Mỗi viên đạn, một mạng sống
Con phố nằm tại một ngôi làng gần Nasiriya (Iraq), đã gần như vắng lặng. Ngoại trừ một người phụ nữ và một đứa trẻ đi trên đường, người lính bắn tỉa không thấy có hoạt động nào khác xuất hiện trong kính ngắm của anh.
Đó là tháng 3.2003 và chỉ trong vài phút, một đơn vị Lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ đi vào làng. Công việc của người lính bắn tỉa là bảo vệ họ khỏi bị phục kích. Người lính này - thành viên lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ - tiếp tục nhìn chăm chú vào con đường, khi đang nằm trên một tòa nhà cũ ở rìa làng. Cạnh anh là trung đội trưởng, người cũng đang nghiên cứu địa hình bằng ống nhòm.
Chẳng mấy chốc, một chiếc xe chạy vào con đường và 10 người lính Mỹ nhảy xuống khỏi xé. Khi ấy, người phụ nữ bỗng lấy ra thứ gì đó giấu dưới áo choàng. “Cô ta có quả lựu đạn!” - trung đội trưởng nói khẽ. Người lính bắn tỉa vẫn nằm im. “Bắn đi” - trung đội trưởng ra lệnh. Nhưng anh lính vẫn ngập ngừng. “Bắn!” - chỉ huy của anh nói như hét lên.
Tới lúc này người lính mới siết cò. Một viên đạn duy nhất bay ra khỏi nòng và người phụ nữ kia đổ sụp xuống đất. Quả lựu đạn phát nổ, nhưng chẳng ai bị hại. “Tôi có nghĩa vụ phải bắn và tôi không thấy hối tiếc” - anh nói về sau này - “Các cú bắn của tôi cứu mạng nhiều người Mỹ”.
Anh lính bắn tỉa đó có tên Chris Kyle và người phụ nữ là nạn nhân đầu tiên bị Kyle bắn chết. Khi ấy Kyle vẫn chưa biết rằng về sau anh sẽ trở thành một trong những người lính bắn tỉa thành công nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, tiêu diệt tới 160 quân địch.
Kyle cùng cuốn American Sniper nói về thành tích của anh.
Một huyền thoại trên chiến trường
Câu chuyện đời của Kyle đã được tả lại trong phim “American Sniper”, dựa trên cuốn hồi ký cùng tên của anh. Kyle sinh ra ở Texas và tham gia lực lượng SEAL khi đang học dở đại học. Năm 2003, Kyle được điều tới Iraq và nhanh chóng chứng tỏ khả năng bắn chuẩn xác, dù anh không được huấn luyện để trở thành lính bắn tỉa.
Tài bắn súng khiến Kyle đã được gửi tới một trường đào tạo lính bắn tỉa của SEAL, nơi anh học cách trinh sát địa hình, ngụy trang, rình rập, tính toán khoảng cách, sức cản của gió... - các kỹ năng phục vụ công việc cô đơn và gây tranh cãi nhất trong chiến tranh. Như Kyle đã nhận ra, bắn súng chỉ là một phần nhỏ trong vai trò của lính bắn tỉa.
Điều nghiệt ngã là Kyle từng trượt bài thi dành cho xạ thủ, điều đồng nghĩa với việc anh sẽ không được tiếp tục huấn luyện nữa. Nhưng huấn luyện viên của anh không bỏ cuộc mà kiên nhẫn theo dõi và thấy rằng Kyle quá căng thẳng. Ông bèn đưa cho Kyle thứ anh còn thiếu: Thuốc lá nhai. Thuốc khiến anh thư dãn và bắn chuẩn hơn nhiều. “Hóa ra thuốc lá nhai là chìa khóa tạo ra sự khác biệt. Tôi vượt qua bài thi với điểm số cao và một nắm thuốc lá trong mồm” - anh kể.
Năm 2004, Kyle được điều tới Fallujah, phía tây Baghdad, nơi các tay súng phiến loạn hoạt động rất mạnh. Ở đây anh đã ghi đậm dấu ấn của mình. Một buổi chiều, Kyle phát hiện một nhóm chiến binh đang di chuyển cách 800m. Phối hợp cùng 1 đồng đội, Kyle đã bắn được 3 tay súng phiến loạn, trong khi người đồng đội bắn được 2.
Một số màn bắn giết của Kyle ở Fallujah giống như được lôi ra từ một bộ phim hài đen tối. Một buổi chiều, anh thấy 16 tay súng phiến loạn băng qua sông và sử dụng 4 quả bóng chuyền làm phao, với mỗi quả đó có 4 người bám vào. Thay vì bắn những tay súng đó, Kyle bắn các quả bóng. Sau khi anh bắn nổ quả bóng đầu tiên, những người đàn ông đã cố bơi về phía đồng đội. Nhưng rồi Kyle bắn tiếp quả bóng thứ 2 và 8 người chới với trên mặt nước.
“Chà, lần đó chuyện rất hay ho” - Kyle kể lại. Sau khi Kyle bắn quả bóng thứ 3, các tay súng phiến loạn bắt đầu chết đuối. Kyle quan sát những kẻ sống sót giành nhau quả bóng cuối, trước khi bắn nổ nốt. Tới lúc này những kẻ còn lại hoặc chết đuối, hoặc bị những người lính thủy đánh bộ gần đấy tiêu diệt.
Năm 2006, Kyle đã có cú bắn khiến anh được kẻ thù đặt cho biệt danh “Con quỷ Ramadi”. Khi đang nằm trên mái nhà, Kyle thấy một chiếc xe máy chạy dọc theo phố. Trên xe là 2 người đàn ông và 1 trong số đó vứt chiếc balô của gã vào một cái hố dưới đất. Nhận ra rằng ba lô có thể chứa thuốc nổ, Kyle đã bắn vào chiếc xe ở cự ly khoảng 150 mét. Cú bắn đã xuyên qua gã tài xế, trước khi găm vào người kẻ ngồi phía sau. “1 phát được 2” - Kyle nói đầy tự hào - “Người đóng thuế đã được lợi từ cú bắn đó”.
Không lâu sau đó, Kyle được điều tới thành phố Sard, nơi anh đã thực hiện cú bắn xa nhất của mình, tiêu diệt kẻ địch nằm trên nóc một ngôi nhà ở cách anh 2,1km. “Tới giờ tôi vẫn kinh ngạc” - Kyle viết trong hồi ký - “Đây là cú bắn xa nhất tôi làm được ở Iraq”.
Những câu chuyện “bốc mùi”
Năm 2009, sau 4 đợt chiến đấu ở Iraq, Kyle đã xuất ngũ, trở về Mỹ và thành một anh hùng ở quê nhà. Đó là khi anh bắt đầu gặp rắc rối với những câu chuyện của mình, như việc anh kể rằng đã đấm cựu Thống đốc tiểu bang Minnesota - ông Jesse Ventura - vì tội dám xúc phạm những người lính SEAL. Tuy nhiên Ventura nói rằng thông tin này không đúng và kiện Kyle ra tòa, dẫn tới việc anh phải bồi thường 1,8 triệu USD.
Phán quyết của tòa cho thấy một mặt khác của Kyle: Cố lên gân lên cốt để xứng tầm với hình ảnh của mình. Điều này thể hiện qua việc cuốn “American Sniper” của anh đầy những câu khoe khoang. “Tôi chỉ ước mình đã giết nhiều hơn... Hải quân nói rằng trong vai trò lính bắn tỉa, tôi đã giết nhiều người hơn bất kỳ quân nhân nào khác của Mỹ, kể cả quá khứ hay hiện tại. Tôi đoán họ đã đúng...” - anh viết.
Vài câu chuyện anh kể cho báo chí còn “bốc mùi” phét lác và theo nhà báo Michael J.Mooney - người viết cuốn sách về Kyle - thì đây là điều có thể hiểu được. “Sau một sự nghiệp xuất sắc, anh ấy bị áp lực cao trong việc duy trì hình ảnh” - ông nói.
Cảm giác giống một siêu nhân dường như là động lực khiến Kyle kể những câu chuyện mà các phóng viên không thể xác nhận. Một trong số đó kể rằng vào tháng 1.2009, khi Kyle đang đổ xăng ở Dallas, 2 người đàn ông mang súng đã tiếp cận, đòi anh giao chìa khóa chiếc xe bán tải của mình. “Tôi nói với họ rằng sẽ giao chìa khóa, nhưng nó nằm trong xe nên để tôi lấy” - Kyle kể với Mooney, tả tiếp rằng anh đã rút ra một khẩu súng và bắn dưới nách mình, giết chết cả 2 gã cướp. “Đây là chuyện có thật” - Kyle tuyên bố.
Tuy nhiên nhiều phóng viên, gồm ký giả kỳ cựu Nicholas Schmidle của tờ New Yorker đã gọi cho một số cơ quan cảnh sát ở Dallas và họ không hề biết về việc có vụ nổ súng như vậy. “Chúng tôi còn kiểm tra cả hồ sơ của cơ quan pháp y, nhưng không có báo cáo nào về những cái chết như thế ở Dallas hay Cleburne trong tháng 1.2009” - Mooney nói.
Nhiều năm sau thông tin trên, Kyle lại tung ra câu chuyện khác. Lần này là về khoảng trống trật tự ở New Orleans, khi thành phố rơi vào hỗn loạn vì bão Katrina. Theo đó, vào đầu năm 2012, Kyle cùng vài đồng đội cũ trong SEAL đã uống rượu muộn ở San Diego.
“Những người lính SEAL kể vài câu chuyện (về sự hỗn loạn ở New Orleans) và Kyle đưa ra một giải pháp gây sốc” - tờ New Yorker viết - “Anh cùng một người lính bắn tỉa nữa tới New Orleans, nằm trên mái sân vận động Superdome và bắn hạ vài chục kẻ mang súng đang gây hỗn loạn trong thành phố”. New Yorker nói rằng Kyle đã bắn chết 30 người. Tuy nhiên khi phóng viên Schmidle gọi cho Bộ Tư lệnh các hoạt động đặc biệt của Mỹ để xác nhận về thông tin trên, họ đã bác bỏ nó.
Vậy những chuyện này có thực sự xảy ra? Chẳng ai có thể trả lời chắc chắn. Nhiều khả năng Kyle không thể thoát khỏi cái bóng của huyền thoại hình thành quanh cuộc đời anh và do bị chấn thương tâm lý sau khi trở về Mỹ, đã để các câu chuyện đi sâu vào ranh giới của sự tưởng tượng.
Ngày 2.2.2013, cuộc đời của Kyle đột ngột dừng lại. Hôm đó, trên một trường bắn ở Texas, cựu binh Lính thủy đánh bộ Mỹ Eddie Ray Routh, 25 tuổi, đã nổ súng bắn chết Kyle và bạn anh là Chad Littlefield. Như thế, người đàn ông nổi tiếng này chết theo cách thức đã đưa anh tới vị trí một người hùng, một huyền thoại của nước Mỹ.
Post by Báo Tiền Phong.