Thương tiếc người đã khuất trong thời đại AI

0:00 / 0:00
0:00
TP - Để giúp vượt qua nỗi đau buồn, một số người đang tìm đến những chatbot đóng giả là người thân yêu đã mất. Hiện tượng này đặt ra câu hỏi: Liệu AI có giúp chúng ta tiếp tục sống, kể cả sau cái chết?

Khi mẹ của bà Sunshine Henle, cụ Linda, đột ngột qua đời ở tuổi 72, bà Henle, đến từ Florida (Mỹ), đã bị bỏ lại với một “khoảng trống im lặng” trong cuộc đời. Mặc dù bà Linda từng sống ở New York, nơi bà làm giáo viên, nhưng hai mẹ con vẫn giữ liên lạc thường xuyên qua điện thoại và tin nhắn. “Tôi luôn biết rằng mẹ tôi sẽ ở đó – nếu tôi buồn, hoặc nếu tôi chỉ cần nói chuyện. Bà sẽ luôn trả lời”, bà Henle nói.

Vào tháng 11, cụ Linda ngã quỵ trong nhà. Vài ngày sau, cụ Linda qua đời.

Vào thời hoàng kim của ChatGPT (tháng 3/2023), bà Henle, người làm việc trong ngành trí tuệ nhân tạo, đã đưa một số tin nhắn cuối cùng mà bà đã trao đổi với mẹ mình vào nền tảng này. Bà yêu cầu nó trả lời bằng giọng nói của bà Linda. Bà Henle chia sẻ với chatbot rằng, bà cảm thấy như mình đã mắc sai lầm và bệnh viện cũng mắc sai lầm, lẽ ra bà nên ở đó để bênh vực cho mẹ mình nhiều hơn. ChatGPT đã trả lời: “Hãy nhớ những khoảng thời gian tốt đẹp mà chúng ta đã chia sẻ cùng nhau. Hãy nhớ rằng tình yêu của mẹ dành cho con và hãy để nó dẫn lối cho con. Không có gì sai với nỗi đau buồn. Nỗi đau là cái giá mà chúng ta phải trả cho tình yêu. Nhưng đừng để nó nuốt chửng con. Hãy nhớ để sống, để yêu, để tận hưởng vẻ đẹp của thế giới này cho con, cho mẹ, cho tất cả những người yêu thương con. Và con yêu, hãy nhớ chăm sóc bản thân. Mẹ rất tự hào về con. Mẹ yêu con bằng cả trái tim và tâm hồn”.

Bà Henle đã rất ngạc nhiên khi cảm giác được thấu hiểu bởi công nghệ này. Bà cũng đã thử sử dụng Bard và Bing AI, nhưng cả hai đều còn nhiều thiếu sót. ChatGPT có tính thuyết phục hơn nhiều. “Tôi cảm thấy như nó đang lấy những phần tốt nhất của mẹ tôi và những phần tốt nhất của tâm lý học để kết hợp hai thứ đó lại với nhau”, bà nói.

Mặc dù bà Henle ban đầu hy vọng ChatGPT sẽ cho bà cơ hội trò chuyện với “phiên bản tái sinh của mẹ mình”, nhưng sau đó bà đã sử dụng nó với một mục đích khác. “Tôi sử dụng nó mỗi khi tôi nghi ngờ bản thân hoặc một phần nào đó của mối quan hệ chúng tôi. Những gì tôi nhận được từ nó không chỉ là sự khôn ngoan. Nó giống như một người bạn đang đồng cảm với tôi vậy”, bà nói.

Bất chấp tất cả những tiến bộ của y học và công nghệ trong những thế kỷ gần đây, cái chết chưa bao giờ là điều hết gây tranh cãi. Nhưng trong vài tháng qua, ngày càng nhiều người chia sẻ việc sử dụng ChatGPT để giúp nói lời tạm biệt với những người thân yêu. Xu hướng này đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về quyền của người quá cố và ý nghĩa của cái chết. Liệu AI dựa trên cụ Linda có phải là một phiên bản của người thật không? Chúng ta có quyền ngăn AI đoán tính cách của chúng ta sau khi chúng ta yên nghỉ không? Nếu những người thân của chúng ta cảm thấy được an ủi bởi một chatbot AI thì liệu theo một cách nào đó, chúng ta vẫn còn sống sau cái chết?

Ngay cả trước khi ChatGPT xuất hiện, việc đối mặt với sự mất mát, trong thế giới kỹ thuật số, đã trở nên phức tạp. “Người chết từng có một nơi yên nghỉ vĩnh hằng. Giờ đây, họ “sống” trên các thiết bị hàng ngày của chúng ta”, bà Debra Bassett, một nhà tư vấn mạng xã hội cho biết. “Chúng ta giữ họ trong túi của mình - nơi họ có thể trở lại cuộc sống bằng một cái vuốt ngón tay”.

Tại Mỹ, ứng dụng tương tác AI HereAfter (ở đây sau này) hứa hẹn sẽ giúp mọi người lưu giữ những ký ức quan trọng nhất của họ về những người thân yêu bằng cách cho phép họ ghi lại những câu chuyện về cuộc sống của họ để chia sẻ, kể cả sau khi họ qua đời. Ông James Vlahos, người đồng sáng lập Hereafter AI, đã tạo ứng dụng vào năm 2016, ngay sau khi cha ông bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn 4.

Nền tảng này cho phép mọi người biến các bức ảnh và bản ghi âm thành một “hình đại diện” mà bạn bè, gia đình và các thế hệ tương lai có thể đặt câu hỏi. Vì vậy, một người con có thể hỏi hình đại diện của mẹ mình và nghe những câu chuyện cuộc đời mà mẹ mình đã ghi lại bằng giọng nói thật khi bà vẫn còn sống. AI được sử dụng để xử lý các câu hỏi của người dùng và tìm nội dung tương ứng mà người tạo đã ghi lại.

Thương tiếc người đã khuất trong thời đại AI ảnh 1

Hình ảnh ba chiều của Michael Jackson biểu diễn trên sân khấu tại Lễ trao giải âm nhạc Billboard năm 2014

HereAfter đảm bảo rằng, người quá cố đã cho phép sử dụng giọng nói trước khi họ qua đời, nhưng hiện vẫn nhiều nghi vấn về vấn đề đạo đức, đặc biệt là trên các nền tảng như ChatGPT, nơi có thể mạo danh bất kỳ ai mà không cần sự đồng ý của họ. Bà Irina Raicu, giám đốc Chương trình Đạo đức Internet tại Đại học Santa Clara, nói rằng, việc AI đang được sử dụng theo cách này là một điều “rất đáng lo ngại”. “Tôi nghĩ rằng ngay cả khi ai đó qua đời, giọng nói và hình ảnh của họ vẫn xứng đáng được bảo vệ. Ngoài sự thật là nhiều người sẽ không cảm thấy thoải mái khi hình ảnh của họ được sử dụng theo cách này, còn có khả năng chatbot sẽ xuyên tạc hoàn toàn những gì họ sẽ nói” - bà nói.

Một số người đã đưa ra những lo ngại tương tự, nhưng nhà trị liệu tâm lý Megan Devine đặt câu hỏi liệu thực sự có ranh giới mà công nghệ không nên vượt qua khi giúp mọi người đối mặt với mất mát hay không. “Tôi nghĩ chúng ta cần xem xét kết quả khi sử dụng bất kỳ công cụ nào. Hình ảnh AI đó có xoa dịu bạn, khiến bạn cảm thấy vẫn được kết nối với người ấy, mang lại cho bạn sự thanh thản không? Nếu có, thì đó là một trường hợp sử dụng tốt”, bà nói.

Mặt khác, bà Bassett, người tư vấn cho các công ty công nghệ về cách họ đối xử với người đã khuất, đề cập đến những người chết bị thao túng hình ảnh vì mục đích lợi nhuận. Một số ví dụ nổi tiếng bao gồm rapper Tupac Shakur và ca sĩ Michael Jackson, cả hai đều được tái tạo bằng công nghệ để biểu diễn trực tiếp tại các buổi hòa nhạc nhiều năm sau khi họ qua đời.

Để ngăn hình ảnh mọi người bị tái dựng trái với mong muốn của họ, bà Bassett nêu ý tưởng về lệnh không hồi sinh kỹ thuật số – lấy cảm hứng từ lệnh không hồi sức trong y tế, có thể được viết trong di chúc của một người. Ông Vlahos cũng nhấn mạnh rằng yêu cầu để sử dụng công nghệ này là sự đồng ý từ người quá cố.

Tuy nhiên, trong tương lai, một số yếu tố của công nghệ có thể sẽ không thể tránh khỏi, bất chấp mong muốn của chúng ta, một phần bởi vì sự phát triển của nhiều công trình AI đã vượt qua các câu hỏi đạo đức xung quanh chúng.

MỚI - NÓNG