“Dấu chân” trên đá hình chiếc giày ba ta. Ảnh: LM
Người khổng lồ đi… giày ba ta?
Chủ tịch Mặt trận xã Nậm Mả Giàng A Kỷ năm nay mới hơn 30 nhưng trông già dặn nhiều so với tuổi. Kỷ bảo, mình người Mông, ở ngay bản Nậm Mả này. Từ bé, đôi chân anh đã quen đi cái dốc, đôi vai đã quen gùi hàng nên luồn rừng điêu luyện như diễn viên xiếc. Vừa mạnh tay vít “con” Win 110 phân khối lên con dốc mà mỗi bước đi là đầu gối chạm mặt, Kỷ vừa trấn an tôi. Tôi nhắm tịt mắt trong một nỗi sợ hãi mơ hồ. Lẩn thẩn nghĩ rằng, cơ hồ chỉ cần nhúc nhích và chệch đường tý chút, cả hai sẽ nát bấy như quả dưa hấu ném từ tầng 72 của tòa Keangnam dưới Hà Nội xuống đường nhựa. Khi không thể đi bằng xe, chúng tôi gửi xe, tiếp tục cuốc bộ.
Đang hụt chân bò dốc thì trước mắt, dòng Nậm Mả trong vắt hiện lên. Kỷ chỉ tay xa xa, giữa dòng Nậm Mả, một phiến đá tròn to, nhìn từ xa như cái bánh bao trắng nhô lên: “Đấy là nơi có dấu chân người khổng lồ. Từ bé, lũ trẻ trâu chúng tôi đã được nghe già bản kể về nó nhiều rồi. Chúng tôi vẫn thường ra đấy tắm táp”. Nói rồi, Kỷ hướng dẫn tôi thắt lại dây giày, buộc túi đồ vào người rồi bò qua các phiến đá nhỏ to để mục sở thị dấu chân.
Tôi bàng hoàng. Trước mắt mình, ngay giữa chiếc “bánh bao”, một vết giày ba ta to tướng hiện ra. Cẩn thận quan sát, vết tích y hệt dấu chân dài khoảng 2,2m, nơi rộng nhất khoảng 0,8m. Ngay cái nơi nhìn như gót chân thôi cũng rộng tới nửa mét. Mũi chân hướng này về phía Tây. “Anh em chúng tôi thường ví, dấu chân này như của người khổng lồ mang giày ba ta, giẫm lên một đống xi măng”, Kỷ nói.
Sau khi lăn lê bò toài đủ hướng để xem kỹ cái dấu chân khổng lồ đó, Kỷ dẫn tôi đi bộ vào xã Nậm Mả. Người dân ở đây nói tiếng Kinh còn chưa sõi. Kỷ giảng giải, bà con ở đây hầu hết đều biết về truyền thuyết này từ xa xưa. Tuy nhiên, mỗi người kể một kiểu, nhưng điểm chung là không ai lý giải được sự thật. Bà Sùng Thị Cồng (60 tuổi, ở bản Tà Chủ) vừa khều củi cho bếp lửa cháy bùng lên, vừa kể: “Hồi còn con gái, đôi tai này đã được nghe ông cụ kể về vết chân to.
Đó là do một vị thần khi bỏ chạy đã tạo nên. Nhưng đến nay, tôi vẫn chưa biết thực hư thế nào”. Điều bà Cồng nói, trùng hợp với một số câu chuyện nhuốm màu huyền thoại mà chúng tôi đã từng được nghe. Rằng, có thể dấu chân người khổng lồ xuất hiện do thần Tạo Lộc. Năm đó, người dân Nậm Mả hạn hán nên nhờ thần Tạo Lộc phá núi, dẫn nước từ xã khác sang. Thần đồng ý và yêu cầu phải cúng 10 con lợn đực và xôi nếp. Tuy nhiên, thần đùng đùng nổi giận bỏ đi vì phát hiện ra trong đó có một con lợn… nái. Trong lúc tức giận giẫm nát mọi thứ, thần đã để lại dấu chân.
Già làng Giàng A Chu khẳng định, ông tin câu chuyện về người khổng lồ. Ảnh: L.M
Còn cụ Giàng A Chu năm nay 77 tuổi, người chính gốc sinh ra ở bản Nậm Mả thì lại có một “dị bản” khác cho câu chuyện dấu chân người khổng lồ. Trong ánh sáng mờ mờ từ liếp nứa nhà sàn hắt vào, câu chuyện của cụ A Chu càng nhuốm màu hư hư, thực thực. Ngày xưa bố cụ A Chu kể, Nậm Mả có một đôi vợ chồng tựa như Lạc Long Quân và Âu Cơ của người Kinh. Đôi vợ chồng khổng lồ chuyên san sông, lấp núi, giúp bà con khai hoang để trồng cái cây, trỉa cái hạt. Từ đầu nguồn Tây Bắc, hai vợ chồng xuất phát cùng lúc. Người vợ đi về phía Nam, người chồng đi phía Bắc. Họ hẹn nhau sẽ gặp nhau ở dưới xuôi. Thế nhưng do thói trăng hoa của đàn ông, người vợ đã vượt chồng một quãng khá xa. Bà cày đất ruộng lượt một, bừa lại lượt hai, đến mãi tận Than Uyên (Lai Châu) mà bóng dáng chồng vẫn bặt tăm. Người vợ sốt ruột, bèn tính kế “thúc” chồng đi nhanh. Bà cho người về cấp báo với chồng rằng, nghe nói người dân Nậm Mả đang thịt con thú to, có những chiếc lông bằng ngón tay út để thết đãi chồng khi ông đến vùng đất ấy. Người chồng vội vàng xuống đến Nậm Mả và cực kì thất vọng bởi con thú to ấy, đơn giản chỉ là con nhím nhỏ. Biết mình bị lừa, người chồng gầm lên một tiếng vang trời, tức giận dẫm chân chạy mất. Từ đó đến sau này, không ai còn gặp lại người đàn ông to lớn ấy nữa. Và dấu chân trong lúc ông ta tức giận do dẫm vào đá và tạo nên, chính là dấu chân để lại ở suối Nậm Mả mà chúng tôi đang mục sở thị.
Chủ tịch xã: Nghe nhiều nhưng chưa đến!
Phiến đá có dấu chân thu hút người khắp nơi đến xem
Chủ tịch xã Nậm Mả Sùng A Thảo - người đã từng có 20 năm làm cán bộ xã cho biết, xã Nậm Mả có hơn 1.200 nhân khẩu. Cũng như những người dân sinh ra ở đây, ông được nghe rất nhiều về truyền thuyết này. Ông đã từng đi tất cả các vùng trong xã mình. Thế nhưng, duy nhất chỗ có dấu chân người khổng lồ này, ông chưa tới vì đường đến đây khá cheo leo, hiểm trở. Tuy nhiên, lý giải một cách xác đáng, ông Thảo cho rằng, đó là do thiên nhiên tạo ra.
Nó được dân gian thêu dệt lên thành một truyền thuyết rất hay, sống động chứ không phải có sự xuất hiện của người khổng lồ thực sự. Khi được hỏi, dạo gần đây có rất nhiều người dân ở vùng khác đến đây để chiêm ngưỡng dấu chân người khổng lồ, thậm chí có cả người nước ngoài. Họ còn vẽ bậy lên mỏm đá để đánh dấu mình đã đặt chân đến.
Nhiều người đã chấp nhận trả khoảng 300.000 đồng tiền xe ôm với hơn 40km đường đèo dốc, đơn giản chỉ để xem thực hư về dấu chân này, liệu xã có nghĩ đến chuyện, có thể đó sẽ là một điểm du lịch? Ông Thảo lắc đầu quầy quậy: “Chúng tôi muốn lắm nhưng cơ sở hạ tầng ở đây chẳng có gì. Vả lại, dấu chân ấy… đơn giản quá, chúng tôi chẳng dám nghĩ đến việc làm du lịch”.
Mang câu chuyện, dấu vết trên mỏm đá có thực sự là “dấu chân của người khổng lồ thật hay không” chúng tôi đã nhận được giải đáp của PGS.TS Nguyễn Lân Cường (chuyên gia đầu ngành bộ môn cổ nhân học, Phó Tổng thư kí Hội Khảo cổ học Việt Nam). Tuy nhiên, với kích thước thực tế của dấu chân ở Nậm Mả, ông Cường cười to, khẳng định chính xác đấy là một lõm đá: “Nếu có dấu chân của người khổng lồ, chiều dài của bàn chân chỉ hơn 30cm. Từ trước đến nay, chưa có tài liệu nào viết về người khổng lồ cổ đại ở Việt Nam”. Bản thân ông Cường cũng là một trong những chuyên gia đầu ngành về khảo cổ học nhưng ông không tin Việt Nam từng có người khổng lồ. “Có thể nói dấu chân ở Nậm Mả chỉ là một truyền thuyết”, ông Cường quả quyết!
Post by Báo Tiền Phong.