Thường trực nỗi lo hạn, mặn

Mùa khô 2019-2020, vùng ĐBSCL có gần 10.000ha sầu riêng bị ảnh hưởng. Ảnh: CẢNH KỲ
Mùa khô 2019-2020, vùng ĐBSCL có gần 10.000ha sầu riêng bị ảnh hưởng. Ảnh: CẢNH KỲ
TP - Mùa khô 2019-2020, ĐBSCL có khoảng 25.120 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng bởi khô hạn, xâm nhập mặn. Dự báo, mùa khô 2020-2021, khô hạn, xâm nhập mặn tiếp tục tấn công khu vực này, thậm chí ở mức độ nghiêm trọng.

Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT cho biết, tổng lượng nước tích lũy trên lưu vực sông Mekong từ đầu mùa mưa, ngày 1/6, đến tháng 8/2020 bình quân đạt gần 731mm, thấp hơn gần 22% so với cùng kỳ năm 2019 và thấp hơn 24% so với trung bình nhiều năm (TBNN).

Hai kịch bản

Phát biểu tại Hội nghị triển khai giải pháp phòng chống hạn, mặn và công tác quản lý cấp mã số vùng trồng cây ăn quả (CAQ) vùng ĐBSCL năm 2020-2021 diễn ra ngày 17/9 ở Tiền Giang, đại diện Tổng cục Thủy lợi nêu hai kịch bản cho mùa khô 2020-2021 ở ĐBSCL. Thứ nhất, nếu mưa trên lưu vực sông Mekong xuất hiện như dự báo của một số tổ chức khí tượng quốc tế thì khả năng xảy ra xâm nhập mặn (XNM) ở mức nặng đến rất nặng, phạm vi XNM 4g/lít sâu nhất ở các cửa sông Cửu Long từ 55 đến 65km xuất hiện từ tháng 2, tháng 3/2021, sâu hơn TBNN từ 15 đến 20km, thấp hơn năm 2015 - 2016 từ 5 đến 8km, thấp hơn năm 2019-2020 từ 7-13km.

Theo kịch bản này, khả năng ảnh hưởng đến gần 50.000ha cây ăn quả. Kịch bản thứ hai, mưa trên lưu vực sông Mekong tiếp tục ở mức thiếu hụt như đã xảy ra từ đầu mùa mưa đến nay, khả năng xảy ra XNM ở mức rất nặng đến nghiêm trọng, phạm vi XNM sâu nhất ở các cửa sông Cửu Long 60-70km xuất hiện từ tháng 2, tháng 3/2021, sâu hơn TBNN 20-25km, ở mức tương đương năm 2015-2016, một số thời điểm ngắn hạn tương đương mức năm 2019-2020. Kịch bản này ảnh hưởng đến gần 82.000ha CAQ.

Theo Tổng cục Thủy lợi, cần cập nhật liên tục hằng ngày diễn biến thời tiết, nguồn nước ở thượng nguồn sông Mekong và ĐBSCL; đo đạc, theo dõi độ mặn, kịp thời nắm bắt tình hình, tích trữ nước ngọt tối đa vào kênh rạch, ao hồ… nhất là gần cuối mùa mưa.

Về lâu dài, để vùng trồng CAQ ĐBSCL phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho sản xuất, cần tiếp tục tăng cường thực hiện các nội dung Nghị quyết 120/NQ-CP; rà soát quy hoạch, đẩy mạnh việc chuyển đổi, bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với các tiểu vùng sinh thái (lũ, ngọt, mặn-lợ)…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, cả nước hiện có hơn 1 triệu ha CAQ, xuất khẩu hơn 3,6 tỷ USD năm 2019. CAQ là một trong 3 sản phẩm chủ lực của ĐBSCL khi có hơn 361.000ha, chiếm 34% diện tích và 45% sản lượng của cả nước. Diện tích bị ảnh hưởng ở mùa khô vừa qua đã được giảm thiểu nhờ chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm thực tế, nâng cao ý thức, các địa phương đã có nhiều mô hình thích ứng hiệu quả, các cơ quan bộ, ngành, địa phương vào cuộc rất kịp thời.

Hơn 23% diện tích cây ăn quả có thể bị ảnh hưởng

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, cho biết, mùa khô 2019-2020, vùng ĐBSCL đã có khoảng 25.120ha CAQ bị ảnh hưởng bởi khô hạn, XNM. Trong đó, có 9.640ha sầu riêng; 5.740ha bưởi; 4.610ha chôm chôm; 2.340ha chanh; 100ha hồng xiêm và 2.650ha cây ăn quả khác. Trong tổng số diện tích bị ảnh hưởng, khoảng 11.181ha bị thiệt hại trên 70%…

Vùng giáp biển thuộc các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng có diện tích bị ảnh hưởng lớn nhất với khoảng 13.800ha (chiếm 55%); vùng giữa (Tiền Giang, Vĩnh Long) là vùng trọng điểm phát triển CAQ của ĐBSCL có khoảng 8.800ha bị ảnh hưởng (chiếm 35%)… Nguyên nhân được xác định là khô hạn kéo dài, thiếu nước ngọt tưới, một số nơi không thể vận chuyển nước; nước mặn xâm nhập (rò rỉ, thẩm thấu) vào mương vườn ảnh hưởng nghiêm trọng những vườn không có đê bao khép kín; nước tưới nhiễm mặn; cây bị sốc, suy kiệt…    

Đại diện Cục Trồng trọt cho biết, dự báo, mùa khô 2020-2021, tình hình có khả năng tương đương mùa khô 2015-2016. Diện tích CAQ có khả năng bị ảnh hưởng hạn mặn là khoảng 80.550 ha (chiếm 23,2% tổng diện tích CAQ toàn vùng ĐBSCL).

“Tuy nhiên, từ khô hạn vừa qua, các vườn cây ăn trái vùng thượng nguồn và vùng giữa thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long vẫn bị ảnh hưởng. Do đó, thời gian tới cần rà soát, xác định diện tích cụ thể có khả năng bị ảnh hưởng để có giải pháp chỉ đạo phù hợp ngay từ đầu, bảo đảm vườn cây được an toàn trong mùa khô hạn…”, ông Tùng lưu ý.

Cục Trồng trọt kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành lập các đoàn công tác sớm rà soát, đánh giá công tác khắc phục trước, trong và sau hạn mặn đối với vườn CAQ, ban hành các giải pháp và tài liệu hướng dẫn đến các địa phương để chủ động triển khai sớm trước mùa khô 2020-2021. Sở NN&PTNT các địa phương phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tăng cường rà soát các diện tích khoanh vùng cụ thể theo từng chủng loại cây, từng khu vực, khảo sát hệ thống công trình thủy lợi, cân đối nguồn nước, khả năng tích trữ của từng nhà vườn, của cộng đồng và có giải pháp cho từng vùng sản xuất…

ĐBSCL có hơn 362.000ha cây ăn quả, chiếm hơn 34% tổng diện tích cây ăn quả cả nước. Tiền Giang là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất với hơn 78.000ha, tiếp đến là Vĩnh Long (hơn 47.000ha), Hậu Giang (hơn 36.000ha), Đồng Tháp (hơn 31.000ha), các tỉnh còn lại 15-28.000ha, riêng Cà Mau và Bạc Liêu 6-8.000ha. Trong đó có nhiều loại cây có diện tích trồng trên 10.000ha như cây có múi, xoài, nhãn, sầu riêng, chuối, thanh long, mít, chôm chôm… Hằng năm, các tỉnh ĐBSCL cung cấp cho thị trường hơn 4 triệu tấn quả phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. 

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.