Thuốc tăng giá, bệnh nhân đau

Giá thuốc tăng khiến chi phí điều trị tăng theo Ảnh: Nguyễn Huy
Giá thuốc tăng khiến chi phí điều trị tăng theo Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Thuốc chữa bệnh đua nhau tăng giá, khiến bệnh nhân nghèo 'méo mặt'. Đà Nẵng đang áp dụng nhiều biện pháp để 'ghìm cương' giá thuốc.

> Nỗi lo thiếu thuốc, viện phí tăng

Giá thuốc tăng khiến chi phí điều trị tăng theo Ảnh: Nguyễn Huy
Giá thuốc tăng khiến chi phí điều trị tăng theo. Ảnh: Nguyễn Huy.

Tăng giá khác nhau

Gần 3 năm điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, bệnh nhân Phạm Văn Phong (49 tuổi, Liên Chiểu, Đà Nẵng) chưa bao giờ gặp khó như thời buổi thuốc tăng giá hiện nay. Thuộc diện đồng chi trả bảo hiểm y tế (20%), mỗi tháng gia đình ông Phong phải đóng viện phí trên dưới 2 triệu đồng.

Vợ ông, bà Tô Thị Hồng Phượng, lo ngại: “Dạo nọ, tôi hay mua một số thuốc bên ngoài để hỗ trợ điều trị cho chồng, nhưng giờ thuốc nào cũng tăng giá quá trời, chỉ dám dùng thuốc trong bệnh viện”.

Tại phòng Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, bệnh nhân Nguyễn Văn Nhân (66 tuổi, Đại Lộc, Quảng Nam) không thuộc diện thanh toán bảo hiểm y tế nên gánh nặng tăng giá thuốc càng rõ. Cầm bảng đơn thuốc điều trị gồm Nootropl (30 viên), Atorastatin (10 viên), Aspegic (10 viên), người nhà ông Nhân đi hỏi nhiều hiệu thuốc bên ngoài, thấy mỗi nơi mỗi giá. Thấp nhất là 165.000 đồng, cao nhất 190.000 đồng.

Ông Trần Văn Hùng (37 tuổi, Hải Châu, Đà Nẵng) vừa mua thuốc trên đường Hải Phòng cho hay: “Trước mua chai dầu có 10 nghìn đồng, giờ đã tăng lên 14 nghìn, huống chi các thứ thuốc khác”. Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, trên 24% dân số trên địa bàn chưa tham gia bảo hiểm y tế nên giá thuốc tăng càng gia tăng gánh nặng đối với bệnh nhân.

Theo thống kê của một số đơn vị đầu mối cung ứng thuốc, Đà Nẵng hiện có trên 40 mặt hàng thuốc tăng giá, với mức tăng trung bình 20 - 30%, một số tăng 50 - 80%.

Vi phạm quá 2 lần, đóng cửa nhà thuốc

Sở Y tế TP Đà Nẵng chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về giá bán thuốc, nếu vi phạm quá 2 lần sẽ đóng cửa nhà thuốc. Trong quý I-2011 đã xử lý vi phạm 12 nhà thuốc, quầy thuốc: Cảnh cáo nhắc nhở 2 trường hợp; phạt tiền 10 cơ sở với các hành vi kinh doanh thuốc quá hạn, dược liệu giả, không niêm yết giá theo quy định… Đà Nẵng có 73 cơ sở bán buôn và 383 cơ sở bán lẻ thuốc, trung bình 1 điểm bán thuốc phục vụ 2.300 dân.

Ông Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết, cơ quan này chỉ đạo các bệnh viện tổ chức tư vấn thuốc cho người bệnh dùng đúng thuốc và đúng bệnh, không kê khai tràn lan nhằm tiết kiệm thuốc, góp phần bình ổn giá thuốc.

Sở cũng đã thành lập Đội kiểm tra liên ngành phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công Thương để quản lý giá thuốc chữa bệnh. Đồng thời, yêu cầu các bệnh viện tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kê đơn, sử dụng thuốc đúng bệnh, đúng thuốc, đúng liều cho bệnh nhân...

Từ đầu tháng 3, Sở Y tế phối hợp với hai nhà thầu cung ứng thuốc là Darphaco và Cty Cổ phần Thiết bị y tế Đà Nẵng (Danameco) để bình ổn giá thuốc. Trong đó, yêu cầu các đơn vị trúng thầu thuốc khối điều trị (cung ứng thuốc cho các cơ sở khám chữa bệnh) đảm bảo cung ứng đủ thuốc theo đơn giá trúng thầu năm 2010, giữ nguyên giá đến hết thời gian trúng thầu (30-9-2011).

Với danh mục hóa chất trong ngành dược, nhà thầu cam kết bình ổn giá đến hết quý III-2011. Trước mắt, đối với các loại thuốc tăng giá từ 5% trở lên so với giá trúng thầu, đơn vị cung ứng phải tổng hợp, báo cáo để ngành chức năng xem xét, phê duyệt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG