Xa vời giấc mơ giảng đường với nữ sinh đi cắt huệ thuê

Kỳ tuyển sinh đại học năm nay, Trúc Mai thi đỗ vào ngành Thú y Trường ĐH Nông lâm TPHCM. Để có tiền làm hồ sơ nhập học, suốt thời gian qua Mai “đội nắng” đi cắt củ huệ thuê nhưng đến nay, cô học trò quê Tiền Giang mới dành dụm hơn 1 triệu đồng...

Một buổi đi học, một buổi đi cắt củ huệ thuê

Lâu nay, nhiều người ở ấp Mỹ Phú (xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đem lòng mến phục cô học trò nghèo, có dáng người gầy gò, khuôn mặt thông minh ánh lên nét cương nghị và nụ cười dễ mến nhưng chịu thương, chịu khó sau giờ học xin vào cắt củ huệ thuê để có chút tiền công phụ giúp mẹ và mua thêm sách, vở cho việc học tập.

Đó là em Trần Thị Trúc Mai, cựu học sinh lớp 12A6 Trường THPT Đốc Binh Kiều (thị xã Cai Lậy). Mai vừa đậu vào ngành Thú y Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh nhưng có nguy cơ dở dang việc học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Trúc Mai sinh ra trong một gia đình thuần nông thuộc diên hộ cận nghèo. Nhà không có đất đai để sản xuất nên ba mẹ em phải thuê ruộng của người khác để làm nhưng gặp mùa màng thất bát, tiền lúa bán được chẳng đủ để trả tiền thuê đất và chi phí đầu tư... Vì thế, cha mẹ Mai phải bỏ ruộng đi làm thuê kiếm sống và nuôi 3 chị em Mai đi học.

Xa vời giấc mơ giảng đường với nữ sinh đi cắt huệ thuê ảnh 1

Khoảng trung tuần tháng 9 này Trúc Mai sẽ nhập học. Số tiền em dành dụm được chỉ hơn 1 triệu đồng trong khi tổng số tiền phải nộp đầu năm cho tất cả các khoản là 4.900.000 đồng. 

Việc làm thuê của ba mẹ cũng mang tính thời vụ, bấp bênh không ổn định. Cha của Mai là anh Trần Thanh Thảo nhận xịt thuốc, làm đất thuê cho bà con nông dân quanh vùng khi vào mùa.

Nhưng thời gian gần đây, mẹ em là bà Nguyễn Thị Lạc phải ở nhà giữ đứa em út của Mai vừa tròn thôi nôi nên không đi làm thuê được. Nguồn sống của gia đình gồm 5 người phụ thuộc vào cái nghề “thợ đụng” (ai mướn gì làm nấy) của ba Mai nên dù cố gắng lắm nhưng gia đình em vẫn không “thoát” được cái nghèo khổ đeo bám. 

Gia cảnh khó khăn, việc làm thuê không đủ chi tiêu hàng ngày, nhưng với mong muốn các con có một tương lai tươi sáng hơn nên ba mẹ Mai trong nhiều năm nay phải cố gắng chạy vạy lo cho hai chị em Mai được đến trường.

Thương cha mẹ vất vả, hiểu được hoàn cảnh của gia đình nên Mai rất chăm ngoan và hiếu thảo. Sáng đi học ở trường, trưa về ăn vội chén cơm là Mai vội vã ra đồng xin cắt củ huệ hay làm cỏ thuê cho những cánh đồng gần kiếm thêm chút tiền công mua quần áo, sách vở để đi học. Chiều về, em lo việc nấu cơm, giặt giũ, bảo ban và kèm cặp em gái học.

Không phụ lòng mong mỏi của ba mẹ, với sự cần cù và nghị lực mạnh mẽ, Mai liên tục phấn đấu vượt khó trong học tập. Những giọt mồ hôi mặn, những ngón tay chai sần để có được số tiền trang trải cho việc học tập của Mai đã không uổng phí khi trong 12 năm đi học, em luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi .

Và trong kì thi tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2014, Mai đã đem lại niềm tự hào cho gia đình, nhà trường, bà con ở ấp nghèo Mỹ Phú này khi trúng tuyển vào Trường ĐH Nông lâm TPHCM với 17,5 điểm khối B.

Hôm chúng tôi đến thăm, Mai không có nhà vì em đang đi cắt củ huệ thuê. Người hàng xóm nhiệt tình đưa chúng tôi ra đồng tìm gặp Mai. Dáng người gầy gò, Mai đưa tay quệt vội những giọt mồ hôi chảy dài trên má để tiếp chúng tôi.

Xa vời giấc mơ giảng đường với nữ sinh đi cắt huệ thuê ảnh 2 Dù một buổi đi học, một buổi cùng cha đi cắt củ huệ thuê nhưng suốt 12 năm học Trúc Mai luôn là học sinh khá, giỏi. 
Mai cho biết: “Mỗi ngày, em ra đồng từ sáng đến 11h vì trưa nắng nên không cắt huệ ở đồng được nữa. Chiều thì em đến nhà của chú Hận để tỉa và phân loại củ huệ để lựa giống trồng. Mỗi tiếng, em được trả tiền công là 10.000 đồng. Em gắng làm với hi vọng kiếm tiền dành dụm làm đóng học phí, làm thủ tục ở trường ĐH Nông lâm”. 

Chia sẻ về lý do thi ngành Thú y, Mai cho hay: “Sống ở nông thôn, em thấy bà con nông dân ở đây chủ yếu sống dựa việc làm vườn và chăn nuôi. Nhưng việc chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ, theo cách thủ công và kinh nghiệm dân gian nên chưa có hiệu quả.

Mỗi khi có dịch bệnh xảy ra là mất trắng nên cuộc sống vẫn cứ nghèo khó. Em đăng kí thi vào ngành Thú y với mong muốn có điều kiện học tập để có thể nghiên cứu, tìm ra con đường để giúp bà con mình chăn nuôi có hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới và để em cũng có công việc ổn định để giúp gia đình… Vả lại, ngành này, nếu ra trường không có chỗ xin việc thì mình cũng có thể áp dụng làm kinh tế gia đình".

Nói về phương pháp học tập của mình, Mai bảo: “Do phải đi làm thuê, nên em phải biết sắp xếp thời gian một cách hợp lí. Sáng học ở trường thì em cố gắng tập trung để nghe giảng. tối đến, em xem lại bài ngay để nhớ và khắc sâu kiến thức và làm bài tập các môn như toán, lí, hóa còn các môn xã hội thì em thường học bài vào lúc khuya.

Ngoài ra, em thường lên thư viện của trường mượn sách và tài liệu về để đọc và tham khảo thêm. Phương châm học tập của em là “cần cù bù thông minh”… Đặc biệt, Mai đã áp dụng rất tốt phương pháp học “Bản đồ tư duy” để hệ thống hóa nội dung trọng tâm, khắc sâu kiến thức.

Khi được hỏi, em đã chuẩn bị gì cho việc học sắp tới của mình, Mai bộc bạch: “Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là em sắp phải làm thủ tục nhập học. Tổng số tiền để nộp đầu năm cho tất cả các khoản là 4.900.000 đồng. Số tiền làm thuê mà em dành dụm được chỉ vỏn vẹn hơn 3 triệu đồng.

Nhưng vừa qua, mẹ em bỗng dưng bị mắc chứng bệnh dị ứng da, nên em đã trích ra 2 triệu để lo thuốc thang cho mẹ. Giờ em chỉ còn hơn 1 triệu đồng. Muốn làm đơn vay nhà nước thì nhà em không có tài sản để thế chấp. Ba mẹ em đang cố đi vay bên ngoài để cho em có đủ lệ phí nhưng không biết có vay được hay không".

Ba của em Mai còn cho biết thêm, trước đây, nhà có sổ hộ nghèo, nên học phí cho các con cũng được miễn giảm. Thấy căn nhà cũ cứ dột nát, cứ 2 năm cứ phải lợp lại hoài cũng tốn kém, mong muốn cho các con có chỗ học hành tươm tất, gia đình vay mượn bà con được 25 triệu xây căn nhà cấp 4 này. Đến khi thấy nhà ông được sửa xong thì xã cắt hộ nghèo. Không còn khoản trợ cấp, việc cho các con đến trường gặp nhiều vất vả, Mai phải làm thêm để phụ giúp cha mẹ.

Em nghỉ học nhường cho chị đi học đại học

Khi nghe tin con đậu đại học, cha mẹ Ngọc Mai mừng lắm nhưng nỗi mừng vui lại vụt tắt nhường chỗ cho nỗi lo. Nhà nghèo, để có một khoản tiền lớn để đóng học phí, tiền sách vở, tiền thuê nhà trọ, tiền ăn và hàng trăm thứ khác để cho Mai được bước chân vào giảng đường đại học thật vất vả...

“Nhưng thấy con gái cứ cầm tờ giấy báo nhập học săm soi, và len lén lấy tay chùi nước mắt, vợ chồng tui cũng cầm lòng không đặng!” - bà Lạc ngậm ngùi chia sẻ.

Xa vời giấc mơ giảng đường với nữ sinh đi cắt huệ thuê ảnh 3 Trước cảnh khó của gia đình, cha Trúc Mai đã làm đơn gửi đến ban giám hiệu Trường ĐH Nông lâm TPHCM xin miễn giảm học phí cho em.

Trước cảnh khó của gia đình, em gái của Mai là Trần Thị Ngọc Nở mới vừa tốt nghiệp lớp 9 xin bố mẹ cho nghỉ học để tập trung lo cho chị Ngọc Mai. Suy đi nghĩ lại, ông Thảo đành cho em gái của Mai nghỉ học. "Ngày tựu trường, bạn bè tung tăng đến lớp thì con tôi lại nghỉ học ở nhà đi cắt huệ kiếm tiền… Lo cho con không không được, vợ chồng tôi cũng xót lắm nhưng nghèo quá đành bất lực" - ông Thảo nghẹn giọng nói.

Ông Nguyễn Văn Hận - chủ cơ sở trồng huệ nơi chị em Mai làm thuê cho biết: "Hai chị em Mai học giỏi, chăm làm. Công việc cắt huệ cũng khá vất vả,da bàn tay phồng lên, rát rạt vì cầm kéo thường xuyên mà chị em nó vẫn không nghỉ ngày nào. Nay vô mùa mới có huệ cắt. Thương chị, Nở tranh thủ cắt huệ suốt với hi vọng giúp chị được đi học, còn nhỏ mà biết nghĩ như thế nên bà con ở đây thương lắm. Mong cho bé Mai có điều kiện được học hành tiếp để phụ giúp gia đình về sau…".

Xa vời giấc mơ giảng đường với nữ sinh đi cắt huệ thuê ảnh 4 Hiện tại buổi sáng, Trúc Mai ra đồng cắt củ hệ còn buổi chiều thì đến vựa huệ nhà ông Hận để phân loại huệ giống, mỗi giờ Trúc Mai được trả công 10.000 đồng.

Thầy Lâm Thanh Tùng, giáo viên chủ nhiệm của em Ngọc Mai, nhận xét: “Mai là một học sinh chăm chỉ, cần cù. Gia cảnh gặp khó khăn nhưng em vẫn nỗ lực vượt khó để học tốt và đậu đại học. Chỉ mong em có đủ điều kiện để bước vào giảng đường đại học, thực hiện ước mơ của mình…”.

Chăm học, chăm làm, có ý chí cầu tiến, Trúc Mai mong muốn được học tập để thay đổi số phận, hướng tới tương lai nhưng ước mơ của cô học tròn nghèo này còn lắm chông chênh. Trung tuần tháng 9 này, Mai phải làm hồ sơ nhập học mà khoản tiền nhập học em mới chỉ lo được 1/5...

Theo Nguyễn Hành - Diệu Hiếu
Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG