Dự đoán này dựa trên thực tế sản xuất phục hồi hiệu quả, GDP tăng, tiền lương, thu nhập ổn định. Hiện, các doanh nghiệp (DN) chưa công bố kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 nên chưa dự đoán cụ thể mức thưởng tết bình quân.
Tuy nhiên từ 1/1/2016, ảnh hưởng từ việc tăng lương cơ bản, tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nên DN sẽ cân nhắc mức thưởng phù hợp, cân đối cho các hoạt động sản xuất của năm tiếp theo. Đặc biệt, các DN nhỏ sẽ phải tính phương án đảm bảo hoạt động, sử dụng lao động hợp lý.
Bà Đặng Phương Dung – Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp có tăng quy mô còn lợi nhuận không tăng nhiều. Hơn nữa DN lại gặp sức ép từ việc tăng lương tối thiểu nên dự kiến mức thưởng tết chỉ giữ được như năm 2015.
Theo bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, hoạt động của các DN có tăng hơn so với năm ngoái nhưng do sức sép của việc tăng lương cơ bản, tăng chi phí…nên mức thưởng tết 2016 chỉ tăng nhẹ, chứ không tăng đột biến.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức họp với đại diện các hiệp hội để nắm thêm thông tin về tình hình tổng kết kinh doanh năm 2015 và biết cụ thể mức thưởng tết dự kiến năm nay của các DN”, bà Minh cho biết.
Trước lo ngại DN sẽ thưởng tết cho người lao động bằng các sản phẩm khó tiêu thụ, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng, công đoàn cơ sở sát với DN phải có kiến nghị để chấm dứt tình trạng này.
Theo khảo sát năm 2014 của Bộ LĐ-TB&XH tại 13.189 DN với hơn 2,5 triệu lao động thuộc 63 tỉnh, thành, mức thưởng tết 2015 cho người lao động trung bình là 5 triệu đồng/người.