Reuters thông tin, các nhóm thương mại hàng không tại Canada vừa đưa ra cảnh báo về việc Mỹ áp 25% thuế quan đối với Canada, rồi Canada áp thuế “trả đũa” với Mỹ có thể làm tăng chi phí của các mặt hàng về linh kiện máy bay và sửa chữa động cơ.
Chủ tịch nhóm thương mại Aero Montreal (Canada) là Melanie Lussier cho biết mức thuế “trả đũa” mà Canada đề xuất là 25% sẽ áp dụng cho một số mặt hàng do Mỹ sản xuất như bộ phận cảm biến dùng cho hàng không. Điều đáng nói là mặt hàng cảm biến hàng không lại chỉ có Mỹ sản xuất được vì chúng phải được chứng nhận đáp ứng nhiều yêu cầu về an toàn.
“Việc áp thuế qua lại giữa Mỹ và Canada sẽ khiến chi phí sửa chữa máy bay tăng cao, ảnh hưởng đến năng suất lao động và sự cạnh tranh của các hãng hàng không”, Lussier nói và nhấn mạnh rằng đối tượng chịu thiệt cuối cùng trong cuộc chiến thương mại này là các hành khách đi máy bay vì giá vé có thể tăng cao.
![]() |
Việc áp thuế qua lại giữa Mỹ và Canada có thể khiến chi phí sửa chữa máy bay toàn cầu tăng cao. Ảnh minh họa: Getty. |
Theo tìm hiểu, ngành hàng không đóng góp gần 29 tỷ USD Canada (20,3 tỷ USD) vào GDP của Canada năm 2023. Do đó, việc vừa tìm ra cách đánh thuế “trả đũa” với Mỹ lại vừa tránh gây tổn hại đến ngành công nghiệp hàng không là một thách thức đối với Canada.
Đại diện của Bombardier – tập đoàn sản xuất máy bay dân dụng lớn thứ ba thế giới có trụ sở chính tại Canada - cho biết mức thuế hiện tại của Mỹ đối với nhôm và thép, cùng những biện pháp “trả đũa” mà Canada áp dụng đối với các mặt hàng như kim loại và chất kết dính đã tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất máy bay phản lực thương mại của Canada.
Nhà phân tích Kevin Michaels của Công ty tư vấn hàng không AeroDynamic Advisory thì cảnh báo rằng riêng thuế quan đối với nhôm sẽ khiến ngành công nghiệp hàng không của Canada thiệt hại ít nhất 500 triệu USD.
Hiệp hội công nghiệp hàng không vũ trụ Canada cũng nhận định, mức thuế hiện tại kết hợp với thuế mới cũng có thể làm tăng chi phí bảo dưỡng động cơ ở Bắc Mỹ, gây ảnh hưởng đến thị trường hàng không toàn cầu nhất là giữa bối cảnh thế giới đang thiếu hụt lượng lớn máy bay mới.
![]() |
Đối tượng chịu thiệt cuối cùng trong cuộc chiến thương mại là các hành khách đi máy bay vì giá vé có thể tăng cao. Ảnh minh họa: Getty. |
Hiện tại, Lussier đang đại diện cho nhóm Aero Montreal đưa ra đề xuất về việc đưa một số sản phẩm liên quan đến lĩnh vực hàng không ra khỏi danh sách các mặt hàng chịu thuế “trả đũa” của Canada với Mỹ.
Ở góc độ khác, các chuyên gia vẫn lạc quan cho rằng hiện tại ngành hàng không Canada vẫn chưa bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Nguyên nhân là do thời gian chờ mua linh kiện hàng không kéo dài và vẫn phải đảm bảo tuân thủ thỏa thuận thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) đã được đàm phán trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump năm 2018.