Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời phóng vấn The Washington Post

Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời phóng vấn The Washington Post
(TPO) Ngày 16/6, tờ The Washington Post (Mỹ) đã phỏng vấn Thủ tướng Phan Văn Khải trước chuyến thăm chính thức nước Mỹ của ông. TPO xin trích đăng lại nội dung cuộc phỏng vấn trên

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam sang Mỹ trong vòng 30 năm qua. Ông nhìn nhận thế nào về ý nghĩa của chuyến đi này?

Tôi cho rằng, đây là một chuyến thăm quan trọng. Lần đầu tiên, lãnh đạo cao cấp của một nước VN thống nhất thăm Mỹ. Đây là chuyến thăm đầu tiên trong vòng 30 năm và đặc biệt là sau 10 năm kể từ khi 2 nước bình thường hóa quan hệ.

Tôi nghĩ, trong 10 năm qua, quan hệ hai nước đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Mục đích của chuyến thăm này nhằm thúc đẩy quan hệ giữa 2 nước lên một mức độ cao hơn.

Qua chuyến thăm này, chúng tôi hy vọng sẽ xây dựng được một quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định giữa hai quốc gia.  Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là mở rộng hơn nữa mối quan hệ với Mỹ.

Ông sẽ yêu cầu điều gì từ Tổng thống Mỹ Bush? Điều gì sẽ là những ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự của ông?

Thứ nhất, đó là thiết lập một khung quan hệ hợp tác lâu dài trong thế kỷ 21.

Thứ hai, tôi muốn Tổng thống Bush tuyên bố ủng hộ tiến trình của VN ra nhập WTO.

Thứ ba là PNTR (Ghi chú: một quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn – điều kiện tiên quyết để trở thành thành viên của WTO).

Thứ tư, công nhận VN là một nền kinh tế thị trường với việc dỡ bỏ việc áp dụng điều luật Jackson - Vanick.

Thứ năm, đó là những hậu quả còn lại của chiến tranh. Chúng tôi muốn phía Mỹ có một hình thức hỗ trợ thích đáng trong việc rà phá bom mìn và giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam. Đây là những vấn đề nhân đạo đối với VN.

Trong lĩnh vực thương mại và kinh tế, VN mong muốn gia nhập WTO vào cuối năm nay. Những thỏa thuận đạt được với Mỹ sẽ là chìa khóa cho vấn đề này. Ông suy nghĩ gì về chuyến đi này sẽ mang lại những điều gần hơn với mục tiêu của mình? Ông có trông chờ vào những dấu hiệu đột phá không?

Đó là luôn là điều mong muốn của VN trong đàm phán song phương. Mỹ là một đối tác đàm phán lớn của VN trong vấn đề này. Chúng tôi mong muốn Mỹ sẽ ký  những đàm phán này với VN sớm nhất có thể.

Điều đó có nghĩa là VN sẽ gia nhập WTO trong năm nay ?

Tôi hy vọng mạnh mẽ rằng, VN sẽ gia nhập WTO. Nhưng đây không phải là phương sách cuối cùng, bởi vì hàng năm WTO đều có cuộc họp cấp Bộ trưởng để chấp nhận các thành viên mới.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc VN là thành viên của WTO sẽ có lợi cho cả hai phía Mỹ và VN, đặc biệt là cho thương mại của Mỹ, sẽ là cơ hội tốt hơn để Mỹ kinh doanh tại VN.

VN đang chuyển sang nền kinh tế thị trường. Nhưng một số lĩnh vực vẫn còn làm nản lòng nhà đầu tư, thiếu tính minh bạch trong một số quy định… Ông có biện pháp gì để đẩy nhanh việc cải cách trên các lĩnh vực này ?

Tôi cho rằng, trong 20 năm qua kể từ bắt đầu đổi mới (1986), VN đã đạt được những thành tựu lớn lao. Những thành tựu quan trọng đó đã được ghi nhận, đó là nhờ chính sách đối nội và đối ngoại đúng đắn. Trong 20 năm đổi mới, chúng tôi đã có những bài học rất quan trọng để tiếp tục công cuộc cải cách, đổi mới thành công của mình.

Đổi mới về chính trị và đổi mới về kinh tế có mối quan hệ hài hòa chặt chẽ với nhau. Trong 20 năm qua, môi trường đầu tư đã có những tiến bộ căn bản.  Trên 40 tỷ USD đã được đầu tư vào VN với khoảng 3000 dự án FDI (đầu tư trực tiếp từ nước ngoài). Bên cạnh đó, ODA tổng cộng là 23 tỷ USD… với các nhà viện trợ chính là Ngân hàng Thế giới và Nhật Bản. Để đẩy mạnh hội nhập và cạnh tranh trong thương mại và đầu tư, Việt Nam cần nỗ lực lớn hơn nữa để đẩy nhanh cải cách thu hút đầu tư FDI.

Chúng tôi xác định rõ việc dỡ bỏ bất kỳ rào cản nào trong vấn đề đầu tư nước ngoài.  Hàng năm, Chính phủ đều có các cuộc họp với các nhà đầu tư. Trong những cuộc họp này, chúng tôi lắng nghe những phê bình, lo lắng của họ và cùng họ giải quyết các vấn đề đó.

Hàng năm, chúng tôi cũng có các cuộc họp với các nhà tài trợ cho VN. Cách đây hơn 1 tuần, Phó Thủ tướng của chúng tôi đã có cuộc họp với các nhà tài trợ tại VN và tại cuộc họp lần này, những lời phàn nàn đã ít hơn so với năm trước.

Tốc độ tăng trưởng của VN là 7,5% một năm và xuất khẩu tăng trung bình 16% trong vòng 10 năm qua với việc sử dụng hiệu quả vốn ODA đã được các nhà tài trợ đánh giá cao.

Chương trình xóa đói giảm nghèo của chúng tôi cũng nhận được sự đánh giá cao của các nhà tài trợ. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã thiết lập một kỷ lục về giảm nghèo so với các nước khác.

Ông vừa cho rằng, cải cách chính trị phải đi cùng với cải cách về kinh tế. Tiến trình cải cách kinh tế đã được chứng tỏ với bất kỳ du khách nào tới VN. Nhưng, các nhà phân tích cho rằng, chính trị đã không có sự cải cách nhanh như kinh tế. Ông có thể giải thích về sự khác nhau này?

Bạn có biết tại sao chúng tôi lại giành được những thành công lớn lao như vậy về cải cách kinh tế không? Cải cách chính trị là tiền đề cho cải cách kinh tế.

Trong quá khứ, Việt Nam là nền kinh tế kế hoạch tập trung. Sau đó, những cơ chế mới đã đưa VN vào nền kinh tế thị trường. Đó không hoàn toàn chỉ là một sự cải cách kinh tế, mà là một quyết định chính trị quan trọng trong quá trình cải cách chính trị.

Bạn có thể nhìn thấy dân chủ đã được thúc đẩy và cải thiện ở VN. Trước đây, nền kinh tế VN chỉ có 2 thành phần là kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác xã. Hiện nay, rất nhiều loại hình kinh tế đã được thiết lập và mọi người dân VN đều được phép phát triển kinh doanh của mình tại nhiều loại hình kinh tế khác nhau.

Bởi thế, mọi nguồn lực trong nước từ các lĩnh vực kinh tế khác nhau đã được phát triển để đảm bảo cho sự phát triển nhanh chóng của kinh tế đất nước.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, tự do và dân chủ là mục tiêu cuối cùng của cuộc cách mạng và đã được ghi trong Hiến pháp của chúng tôi. Nếu bạn gặp bất cứ một người nào tại VN, bạn có thể thấy rằng, hiện họ đã hài lòng hơn với những tiến bộ về vật chất và tinh thần trong đời sống.

Ông đề cập đến nhân quyền, điều này gợi đến lần ông từng nói với Tổng thống Clinton rằng, khái niệm nhân quyền tại Việt Nam khác với tại Mỹ. Ý ông định nói điều gì?

Tôi nghĩ rằng, mục tiêu cuối cùng của 2 nước là giống nhau. Nhân quyền đã được đề cập trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn chính Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 rằng: Mọi người sinh ra đều bình đẳng và có quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc.

Hai nước Mỹ và Việt Nam có nền tảng lịch sử khác nhau. Chế độ chính trị của chúng ta cũng khác nhau. Điều kiện kinh tế cũng khác nhau. Tôi nghĩ, mục đích cuối cùng liên quan đến nhân quyền là giống nhau, nhưng chúng ta có những bước đi khác nhau để hướng tới mục tiêu cuối cùng. Ở Việt Nam, người dân có quyền lực cao nhất trong việc định đoạt vận mệnh của đất nước…

Một số người có thể lập luận rằng, Việt Nam không có tự do, dân chủ và chỉ có một hệ thống Đảng. Song bạn biết rằng, mục tiêu cuối cùng là duy trì sự ổn định chính trị và phục vụ lợi ích dân chúng.

Trong suốt 70 năm qua, Đảng đã nỗ lực hết mình để mang lại lợi ích cho dân chúng, điều này đã được toàn thể nhân dân của đất nước chúng tôi thừa nhận.

Việt Nam không cần thiết phải có nhiều hơn một Đảng, bởi vì người Việt Nam vẫn có niềm tin mãnh liệt vào Đảng. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng, mục đích của Đảng là mang lại lợi ích cho nhân dân, nếu không sẽ không được nhân dân thừa nhận.

Hiện có ít nhất 1.5 triệu người Việt Nam tại Mỹ. Rất nhiều người trong số này đã quay trở về thăm lại Việt Nam hoặc làm ăn. Song hiện vẫn có một số người, đặc biệt là thế hệ lớn tuổi hơn, vẫn còn ngờ vực. Một số người lập kế hoạch biểu tình đòi tự do, dân chủ và chấm dứt nạn tham nhũng. Ông sẽ nói gì với cộng đồng người Việt hải ngoại về cơ hội kinh tế, về sự tự do chính trị và xã hội tại Việt Nam hôm nay?

Tôi nghĩ, cộng đồng người Việt trên thế giới nói chung và tại Mỹ nói riêng, tất cả đều thấy rõ những thành tựu kinh tế của Việt Nam trong 10 năm qua.

Trong mắt họ Việt Nam hiện tại là một đất nước của hòa bình ổn định, an toàn và cải cách. Việt Nam còn là một đất nước đang phát triển nhanh chóng trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới. Đối với tất cả những ai đã đến Việt Nam, từ những người lãnh đạo cấp cao cho tới những người du lịch, đều nhận thấy rõ những thành tựu này.

Hiện vẫn có một nhóm nhỏ những người có quan điểm thành kiến và lỗi thời về Việt Nam, chúng tôi muốn thông qua tờ báo của các bạn để chuyển một thông điệp tới cộng đồng người VN tại Mỹ, tới những người yêu nước đang sống ở nước ngoài rằng, họ chính là một phần không thể thiếu của dân tộc chúng tôi và là nguồn lực rất quan trọng cho đất nước của chúng tôi.

Đó là chính sách trước sau như một để làm mạnh thêm dân tộc chúng tôi, với một xã hội dân chủ và văn minh. Chúng tôi ủng hộ điều này và không có bất kỳ một sự phân biệt đối xử nào với quá khứ.

Với những người hiểu và công nhận chính sách này, họ sẽ có một vị trí xứng đáng tại Việt Nam. Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, Việt Nam có một điều kiện rất khác so với các nước khác sau 30 năm chiến tranh.

Từ cơ sở này, bạn có thể thấy rằng, một số người đứng ở phía này và một số khác đứng ở phía bên kia, thậm chí trong cùng một gia đình. Nhân dân Việt Nam đã gánh chịu quá nhiều đau đớn.  Bởi vậy chúng tôi muốn bỏ lại quá khứ và hướng tới tương lai.

Bạn có thể nói rằng, trong chiến tranh, Việt Nam và Mỹ là hai phe đối lập. Giờ đây, đã 30 năm sau khi kết thúc chiến tranh, chính sách của chúng tôi là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai và tạo nên quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai quốc gia.

Việt Nam đang nỗ lực hòa nhập với cộng đồng quốc tế. Ông nhìn nhận thế nào về mối quan hệ của VN với Mỹ nếu so sánh với Trung Quốc, một cường quốc khác trong khu vực? Làm thế nào để ông cân bằng được hai mối quan hệ này?

Việt Nam đang mở rộng quan hệ với Mỹ. Trung Quốc là một nước láng giềng lớn của Việt Nam. Trong 20 năm qua, công cuộc cải cách của Trung Quốc rất thành công. Chúng tôi cũng muốn nghiên cứu những bài học thành công trong cải cách và chính sách mở cửa của Trung Quốc.

Với những thành công này, Trung quốc đã trở thành một cường quốc về kinh tế, khoa học và công nghệ, và sức mạnh về quân sự, quốc phòng sẽ phát triển mạnh trong tương lai.

Bởi vậy, chúng tôi muốn phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp và một quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai quốc gia.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh với bạn rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại độc lập và tự chủ. Chúng tôi không phụ thuộc vào bất cứ một khối nào. Chúng tôi cũng không có bất cứ một liên minh nào. Nhưng chúng tôi cần quan hệ công bằng với tất cả các nước. Chúng tôi cần có quan hệ tốt với tất cả các nước trên thế giới.

Như bạn biết, VN đang đóng một vai trò chủ động ngày càng tăng trong ASEAN. Chúng tôi cũng sẽ tham gia chủ động vào hội nghị thượng đỉnh Đông Á sắp tới. Đó là một cơ chế mở.

Chúng tôi muốn thấy Úc, New Zealand và Ấn Độ là thành viên của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Chúng tôi có một quan hệ tốt với Nhật Bản, EU và cũng muốn có quan hệ tốt với Mỹ và Ấn Độ.

Chúng tôi cũng muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga và các nước bạn bè truyền thống khác. Năm ngoái, tôi cũng đã tới thăm châu Phi. Chính sách đối ngoại của chúng tôi là làm bạn và đối tác đáng tin cậy của tất cả các nước trên thế giới.

Ông sẽ có cuộc gặp với ngài Kofi Annan. Vậy ông sẽ có cử chỉ gì với Liên Hiệp Quốc, chẳng hạn như về lực lượng giữ gìn hòa bình của LHQ?

Vâng, trong tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện nghĩa vụ này. Điều này còn phụ thuộc vào điều kiện của chúng tôi, Việt Nam vẫn còn là một đất nước nghèo.

Hiện chúng tôi đang cố gắng huấn luyện một số người, bao gồm cả nhân viên quân sự để có thể tham gia vào lực lượng giữ gìn hòa bình. Chúng tôi có một số kinh nghiệm trong rà phá bom mìn và y tế.

MỚI - NÓNG