Phát biểu tại buổi Lễ công bố, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương Hội đồng Thương hiệu Quốc gia, Bộ Công Thương đã tích cực chỉ đạo, triển khai đạt kết quả tốt trong các hoạt động xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia, góp phần củng cố, nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cùng với sự phát triển và khẳng định uy tín của sản phẩm, của doanh nghiệp Việt Nam, Chương trình Thương hiệu quốc gia đã góp phần thúc đẩy Thương hiệu quốc gia thăng hạng mạnh mẽ, đưa Việt Nam lọt vào nhóm các nước có thương hiệu mạnh.
Theo tổ chức Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 11%, từ 388 tỉ USD năm 2021 lên 431 tỷ USD năm 2022. Đồng thời Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới tăng từ 74% giai đoạn 2019-2022.
|
Bên cạnh sự phát triển của Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng gia tăng mạnh mẽ. Tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu cả nước có mức tăng trưởng 36%. Đây là sự nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cùng với kết quả của Chương trình Thương hiệu quốc gia và các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi của Đảng, Nhà nước, đó cùng là niềm tự hào của đất nước.
“Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng 172 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2022; đồng thời ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực và những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong việc thực hiện Chương trình Thương hiệu Việt Nam là rất đáng trân trọng nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và có quyết tâm cao hơn, nỗ lực, cố gắng hơn nữa. “Tạo ra được thương hiệu rất khó, duy trì được thương hiệu khó gấp trăm nghìn lần"- Thủ tướng nói.
Các doanh nghiệp được trao giải thưởng |
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phải tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, phải tập trung khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, tận dụng lợi thế để phát triển mạnh mẽ trong thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu thông qua các biện pháp nâng cao giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tạo ra giá trị cho xã hội.
“Tập trung đào tạo đội ngũ người lao động có trình độ, kỹ năng, chuyên nghiệp, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hội nhập trên các lĩnh vực”, Thủ tướng yêu cầu.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ còn cho rằng: Sự thành công và phát triển của cộng đồng, doanh nghiệp, thương hiệu, uy tín của sản phẩm, dịch vụ là thước đo sự thành công của công tác điều hành, quản lý của Nhà nước. Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương.
Thủ tướng cũng bày tỏ sự tin tưởng trong thời gian tới sẽ có thật nhiều doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí của Chương trình, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
"Sự cố gắng của mỗi doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia sẽ là những hạt nhân góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Chúng ta tin tưởng rằng, hai tiếng “Việt Nam” gắn với hình ảnh sản phẩm, dịch vụ uy tín, chất lượng cao sẽ ngày càng phát triển và củng cố vững chắc vị thế, uy tín trên toàn thế giới", Thủ tướng nhấn mạnh.
Lần thứ 5 liên tiếp Tân Á Đại Thành vinh dự là doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia |
Phát biểu tại lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo thực hiện từ năm 2003.
Sau gần 20 năm triển khai thực hiện, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành bệ phóng vững chắc cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới, kiến tạo những giá trị, sức mạnh mới cho đất nước.
“Thông qua Chương trình, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò, tầm quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị của sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp”. Từ đó, thúc đẩy xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và nước ngoài”, ông Diên cho hay.
Hội đồng Thương hiệu quốc gia đã thống nhất công nhận 172 doanh nghiệp với 325 sản phẩm đủ điều kiện là những đại diện tiêu biểu cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022, tăng 48 doanh nghiệp so với kỳ xét chọn trước.
172 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022 có kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu năm 2021 khoảng 1,57 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 129 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập cho gần 600 nghìn lao động, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.