Ngày 6/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và kết quả Hà Nội đạt được trong thời gian qua. “Những thành tựu, kết quả của Hà Nội đã góp phần cùng cả nước thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, Hà Nội cần tập trung vào 3 động lực phát triển chính gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Việc huy động nguồn lực ngoài xã hội cần hiệu quả hơn nữa theo tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực phát triển.
Nhận định những khó khăn, thách thức còn kéo dài, Thủ tướng mong muốn Hà Nội phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Thủ đô phải là hình mẫu cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước.
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội phải đi đầu trong việc khuyến khích và bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung; khắc phục bằng được khuynh hướng trông chờ, ỷ lại và sợ trách nhiệm.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, ông rất tâm đắc với vấn đề Hà Nội đang làm, đó là phân cấp, phân quyền, cá thể hoá trách nhiệm. Việc phân cấp, phân quyền phải cùng với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực quản trị của các cấp. “Phân cấp, phân quyền chính là tạo ra nguồn lực tốt hơn cho phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, không để bị động, bất ngờ; nâng cao khả năng dự báo những tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế thành phố.
TP Hà Nội đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; giảm thủ tục, chi phí cho người dân và doanh nghiệp; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (Ảnh: VGP/Nhật Bắc). |
Thủ tướng đề nghị Hà Nội đổi mới, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành từ thủ công truyền thống sang môi trường điện tử; đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06 và tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Hà Nội phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nghìn năm văn hiến và bảo vệ môi trường.
Áp dụng mô hình “đầu tư công, quản lý tư”
Về giải pháp huy động nguồn lực, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tăng cường hợp tác công - tư. Trong đó có mô hình đầu tư công, nhưng quản lý tư. Theo Thủ tướng, các trường học, bệnh viện, công viên, bảo tàng có thể áp dụng được mô hình này.
Thủ tướng cho biết, ông từng sống gần Công viên Thống Nhất (quận Đống Đa) khoảng 10 năm mà cảm thấy sốt ruột vì không có gì mới, trong khi nơi đây phải thuê hàng trăm nhân lực để vận hành.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, việc Hà Nội có sáng kiến cho phá tường rào ở Công viên Thống Nhất cũng không phải là giải pháp cơ bản. Theo ông, cách cơ bản ở đây là phải quản trị tư, nếu giao cho doanh nghiệp thì công viên sẽ thay đổi hoàn toàn.
“Mình đầu tư hàng chục tỷ cho công viên, thuê bao nhiêu người làm nhưng không tiến bộ. Nhưng giao cho tư nhân, họ đầu tư mấy trăm tỷ vào khai thác, mình không mất đồng nào mà còn được thu thuế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng đề nghị Hà Nội chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng cơ bản đồng tình với kiến nghị của Hà Nội, đồng thời giao các Bộ trưởng trực tiếp giải quyết vấn đề thuộc thẩm quyền. Với những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng thì các Bộ trưởng phối hợp với Hà Nội đề xuất.
Với các dự án đường sắt đô thị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý các vướng mắc liên quan tới dự án; Bộ Tài chính xử lý các vướng mắc về vốn; Bộ Giao thông vận tải xử lý các vướng mắc liên quan tới hướng tuyến.
Về đề nghị Hà Nội được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất từ 10 ha đất trồng lúa trở lên sang các loại đất phi nông nghiệp phù hợp với quy hoạch, Thủ tướng giao các bộ, ngành khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét ban hành nghị quyết phù hợp.