Tuy nhiên, khi làm hồ sơ vào đại học mới hay, dù có chứng chỉ này, các sĩ tử vẫn phải thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ, bởi nhiều trường đại học không chấp nhận sử dụng chứng chỉ IELTS hay các chứng chỉ ngoại ngữ tương tự thay cho điểm thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ để xét tuyển vào trường. Do đó, nếu không thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ, khả năng nhiều thí sinh rớt đại học rất cao, dù đã cầm trong tay chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với “chấm” cao ngất ngưởng. Vì vậy, trong rất nhiều trường hợp, nỗ lực học thi và lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trở nên vô nghĩa, lãng phí thời gian ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thi tốt nghiệp của không ít thí sinh. Trong khi đó, Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể yêu cầu các trường đại học sử dụng chứng chỉ quốc tế, đạt yêu cầu đối với các nhóm ngành có môn ngoại ngữ phù hợp, nhằm tránh lãng phí và giảm tải cho người học. Việt Nam đang hướng đến chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế nên yêu cầu này là hoàn toàn phù hợp và chính đáng.
Việc kiểm soát hoạt động thi, cấp chứng chỉ và sử dụng kết quả, thi đánh giá năng lực ngoại ngữ nước ngoài trong thi cử, tuyển sinh cũng đang ở trạng thái “sáng nắng chiều mưa”. Cùng trong năm 2022, với lý do xác minh chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài để miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở tạm dừng tổ chức các kỳ thi cấp chứng chỉ, khiến phụ huynh và học sinh hoang mang. Nhiều phụ huynh đã phải tính đến việc đưa con ra nước ngoài đăng ký thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để đem về nộp cho các trường trong nước.
Dừng đột ngột là cách làm ngẫu hứng, không những không để giải quyết vấn đề gì trong việc chấn chỉnh, nâng cao chất lượng kỳ thi, mà còn gây xáo trộn, phức tạp thêm tình hình. Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể lựa chọn giải pháp kiểm tra, xác minh khi các cơ sở đào tạo, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ vẫn tiếp tục hoạt động như bình thường; phát hiện sai đến đâu sẽ xử lý đến đó để tránh tình trạng gây sốc như cỗ xe đang vận hành tốt phải dừng đột ngột. Nhưng rất tiếc, bộ này đã không chọn giải pháp êm ả đó.
Việc dừng đột ngột còn gây ra một khoảng trống pháp lý đối với chứng chỉ được cấp trong một khoảng thời gian nhất định, khiến chủ nhân của chứng chỉ không khỏi lo âu.
Dù nút thắt về chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ngay sau đó đã được gỡ bỏ nhưng cách thức xử lý rườm rà, ngẫu hứng kiểu thừa giấy vẽ voi của Bộ GD&ĐT trong trường hợp này đã khiến không ít sĩ tử đang bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 căng thẳng một phen thót tim.