Tháp tùng Thủ tướng và Phu nhân có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Bùi Văn Thạch; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt…
Tham gia đoàn công tác còn có lãnh đạo một số địa phương, trong đó có Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ và dự Hội nghị COP28 tại UAE |
Dự kiến, tối nay theo giờ địa phương, chuyên cơ chở Thủ tướng và Phu nhân, cùng đoàn công tác sẽ hạ cánh tại sân bay quốc tế Esenboga, Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam tới Thổ Nhĩ Kỳ. Thời gian qua, hai nước duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt. Trong thảm họa động đất diễn ra tại miền Đông Nam của Thổ Nhĩ Kỳ (tháng 2/2023), Việt Nam đã viện trợ 100.000 USD và cử 2 đội cứu hộ, cứu nạn sang giúp Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả.
Về thương mại, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác thương mại quan trọng, là cửa ngõ để Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Đông và Nam Âu, nhất là các mặt hàng: gạo, cao su, chè, may mặc, giày dép, hàng điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ... Năm 2022, kim ngạch song phương giữa hai nước đạt hơn 2 tỷ USD.
Về đầu tư, đến tháng 10/2023, Thổ Nhĩ Kỳ có 36 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký 974,3 triệu USD, đứng thứ 26/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Tháng 8/2023, Công ty IC Ictas (thuộc Tập đoàn IC Holdings) của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu Liên danh Vietur đã trúng gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách trị giá 35.000 tỷ đồng thuộc dự án sân bay Long Thành.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, chuyến thăm của Thủ tướng được kỳ vọng sẽ góp phần củng cố tin cậy chính trị và tạo động lực mới, mang tính đột phá cho hợp tác của Việt Nam với Thổ Nhĩ Kỳ trong tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại, đầu tư, tới các lĩnh vực hợp tác mới như đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ…
Với COP28 được tổ chức tại UAE, Thứ trưởng Nguyễn Hùng Việt cho biết, Việt Nam kỳ vọng Hội nghị sẽ đạt được những bước tiến thực chất, đặc biệt trên bốn lĩnh vực quan tâm hàng đầu:
Một là, các nước tiếp tục có những hành động mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính, tiến hành chuyển đổi năng lượng một cách bền vững và công bằng.
Hai là, các nước phát triển thực hiện cam kết của mình, đặc biệt trong việc cung cấp tài chính, hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển trong quá trình này (bao gồm thực hiện cam kết với mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm và tăng mức cam kết cho giai đoạn đến năm 2025 và năm 2030).
Ba là, quan tâm thích đáng tới hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), đưa ra được Khung mục tiêu thích ứng toàn cầu rõ ràng và khả thi.
Bốn là, sớm đưa Quỹ Tổn thất và Thiệt hại đi vào vận hành để có nguồn tài chính mới, lớn hơn hỗ trợ cho các nước đang phát triển và những nước chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH.