Thực hư lão bà thần tiên 60 năm không gội đầu vẫn thơm
Có rất nhiều lời đồn thổi về bà. Nhiều người tin rằng bà lão có phép lạ, là “thần tiên giáng thế” bởi có mái tóc bạc trắng, vẫn giữ vẻ thơm tho của tóc và trắng trẻo của da dù đã gần 60 năm chưa gội lần nào.
Bà Tư cho tóc vào túi vải và quấn nhiều vòng lên trên người. |
Nhiều năm gần đây, câu chuyện về người phụ nữ 76 tuổi với mái tóc dài hơn 5m đã biến chùa Huệ Phước (xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) trở thành tâm điểm chú ý của hàng ngàn người.
Bà Nguyễn Thị Định, người đã ngừng hoàn toàn việc cắt tóc, gội đầu từ năm 19 tuổi và bắt đầu sinh sống tại chùa từ năm 1987, chính là “thỏi nam châm” hút mọi người tới chùa Huệ Phước.
Nhiều năm gần đây, số khách tham quan tăng đột biến, chủ yếu do những lời đồn thổi về người phụ nữ kỳ lạ này. Theo Đại đức Thích Trí Đức, trụ trì chùa Huệ Phước, khách đến thăm chùa nhiều nhất vào tháng 1, tháng 2 âm lịch hàng năm, lúc cao điểm lên đến 400 – 500 khách/ngày. Vào mỗi dịp cuối tuần các tháng còn lại trong năm, con số này cũng khoảng trên dưới 200 người.
Có rất nhiều lời đồn thổi về bà, chủ yếu từ những người nơi xa đến. Nhiều người tin rằng bà lão có phép lạ, là “thần tiên giáng thế” bởi có mái tóc bạc trắng, vẫn giữ vẻ thơm tho của tóc và trắng trẻo của da dù đã gần 60 năm chưa gội lần nào.
Nhiều người đồn rằng, tóc sẽ chảy máu nếu đứt hoặc cho rằng mái tóc là hình ảnh hóa thân của mây; thậm chí, nhiều người tin rằng “cô Tư” có phép lạ, có thể biến nước thường thành nước thánh trị được bách bệnh, hoặc tin rằng những người ốm yếu, bệnh tật sẽ khỏe mạnh nếu chạm tay vào mái tóc…
Theo ông Phan Thành Nhân, Trưởng công an xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm (Bến Tre): bà Nguyễn Thị Định, người mà dân địa phương thường gọi là “cô Tư tóc dài” là một người phụ nữ bình thường, không có khả năng gì đặc biệt. Bà không cắt tóc, gội đầu gần 60 năm nay.
Người phụ nữ này đang sống tại chùa Huệ Phước, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm. Xã đã phối hợp với ấp và nhà chùa nghiêm cấm các hoạt động mê tín dị đoan, hành vi phát tán tài liệu, kinh kệ không rõ nguồn gốc mà nhiều người lợi dụng “cô Tư” để tiến hành.
Thầy trụ trì chùa cho biết, những lời đồn thổi đó ảnh hưởng xấu đến chùa và “cô Tư”. Việc hàng trăm người đến thăm, quan sát, cố tình chạm vào mái tóc… khiến bà cảm thấy rất mệt mỏi. Bên cạnh đó, trật tự tại chùa cũng trở nên phức tạp do nhiều hoạt động mê tín dị đoan.
Nhiều người lợi dụng “cô Tư” để phát tán tài liệu, từ kinh kệ cho đến các loại giấy tờ liên quan đến tôn giáo không rõ nguồn gốc; các hoạt động “đồng bóng”, mua thần bán thánh thỉnh thoảng cũng xảy ra.
Nhiều người lợi dụng “cô Tư” để bán vé vào xem cho những ai tò mò, chủ yếu đến từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành Đông, Tây Nam bộ.
Còn theo hòa thượng Thích Huệ Tấn, Phó ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bến Tre: trước đây “cô Tư tóc dài” là một tín đồ đạo Tứ ân hiếu nghĩa, hiện giờ cô cũng không phải một tín đồ Phật giáo.
Nhà chùa không can thiệp vào việc người dân hiếu kỳ, khấn vái “cô Tư” và cũng không liên quan gì đến số tiền mà người dân cho cô. Nhà chùa cũng không chấp nhận và không đồng ý bất kỳ hoạt động truyền bá kinh kệ hay giảng đạo của “cô Tư”.
Theo Tin Tức