Thương hiệu Vạn Vân vang bóng một thời

Thương hiệu Vạn Vân vang bóng một thời
TP - Năm xưa, nhạc sĩ Ðoàn Chuẩn, một người con của ông chủ Hãng nước mắm Vạn Vân từng in quảng cáo về thương hiệu này tại mặt sau bản nhạc của mình. Còn để xuất khẩu, Vạn Vân đã nhập hệ thống dập nút chai về để sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Một cách xây dựng văn hóa thương hiệu, giữ gìn chất lượng sản phẩm còn hữu ích đến ngày nay...  

Nét văn hóa của thương hiệu

Dịp này năm ngoái, khi giới doanh nhân nước ta tiến hành kỷ niệm 10 năm ngày Doanh nhân Việt Nam, tôi được anh Ðoàn Ðức Cương mời đến dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha anh - doanh nhân Ðoàn Ðức Trình (1914-2014). Ðến nơi, tôi thấy trên chiếc phông lớn treo chính diện căn phòng có in hình doanh nhân Ðoàn Ðức Trình, trông khá giống nhạc sĩ Ðoàn Chuẩn. Lát sau, trong phát biểu của mình, bà Ðoàn Thị My - em gái hai ông - tự hào giới thiệu: “Nếu như người anh trai thứ Ðoàn Chuẩn của tôi nổi tiếng với những tình khúc mùa thu, thì anh trai trưởng Ðoàn Ðức Trình là một doanh nhân tài ba. Còn người đặt nền móng cho thương hiệu nước mắm Vạn Vân là cha tôi, doanh nhân Ðoàn Ðức Ban...”.

Từ câu chuyện của bà Ðoàn Thị My hôm đó, tôi có dịp tìm hiểu thêm những chuyện khác từ các thành viên gia tộc họ Ðoàn, để thấy sự phát triển đáng tự hào của thương hiệu nước mắm Vạn Vân vang bóng một thời.

Bà Ðoàn Thị My kể: Trước đây gia tộc họ Ðoàn sống trên đảo Cát Hải (Hải Phòng) có nghề cổ truyền làm nước mắm, thường mang hàng đến bán tại Thị Cầu (Bắc Ninh), một bến thương thuyền nổi tiếng của xứ Kinh Bắc xưa. Gần bến Thị Cầu có làng Vân nổi tiếng nấu rượu ngon, nên người xưa có câu: “Vạn Thị Cầu bến sông tấp nập/Rượu say người có rượu làng Vân”. Trong nhiều lần xuôi thuyền bán nước mắm, doanh nhân Ðoàn Ðức Ban nảy ý tưởng cần đặt cho sản phẩm của mình cái tên. Ông đã lấy chữ Vạn (chỉ bến Thị Cầu) và chữ Vân (chỉ địa danh làng Vân) trong câu thơ trên để ghép thành tên hiệu Vạn Vân. Năm 1916, Ðoàn Ðức Ban là người đầu tiên thực hiện việc đưa nước mắm Vạn Vân từ Cát Hải về Thăng Long để cạnh tranh với những dòng nước mắm nổi tiếng của Nam Ô, Phú Quốc tại đất Kinh kỳ. Doanh nhân Ðoàn Ðức Ban cũng là người tiên phong thực hiện việc đóng chai, dán nhãn sản phẩm của mình một cách nhất quán, khi mà thời ấy các cơ sở sản xuất nước mắm chẳng mấy để ý chuyện này. Ba sản phẩm Rồng Vàng, Con Hổ, Lá Cờ của Hãng nước mắm Vạn Vân khi đó đều được đăng ký với Nha Kinh tế Hải Phòng để giữ bản quyền. Ngoài các cửa hàng lớn tại Hà Nội và Hải Phòng, Hãng nước mắm Vạn Vân còn phát triển chi nhánh tại Bắc Ninh, Phúc Yên, Việt Trì, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang... Chẳng mấy chốc, nước mắm Vạn Vân trở thành gia vị phù hợp với khẩu vị người miền Bắc, đã đi vào đặc sản ẩm thực của Bắc Việt với câu ca dao: “Dưa La, húng Láng, nem Báng, tương Bần/Nước mắm Vạn Vân, cá rô Ðầm Sét”.

Thương hiệu Vạn Vân vang bóng một thời ảnh 1 Bản nhạc Ánh Trăng mùa thu in quảng cáo Hãng nước mắm Vạn Vân.

Dấu ấn xuất khẩu, quảng cáo

Năm 1932, giữa lúc thương hiệu nước mắm Vạn Vân đang phát triển thì doanh nhân Ðoàn Ðức Ban qua đời, người con trai cả là Ðoàn Ðức Trình đứng ra tiếp quản cơ nghiệp của gia đình. Ông đổi tên thành Ðoàn Vạn Vân, mạnh dạn thay đổi quy trình sản xuất nước mắm của gia đình từ chỗ trước đây chỉ đổ muối một lần, nay được ướp tới ba hoặc bốn lần muối trước khi nấu. Việc cải tiến này khiến cá phân huỷ nhanh hơn, ngấu hơn, dẫn đến chất lượng nước mắm ngon hơn. Việc sản xuất kinh doanh của hãng ngày một phát triển, tiếp tục khẳng định thương hiệu ở thị trường trong nước. Năm 1939, Hãng Vạn Vân bắt đầu xuất khẩu sang Pháp nước mắm Premier jus de sardine (nước mắm chắt làm từ cá sác-đin, còn gọi là cá quẩn) và nước mắm cô đặc (dưới dạng bột) với nhãn hiệu Poudre de saumure.

Do giá thành cao, một chai nước mắm thượng hạng Premier jus de sardine xuất khẩu có giá đắt ngang loại nước hoa thông thường của Pháp mà vẫn được thị trường nước này chấp nhận”.

Bà Ðoàn Thị My

Bà Ðoàn Thị My cho biết: “Ðể xuất khẩu nước mắm sang Pháp thời ấy là điều không đơn giản. Với sản phẩm nước mắm Premier jus de sardine, Hãng Vạn Vân phải đặt nút li-e và máy dập nút chai ở Pháp rồi đưa về nước để đóng chai và xuất khẩu. Do giá thành cao, một chai nước mắm thượng hạng Premier jus de sardine xuất khẩu có giá đắt ngang loại nước hoa thông thường của Pháp mà vẫn được thị trường nước này chấp nhận”.

Thương hiệu Vạn Vân vang bóng một thời ảnh 2

Có một chuyện khá thú vị là thời ấy, trong những sáng tác ban đầu của nhạc sĩ Ðoàn Chuẩn luôn in kèm quảng cáo về Hãng nước mắm Vạn Vân. “Thời ấy làm doanh nghiệp đã biết đến quảng cáo. Chú Ðoàn Chuẩn tính nghệ sĩ lãng mạn, nhưng vẫn ý thức được trách nhiệm với gia đình để quảng cáo sản phẩm của Hãng Vạn Vân trên tác phẩm của mình”- anh Ðoàn Ðức Cương, cháu ruột nhạc sĩ Ðoàn Chuẩn cho biết.

Chuyện xưa chưa cũ

Nguyên nhân nào khiến Hãng nước mắm Vạn Vân lại trở thành ngọn cờ đầu để có một Cty Cổ phần chế biến dịch vụ thủy sản (CPCBDVTS) Cát Hải nổi tiếng, được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới như hiện nay? Lý do bởi doanh nhân Ðoàn Vạn Vân là một nhà tư sản dân tộc yêu nước. 

Năm 1944, ông Vạn Vân đã tham gia mặt trận Việt Minh, từng mua hai tín phiếu trị giá 2 vạn Ðông Dương để ủng hộ Cách mạng. Trụ sở của Hãng Nước mắm Vạn Vân tại 24 phố Hàng Nâu (nay là phố Trần Nhật Duật, Hà Nội) từng là nơi Ðội Thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu trú ngụ, hoạt động. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông Vạn Vân thoát ly lên chiến khu, rồi liên lạc với gia đình để chuyển tiền, vàng, đồng thời sản xuất ra loại nước mắm Con Hổ cô đặc phục vụ kháng chiến. 

Hòa bình lập lại, ông Vạn Vân là cán bộ tư sản vận Ủy ban Liên Việt Hà Nội. Năm 1959, ông Vạn Vân hiến toàn bộ cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình tại Cát Hải cho nhà nước. Từ nguồn lực chính của Hãng Vạn Vân, Xí nghiệp Nước mắm Cát Hải (nay là Cty CPCBDVTS Cát Hải) được thành lập, ông Ðoàn Vạn Vân trở thành Phó Giám đốc Xí nghiệp. Trước khi nghỉ hưu (năm 1977), ông Ðoàn Vạn Vân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba...

MỚI - NÓNG