Thuế phí “đè nặng” doanh nghiệp
Với hơn 2.000 doanh nghiệp tham gia trực tiếp và hàng nghìn đại biểu tham dự ở 63 điểm cầu, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp đã ghi nhận những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy kinh tế phát triển. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tình trạng doanh nghiệp than phiền về việc các thủ tục hành chính chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà vẫn còn nhiều. Nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. Việc doanh nghiệp một năm phải tiếp 6-7 đoàn thanh tra, kiểm toán, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức.
Bên cạnh đó, ông Lộc cũng phản ánh thực trạng doanh nghiệp “nặng gánh” trước những chi phí chính thức và không chính thức. “Các doanh nghiệp thường phải trả các chi phí không chính thức khi làm thủ tục về cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện”, ông Lộc nói.
Chủ tịch VCCI cũng cho biết, hiện chi phí tiếp cận điện của Việt Nam dù đã được cải thiện nhưng vẫn cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore. “Đây thực sự là một vấn đề rất đáng quan ngại bởi nó làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Lộc nhấn mạnh.
Về chi phí logistics, ông Lộc cho biết, vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Chẳng hạn: Chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100km), đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.
“50% cán bộ ngồi bói chữ nhiều hơn là làm”
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thì phản ánh thực trạng một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết mà tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, không coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Vì lẽ đó nên doanh nghiệp phải “đi đêm”, “chung chi”, theo tinh thần “của công chia ba, của nhà chia đôi”. “Nếu các chi phí không chính thức không được đẩy lùi, sẽ gây muôn vàn khó khăn cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mệt mỏi, chán chường, nản chí kinh doanh, bóp méo tư tưởng cạnh tranh, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của quốc gia, làm hỏng bộ máy, giảm niềm tin của nhân dân”, ông Thân chốt lại.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa cũng cho rằng, hiện bộ máy đang thừa 50% cán bộ. “Họ đi chơi rất nhiều, ngồi bói chữ nhiều hơn là làm. Chúng tôi cho rằng, có ngăn chặn được tình trạng mua quan bán chức thì mới chọn được người tài, người có năng lực như tinh thần của Thủ tướng đã nêu”, ông Đệ nói. Ông Đệ cũng kiến nghị cần chấm dứt tình trạng, cái gì thuận thì đẩy cho công làm, còn khó thì lại đẩy cho tư. “Lúc nhà nước đang khó khăn, các doanh nghiệp đầu tư được thì nhà nước thôi, đừng làm nữa, chứ nếu cứ lấy tiền nhà nước ra làm thì thất thoát càng cao, lợi ích nhóm càng lớn”, ông Đệ nói và dẫn ngay ví dụ tại Hải Phòng có chuyện chính quyền động viên doanh nghiệp đầu tư 50 tỷ xây bến xe Thượng Lý, sau đó lại “lật kèo”. “VCCI cử tôi làm đại diện nhưng nhắn tin, gọi điện cho lãnh đạo thành phố không được. Tôi nằm ở đó 3 ngày, cuối cùng về người không”, ông Đệ bức xúc.
Phản hồi về ý kiến của ông Đệ, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết, không có chuyện chính quyền bàng quan. Thời gian qua Hải Phòng đã họp nhiều, trên cơ sở các quy định hiện hành và đang dần dần từng bước đưa bến xe Thượng Lý vào hoạt động. Hiện bến xe này đã có 90 chuyến hoạt động. “Anh Đệ nói thế chứ tôi chưa bao giờ nhận tin nhắn hay cuộc điện thoại nào của anh Đệ. Chúng ta không thể can thiệp thô bạo vào như vậy được”, ông Thành nói.
Bình đẳng, không phân biệt công hay tư
Đề cập đến vấn đề phát triển kinh tế tư nhân, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho hay, trong phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
“Chúng tôi mong muốn Chính phủ sớm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc khối kinh tế tư nhân hoạt động, phát triển bình đẳng với tất cả các thành phần kinh tế khác. Chúng tôi cũng kỳ vọng đây sẽ là mốc đánh dấu vị thế quan trọng mà doanh nghiệp tư nhân xứng đáng có được, khi khu vực kinh tế tư nhân hiện đã chiếm tỉ trọng gần 40% trong GDP”, bà Nga nêu ý kiến.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phải xây dựng được môi trường kinh doanh thân thiện, sáng tạo, an toàn… “Chính phủ tiếp thu là xây dựng môi trường bình đẳng giữa doanh nghiệp công và tư, phù hợp thông lệ quốc tế. Đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội cần góp ý xây dựng, thực thi chính sách để có môi trường đầu tư tốt hơn”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng thừa nhận thực tế là thuế, phí còn cao, không chỉ những chi phí liên quan đến thủ tục hành chính mà còn phí BOT, bến bãi cầu đường… Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, chưa sát sao, nắm bắt để giải quyết kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp. Thủ tướng cho biết, vừa bàn với các thành viên Chính phủ để ban hành chỉ thị không cho thanh, kiểm tra 1 năm quá 1 lần với mỗi doanh nghiệp. “Chỉ thị được ký đúng 1 giờ chiều hôm nay mang số 20 sẽ công bố ngay sau đây”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công hay tư. Xóa bỏ ưu ái, thu hồi nguồn lực tài nguyên kém hiệu quả để phân bổ lại. Đồng thời rà soát để giảm bỏ gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp như thủ tục hành chính, thuế, hải quan, BOT, dịch vụ công, chi phí giám định… đang đè lên doanh nghiệp. “Các đồng chí đề nghị tôi đặt tên 2017 là năm giảm phí cho doanh nghiệp”, Thủ tướng cho hay.
“Bình minh đang đến với đất nước ta”
Thủ tướng cũng đề nghị doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa khoa học công nghệ để tạo nền tảng cách mạng 4.0. Trước đây chúng ta có chủ trương Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, nhưng bây giờ phải là Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam. Nếu chúng ta quên thị trường gần 100 triệu dân thì chúng ta sẽ thất bại.
Nhắc lại trường hợp đồng ý Uber, Grab taxi vào hoạt động dù quản lý rất khó khăn, Thủ tướng cũng hoan nghênh tinh thần của Bộ GTVT, không phải cứ quản lý khó là chúng ta cấm. “Bình minh đang đến với đất nước ta, tôi tin tưởng các doanh nghiệp sẽ đóng góp cho bình minh rực sáng cho đất nước Việt Nam thân yêu. Chúng ta sẽ xây dựng hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả thành phần kinh tế đều bình đẳng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng mong doanh nghiệp cần kinh doanh liêm chính và bảo vệ tốt hơn vấn đề môi trường. “Cha ông ta đã nói dân giàu thì nước thịnh, đất nước không thể giàu mạnh nếu cộng đồng doanh nghiệp yếu kém”, Thủ tướng nói.
“Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao năng lực thực thi, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, nhũng nhiễu doanh nghiệp. Đặc biệt nâng cao năng lực của bộ máy tư pháp trong bảo vệ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh. Thực hiện công khai minh bạch các chủ trương, chính sách; chống tiêu cực, ngăn chặn các quan hệ “sân sau” thao túng chính sách để trục lợi”.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình