anh em nuôi tôm, nên ráng chờ thêm khoảng 1 tháng nữa để bán vào cuối năm thì còn có giá cao hơn", ông Tuấn kể.

Chợ đầu mối thủy sản Chánh Hưng thuộc quận 8, trong vòng 1 tuần nay, lượng hàng về hằng đêm tăng gần gấp đôi so với tháng trước. Riêng tối qua, thủy sản các loại về chợ là 476 tấn, cao hơn mức 230 tấn thông thường mỗi đêm.

Nguồn hàng dồi dào song giá tăng 3.000-5.000 đồng/kg tùy theo chủng loại thủy sản. "Phần lớn hàng về chợ là do thương lái chở đến, chỉ có 1 số ít công ty tham gia phân phối hàng nhưng chủ yếu lại là cá ngoại", ông Trương Minh Đức, Phó Ban quản lý chợ thủy sản Chánh Hưng cho biết.

Tại chợ Chánh Hưng, lượng cá ngoại về chợ tối qua cũng tăng gấp rưỡi, đạt khoảng 5 tấn hàng. Chiếm đa số vẫn là cá thu đao, nục bông. Giám đốc một công ty chuyên nhập cá ngoại về phân phối tại thị trường TP HCM cho biết, công ty này đã phải gia tăng các đơn đặt hàng nhập khẩu lên gấp 3 lần so với hồi tháng 8.

"Mức nhập khẩu này có thể sẽ còn tiếp tục tăng cao trong những ngày Giáng sinh đến giáp Tết Âm lịch", vị giám đốc này dự đoán.

MỚI - NÓNG