Thực hiện ước mơ bằng đôi chân của cha

Hằng ngày, Bách tới giảng đường trên đôi chân của cha. Ảnh: Duy Ngợi.
Hằng ngày, Bách tới giảng đường trên đôi chân của cha. Ảnh: Duy Ngợi.
TP - Bị teo cơ, hai lần nghỉ học giữa chừng nhưng Lê Xuân Bách (sinh năm 1992) vẫn thi đỗ đại học. Đằng sau thành công của Bách là sự hy sinh thầm lặng của cha.

Đó là câu chuyện của cha con ông Lê Văn Hồng (sinh năm 1961, ở khu 10, xã Tiên Kiên, Lâm Thao, Phú Thọ).

Tình cha!

Vợ chồng ông Hồng sinh được hai cậu con trai, Bách là con út. Bách sinh ra bị bệnh “người mềm nhão”. Bố của Bách kể lại năm 4 tuổi người Bách vẫn mềm, cứ cúi đầu là ập mặt xuống đất. Gia đình tưởng Bách bị sài mòn, sài chéo (bệnh dân gian thường gọi) và dùng thuốc bắc, làm cóc cho con ăn, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Ông Hồng đưa con xuống bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sỹ kết luận Bách bị teo cơ. Suốt 2 năm điều trị nhưng không có kết quả, ông Hồng đưa con về nhà chữa lâu dài bằng thuốc nam.

Cứ thấy ở đâu người ta giới thiệu thầy lang có bài thuốc hay, ông Hồng lại đưa con đi. “Có ông thầy bó thuốc quấn vào người cháu như làm bánh chưng cả tháng mà cũng không hiệu quả. Gia đình tôi hết cách đành đưa con về chấp nhận số phận”, ông Hồng nói.

Bách không thể tự đến trường nên suốt 12 năm học, ông Hồng là bạn đồng hành của con. Hết cấp 2, vì thương bố vất vả, Bách xin bố mẹ nghỉ ở nhà. Suốt 2 năm trời, cậu bé học vi tính văn phòng. Ở nhà lâu lại muốn đi học, Bách làm đơn và thi đậu vào lớp chọn của trường THPT.

Gập ghềnh ước mơ

Tuy 2 năm liền không động đến sách vở nhưng 3 năm học phổ thông, Bách luôn đứng trong tốp 5 của lớp về thành tích học tập. Riêng năm lớp 12, Bách là học sinh duy nhất của lớp là học sinh giỏi toàn diện. Bách còn được giải khuyến khích học sinh giỏi tỉnh môn Vật lý lớp 12.

Đến ngày làm hồ sơ thi đại học, Bách thi vào Đại học FPT với hy vọng nhận được học bổng. Thế nhưng Bách thi chỉ đủ điểm đỗ vào trường nhưng không thể theo học vì học phí cao.

Không đạt được tâm nguyện, Bách xin bố mẹ đi học sửa chữa điện thoại ở trường cao đẳng nghề gần nhà. Ra trường, Bách mở cửa hàng buôn bán, sửa chữa điện thoại. Được gần 1 năm, thấy công việc khó khăn, không phù hợp, Bách ở nhà ôn thi đại học.

Kỳ thi đại học vừa qua, Bách thi đỗ Khoa Công nghệ đa phương tiện của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông với 21 điểm. Con trai đỗ đại học, ông Hồng nghỉ việc ở quê để sát cánh bên con. Biết hoàn cảnh của Bách, Học viện tạo điều kiện cho ông Hồng ở cùng để tiện chăm sóc con.

Chi phí sinh hoạt của hai bố con mỗi tháng từ 4,5 đến 5 triệu đồng đều trông cậy vào đồng lương giảng viên của mẹ Bách ở quê gửi lên. Ngoài thời gian đưa con đến giảng đường, ông Hồng tranh thủ làm thêm. Lúc đầu, ông xin làm việc ở nhà ăn của trường nhưng vì sức khỏe yếu đành phải nghỉ. Hiện giờ, ông xin được việc trông xe ô tô ở cổng Học viện. “Con đậu đại học, gia đình tôi rất phấn khởi vì nỗ lực của con đã được đền đáp. Dù khó khăn vợ chồng tôi cũng cố gắng vượt qua để dành những gì tốt nhất cho con”, ông Hồng tâm sự.

Khi hỏi về dự định của mình, Bách bộc bạch: “Thương bố mẹ vất vả, em không thể tự đi lại được nên giờ chỉ biết học tốt để lấy được học bổng. Em tính chọn học chuyên ngành phát triển ứng dụng cho phù hợp với khả năng của mình”.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.