Vượt khó
Vừ Mí Kỵ sinh ra và lớn lên ở xã Sủng Là, một trong những vùng khó khăn của huyện Đồng Văn. Cuộc sống của gia đình Ky quanh năm gắn với nương rẫy. Mẹ mất lúc Ky 3 tuổi, để lại năm bố con nheo nhóc, chị lớn nhất 10 tuổi, em nhỏ nhất mới một tuổi. Bố Kỵ đi thêm bước nữa và sinh thêm 4 người con.
Nhà đông con, cuộc sống gia đình Kỵ càng thêm nghèo đói. Kỵ chia sẻ: “Mình không nhớ mặt mẹ. Từ bé, mấy anh chị em ăn mèn mén thay cơm vì rẫy cằn cỗi quá chỉ trồng được ngô mà không trồng được lúa. Lúc đó, bọn mình chỉ mong nhanh đến Tết để được ăn cơm”.
Trong 8 anh chị em, chỉ có Vừ Mí Kỵ là được học hành đến nơi đến chốn. “Hiện mình có một em đang học lớp 1, một em đang học lớp 2, còn lại các anh chị em khác không được đến trường, ở nhà phụ giúp gia đình. Có hai chị lập gia đình khi 16 tuổi và giờ đã có con, cuộc sống khó khăn lắm”, Kỵ tâm sự.
Lớp 1 và lớp 2, Kỵ học ngay ở trường làng. Lên đến lớp 3, cậu đi bộ 5 cây số mới đến trường ở trung tâm xã Sủng Là. Kỵ bắt đầu cuộc sống tự lập khi ở nội trú, cuối tuần mới về nhà. Kỵ kể, cứ vào cuối tuần là đi bộ vượt những mỏm đá cheo leo về thăm nhà, thăm em, phụ giúp bố mẹ làm rẫy. Có lần, trên đường về Kỵ sơ ý bị ngã, tay chân bị trầy xước rớm máu.
Ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp xúc người ngoài bản nên những năm học cấp I, II, Kỵ phải vật lộn để học tiếng phổ thông. Kỵ kể, cậu học tiếng Kinh từ lớp 1 nhưng ở nhà toàn nói tiếng Mông, bố mẹ, anh chị em không biết tiếng Kinh, trên lớp bạn bè cũng nói tiếng Mông nên đến đầu năm học lớp 9, Kỵ vẫn nói tiếng Kinh không sõi. Ở lớp, Kỵ phát biểu nhưng cô giáo không hiểu, đôi khi cậu phải viết ra giấy cho cô xem.
Kỵ quyết tâm học tiếng Kinh, hằng ngày luyện phát âm và nhờ các bạn chỉnh sửa. Khả năng nói tiếng Kinh của Kỵ ngày một tiến bộ.
Học lớp 9, Kỵ được chọn tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và đoạt giải nhì.
Vừ Mí Kỵ.
Xuống núi
Nhờ thành tích học tập tốt, Kỵ được xét tuyển vào Trường Vùng cao Việt Bắc. Trường cách nhà hơn 350km, gia đình lại không có điều kiện chu cấp nên chỉ vào dịp nghỉ hè và tết, Kỵ mới về thăm nhà.
“Học ở Trường Vùng cao Việt Bắc, mình được miễn phí ăn, ở. Nhưng mỗi khi cầm bát cơm có thức ăn là mình lại rơm rớm nước mắt. Thương bố mẹ, anh chị em đang vất vả lao động, ăn mèn mén thay cơm, dành tiền để cho mình được ăn học, mình chỉ biết cố gắng học giỏi", Kỵ nói.
Với sự cố gắng của bản thân, 3 năm học THPT, Vừ Mí Kỵ giành được 2 huy chương bạc tại kỳ thi Olympic duyên hải - đồng bằng Bắc Bộ và kỳ thi Hùng Vương, đoạt giải nhì cấp quốc gia môn Lịch sử.
Ky từng ước mơ trở thành thầy giáo dạy Lịch sử. Khi giành giải nhì quốc gia môn Lịch sử, Kỵ được tuyển thẳng vào khoa Sư phạm Lịch sử của Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhưng đó là điều làm Kỵ trăn trở. Những năm học nội trú, được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước nên cậu mới học xong lớp 12 mà không phải lo lắng chuyện tiền nong. Nhưng giờ lên thành phố học, gia đình sẽ không thể đủ tiền nuôi Kỵ.
Cuối cùng, Kỵ làm hồ sơ thi vào Học viện An ninh Nhân dân vì nếu đậu trường này sẽ không phải lo ăn ở, sinh hoạt; ra trường được làm công an. Nếu không thi đậu, Kỵ về quê làm rẫy.
Ngày thi đại học, một mình Kỵ cầm theo 5 triệu đồng bố mẹ vay làm chi phí, bắt xe xuống Hà Nội. “Bố muốn đưa mình đi thi, nhưng vì bố không biết chữ và không biết nói tiếng Kinh nên mình bảo bố ở nhà. Mình bắt xe xuống Hà Nội trước 5 ngày để tìm điểm thi và thuê phòng trọ”, Kỵ kể.
Học THPT, Vừ Mí Kỵ giành giải nhì quốc gia môn Lịch sử. Trong kỳ thi đại học 2014, cậu trúng tuyển Học viện An ninh với số điểm 23,5. Kỵ là một trong 78 học sinh dân tộc thiểu số học giỏi được chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt và biểu dương.
Ngày Kỵ nhận được giấy báo nhập học (cậu được 23,5, cộng thêm 5,5 điểm ưu tiên, được tổng cộng 29 điểm) ngành Điều tra trinh sát của trường, cả nhà ai cũng vui chảy nước mắt.
Giờ thì Vừ Mí Kỵ đã trở thành sinh viên Học viện An ninh. Kỵ bảo: “Mình sẽ cố gắng học tập thật tốt, sau này trở thành công an giỏi. Đi học xa nhà nhưng mình thường xuyên gọi về nhà động viên bố mẹ cho các em đi học, lớn lên thoát nghèo. Mình hứa với bố ra trường sẽ nuôi các em ăn học”, Kỵ nói.
Cô Hoàng Thị Thắng, giáo viên chủ nhiệm cấp 3 của Ky, cho biết: “Kỵ là học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Nhưng em luôn có nghị lực vươn lên giành thành tích cao trong học tập. Kỵ đoạt 2 huy chương bạc tại kỳ thi Olympic duyên hải - đồng bằng Bắc Bộ và kỳ thi Hùng Vương; trở thành học sinh người Mông đầu tiên đoạt giải nhì quốc gia môn Lịch sử. Thi đậu vào Học viện An ninh là kết quả xứng đáng cho sự phấn đấu trong học tập của em”.