Thủy điện nhỏ bị cắt quyền phát giờ cao điểm

Kiểm tra thiết bị điện Ảnh: Ngọc Hà
Kiểm tra thiết bị điện Ảnh: Ngọc Hà
TP - Hiện ngành điện vẫn phải mua điện từ Trung Quốc, nhưng hàng loạt thủy điện vừa và nhỏ tại Lào Cai lại bị hạn chế phát điện vào giờ cao điểm, do dư thừa công suất, khiến điện chạy ngược sang Trung Quốc...

> Điện nông thôn cũng quá tải

Kiểm tra thiết bị điện Ảnh: Ngọc Hà
Kiểm tra thiết bị điện. Ảnh: Ngọc Hà.

Buộc ngừng phát bất cứ lúc nào

Được lợi thế tối đa về điều kiện thủy văn nhưng trong thời gian qua, hàng loạt nhà máy thủy điện nhỏ và vừa tại Lào Cai rất nhiều lần bị yêu cầu giảm công suất phát điện vào giờ cao điểm. Tình trạng nhà máy thủy điện bị buộc phải giảm công suất do lưới điện 110kV luôn bị trong tình trạng quá tải, thừa công suất khiến điện chạy ngược sang Trung Quốc trong nhiều tháng nay. Việc cắt giảm công suất gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp.

Điển hình là thủy điện Mường Hum do Công ty Cổ phần Phát triển Năng lượng Sơn Vũ làm chủ đầu tư với công suất lắp máy 32 MW. Nhà máy vận hành phát điện thương mại từ 29-3-2011, đủ điều kiện đảm bảo phát điện hết công suất thiết kế nhưng Điều độ hệ thống của điện lực Lào Cai chỉ cho phép phát lên lưới 62% công suất thiết kế.

Việc hạn chế công suất phát diễn ra liên tục nhiều lần trong ngày, kéo dài từ 9-5 đến 17-5. Đỉnh điểm, ngày 9-5 bị hạn chế công suất tới 9 lần, lần kéo dài nhất là hơn 2 tiếng đồng hồ với công suất bị hạn chế 100%. Tình trạng hạn chế công suất cũng diễn ra liên tục trong các ngày sau đó.

17 nhà máy thủy điện nhỏ ở Lào Cai thời gian qua cũng phải chịu chung cảnh ngộ này. Trường hợp nhà máy thủy điện Nậm Khóa 3 công suất 18 MW tại xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn cũng là một ví dụ.

Theo tính toán, chỉ trong ba ngày 5-5; 6-5 và 16-5, tổng số giờ bị cắt giảm công suất của nhà máy này lên tới 6 giờ 2 phút với sản lượng 35.900 kWh, gây thiệt hại trên 69,1 triệu đồng. Lý do buộc nhà máy phải giảm công suất là do công suất tràn sang Trung Quốc.

“Chúng tôi rất nhiều lần phải nhận lệnh điều độ của Điện lực Lào Cai yêu cầu giảm công suất phát vào giờ cao điểm. Việc yêu cầu giảm công suất diễn ra hàng ngày và không hề có công văn thông báo.

Điện lực Lào Cai cũng mời các nhà máy đến họp, yêu cầu giảm công suất phát trong các giờ cao điểm trong ngày nếu không chấp hành sẽ bị sa thải khỏi lưới vận hành. Do sợ bị sa thải khỏi lưới nên các nhà máy đã phải chấp hành và bị thiệt hại khá nhiều”- Đại diện một doanh nghiệp đầu tư thủy điện nhỏ cho biết.

Tình trạng điện chạy ngược sang Trung Quốc không phải là lần đầu tiên xảy ra trong các tuyến đường dây do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) quản lý. Hồi cuối năm 2010, sự cố một nhà máy hóa chất ở Phú Thọ cũng khiến điện từ Việt Nam chạy ngược sang Trung Quốc gây thiệt hại gần 10 triệu đồng.

Điện chảy ngược

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Dư Cao Minh, Phó tổng giám đốc EVNNPC, xác nhận việc điều độ Lào Cai yêu cầu các thủy điện nhỏ ở Lào Cai dừng phát điện thời gian qua là có. Tổng công ty cũng đã có cuộc họp với các nhà máy thủy điện nhỏ để giải quyết tình hình.

Theo EVNNPC, với nguồn điện và kết cấu hệ thống điện như hiện nay chỉ có 15/27 tỉnh, thành phố mà tổng công ty phụ trách được cấp điện từ các nguồn điện thuộc hệ thống điện quốc gia. 12 tỉnh phía Bắc gồm Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang dùng điện từ nguồn mua của Trung Quốc qua hệ thống 110kV và 220kV.

Cũng theo ông Minh, lượng điện sử dụng ở khu vực Lào Cai khoảng 120 MW, nếu lượng điện tiêu thụ giảm đột ngột, thì không tiêu thụ được hết lượng điện mua từ Trung Quốc. Khi đó dẫn tới việc thừa công suất và điện sẽ truyền ngược sang Trung Quốc.

Theo hợp đồng, phía Trung Quốc không tính tiền cho số điện truyền ngược đó của doanh nghiệp và doanh nghiệp phát điện trong nước cũng không được tính tiền. Trường hợp điện “chảy ngược” sang nước bạn vượt quá 5% công suất ký mua thì EVNNPC còn bị phạt.

“Thực tế thời gian ngừng phát điện của doanh nghiệp chỉ từ 1- 2 tiếng/ngày chứ không giảm nhiều. Các doanh nghiệp đều muốn phát điện vào giờ cao điểm để được giá cao nên dẫn đến tình trạng thừa công suất.

Tổng công ty cũng đã họp và giải thích với các doanh nghiệp để họ chia sẻ và cần có sự thông cảm với ngành. Dự kiến trong tháng 6 này chúng tôi sẽ đóng điện đường dây 220 kV thì khi đó tình trạng doanh nghiệp phải ngừng phát vào giờ cao điểm sẽ chấm dứt”- Ông Minh cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG