Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa có văn bản yêu cầu Sở Lao động các tỉnh, thành đôn đốc doanh nghiệp có phương án hỗ trợ người lao động phụ cấp, trợ cấp cuối năm; chú ý phương án tiền thưởng Tết 2017 và thông báo cho người lao động biết. Các Sở chủ động nắm tình hình nợ lương năm 2016, gửi về Bộ trước ngày 31/12.
Khảo sát của VnExpress dịp Tết Bính Thân cho thấy mức thưởng Tết của đa số lao động dao động từ 1-10 triệu đồng.
Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, người nhiều năm phụ trách mảng tiền lương, cho biết yêu cầu nêu trên là thông lệ hàng năm để Bộ Lao động đánh giá mặt bằng tiền lương; thông qua tổ chức công đoàn vận động doanh nghiệp tiết kiệm để thưởng cho người lao động một khoản vào dịp Tết.
Ông nhận định, tiền thưởng cuối năm nay có thể tương đương năm 2016, khoảng một tháng lương (trên mức 5 triệu đồng), bởi kinh tế không có nhiều biến động. Theo ông, khoản này thực chất là thưởng cuối năm theo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Khi doanh nghiệp quyết toán xong, thường rơi vào tháng một, gần với dịp Tết nguyên đán nên quen gọi là thưởng Tết.
Năm 2016, theo khảo sát của Bộ Lao động tại 13.000 doanh nghiệp trên cả nước, bình quân thưởng Tết Âm lịch là 5,5 triệu đồng, tăng gần 16% so với năm 2015. Mức thưởng cao nhất là 624 triệu đồng, thấp nhất 40.000 đồng, đều thuộc về doanh nghiệp FDI.
Khảo sát trực tuyến của VnExpress trên 12.000 độc giả dịp Tết Âm lịch 2016 cho thấy gần 30% nhận thưởng cao hơn năm trước đó, hơn 10% cho biết không có thưởng hoặc phải nhận hiện vật.