Người Mỹ kinh doanh, người Việt làm ăn

Một khu kinh doanh của người Việt ở Mỹ.
Một khu kinh doanh của người Việt ở Mỹ.
TP - Cùng tồn tại ở một môi trường kinh doanh như nhau nhưng tư duy và cách làm việc sẽ quyết định sự thành bại và quy mô phát triển của doanh nghiệp. Hai câu chuyện sau đây từ nước Mỹ cho thấy sự khác nhau giữa văn hóa kinh doanh của người Việt và Mỹ.

Khi người Mỹ kinh doanh

Tom Buchanan là một doanh nhân Mỹ làm việc ở San Francisco. Công ty của anh có khoảng 55 nhân viên, ngoài trụ sở chính ở San Francisco còn có chi nhánh đặt tại New York City và Denver (Colorado). Công việc của anh chuyên giúp chính phủ Mỹ tái đầu tư nguồn tiền trích từ lương hưu của công dân Mỹ (giáo viên, lính cứu hỏa, nhân viên thuế…). Khoản đầu tư sinh lợi sẽ dùng để trả lãi hàng tháng cho người nghỉ hưu. Ở Mỹ có khá nhiều doanh nghiệp tư nhân làm việc trong lĩnh vực này, công ty của Tom chuyên đầu tư vào các dự án bất động sản.

Làm doanh nhân ở đâu cũng vô cùng áp lực. Vợ anh kể, thời điểm khủng hoảng kinh tế, Tom trầm cảm đến mức chị lo anh ngã bệnh và không qua khỏi. Tom nói, áp lực của anh đến từ hai nhóm rủi ro vi mô và vĩ mô.

Rủi ro vi mô do nhà cung cấp, đối tác, nhân viên, khách hàng, hay các bên liên quan… vô tình hay cố ý ảnh hưởng đến những quyết định đầu tư. Rủi ro vĩ mô bao gồm biến động của nền kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, hay sự thay đổi về luật lệ, chính sách kinh doanh của chính phủ Mỹ.

Tom nói, rủi ro vĩ mô chỉ chiếm khoảng 10%. Khủng hoảng kinh tế chỉ xảy ra theo chu kỳ. Các chính sách và luật lệ kinh doanh của chính phủ Mỹ thuộc loại chặt chẽ và minh bạch nhất thế giới. Nên việc của anh chỉ cần tập trung vào chuyên môn phân tích và đánh giá dự án đầu tư, vì mỗi quyết định sai lầm sẽ khiến công ty trả giá đắt.

Nhìn bề ngoài, cộng đồng người Việt khá hòa thuận, nhưng bên trong là cuộc chiến khốc liệt giành giật khách hàng.

Các quyết định đầu tư của anh phụ thuộc nhiều vào kết quả làm việc, phân tích và báo cáo của rất nhiều đối tác liên quan, như: Nhà thầu xây dựng, chủ đầu tư dự án, các nhà cung cấp điện, nước, nội thất, quản lý hành chính… Mỗi công đoạn đều tiềm ẩn rủi ro.

May mắn cho Tom, ở Mỹ, các bên liên quan hầu hết luôn cam kết đảm bảo nghĩa vụ của mình trong mọi mối quan hệ kinh doanh. Hoạt động “Due Diligence” (giám sát, thẩm định dự án để đảm bảo các tiêu chí đã đề ra) vô cùng quan trọng và phổ biến. Ðơn giản vì các bên bị ràng buộc bởi luật lệ rõ ràng. Làm sai sẽ đưa nhau ra tòa. Luật sư ở Mỹ vì vậy có đất sống. Tom nói, trong 20 năm làm việc trong ngành, anh chỉ chọn sai 2 đối tác cho 100 phi vụ đầu tư. Trong đó, thiệt hại gây ra hoàn toàn do bất cẩn chuyên môn, không phải những sai lầm cố ý.

Làm kinh doanh lớn ở Mỹ, Tom không phải nơm nớp lo lắng luật lệ hay thể chế, cũng không phải dè chừng đối tác vì đã có luật sư. Do đó doanh nhân ở Mỹ khá rảnh tay để phát triển chuyên môn và tìm kiếm thị trường, góp phần vào sự vận hành trơn tru của nền kinh tế lớn mạnh nhất thế giới.

Người Việt làm ăn ở Mỹ

Cộng đồng người Việt tại Mỹ, đặc biệt ở California (khu vực Westminster hay San Jose) được đánh giá là một trong những cộng đồng mạnh. Các tiệm làm tóc, làm đẹp, tiệm massage, cửa hàng thực phẩm… do người Việt sở hữu khá ăn nên làm ra. Ðặc điểm chung của những tiệm này là hạn chế thu tiền khách hàng bằng thẻ, nhiều tiệm còn để “Cash Only” (chỉ lấy tiền mặt). Lý do đầu tiên, chủ tiệm muốn khai lỗ các năm đầu để được miễn thuế; thứ hai, người làm công ở tiệm không muốn bị trừ thuế thu nhập cá nhân trên các khoản tiền bo (tips).

Người Mỹ kinh doanh, người Việt làm ăn ảnh 1 Một quán phở Việt tại Little Saigon.
Ở Mỹ, khi đi ăn nhà hàng, khách hàng thường có thói quen tips ít nhất 10% trên hóa đơn, trung bình 15-20%. Ở tiệm làm tóc, làm nail (móng tay, chân), tiền tips đôi khi còn cao hơn cả tiền công làm. Ðó là lý do rất nhiều người Việt sang Mỹ tìm cách học lấy chứng chỉ làm nail (khoảng 4 tháng), hoặc làm tóc (khoảng 1 năm) để được nhanh chóng hành nghề.

Theo lời kể của anh bạn tôi đang làm việc ở tiệm làm tóc nổi tiếng nhất nhì Little Saigon (thành phố Westminster), trung bình mỗi ngày anh kiếm được ít nhất là 50 USD tiền tips, chưa kể tiền công ăn chia 40-60 với chủ tiệm. Người làm nail tay nghề cứng có thể kiếm được tiền nhanh hơn và nhiều hơn, mỗi năm khoảng 40 nghìn USD.

Nhưng nhóm này đa số đều khai thu nhập dưới chuẩn để không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Do không ký hợp đồng lao động với chủ tiệm, nên về nguyên tắc họ sẽ không được pháp luật Mỹ bảo vệ quyền lợi nếu xảy ra tranh chấp. Về già, khoản lương hưu cũng không đáng kể.

Người Mỹ kinh doanh, người Việt làm ăn ảnh 2 Một cơ sở mát - xa của người Việt.
Quay lại chuyện làm kinh doanh của người Việt Nam ở Mỹ, các chủ tiệm ở Little Saigon đa số hoạt động theo kinh nghiệm cá nhân với quy mô nhỏ, thiếu hẳn kiến thức chuyên môn. Họ tuyển dụng nhân viên không có hợp đồng ràng buộc nên thường xuyên đau đầu về vấn đề biến động doanh thu. Thợ làm nail hay làm tóc sẵn sàng nhảy việc để kiếm mức lương cao hơn hoặc bỏ việc đi nghỉ mát không báo trước.

Các ngành nghề của người Việt quanh quẩn làm nail, làm tóc, massage, làm đẹp, buôn bán thực phẩm Việt Nam… nên không tránh khỏi cạnh tranh. Nhìn bề ngoài, cộng đồng người Việt khá hòa thuận, nhưng bên trong là cuộc chiến khốc liệt giành giật khách hàng. Rất nhiều cơ sở mới ra đời và cũng vô số người thất bại.

Anh bạn tôi nói anh thà làm thợ suốt đời chứ kiên quyết không ra mở tiệm. Theo hiểu biết và quan sát của anh, làm chủ (theo kiểu Việt Nam) ở Mỹ không dễ dàng. Dù vốn đầu tư ít, có kiến thức chuyên môn, nguồn khách hàng quen cũng không có gì đảm bảo về thành công khi khởi nghiệp. Nhất là các ngành nghề không cần nhiều đột phá về công nghệ hay sản phẩm như ở khu vực Little Saigon. Bạn phải dành rất nhiều thời gian, tâm huyết và sự cam kết cho “đứa con tinh thần” của mình, chứ không phải hễ đầu tư là “trúng mánh”...

(Tác giả đang thực hiện chuyến công du vòng quanh nước Mỹ)

MỚI - NÓNG