Hãng RIA Novosti ngày 1/12 dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại một cuộc họp với Syunske Hasegawa, thị trưởng thành phố Nemuro, tỉnh Hokkaido, phía Bắc Nhật Bản: “Chúng ta sẽ xem xét các vấn đề trên các vùng lãnh thổ phía Bắc, tiến tới việc ký kết một Hiệp ước Hòa bình. Với cương vị là Thủ tướng, tôi muốn đạt được điều này”.
Thị trưởng Syunske Hasegawa cũng cho rằng: “Tokyo và Tổng thống Nga đã có nhiều lần gặp gỡ, và Nhật Bản cũng thực sự muốn bạn giải quyết vấn đề tranh chấp này”.
Hồi cuối tháng 5/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nói rằng, Moscow đã sẵn sàng tiếp tục các cuộc đàm phán với Nhật Bản về các đảo tranh chấp.
“Cả Nga và Nhật Bản đang thực sự quan tâm đến vấn đề này”, ông Putin nói, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Giải pháp cho vấn đề này là không được xâm phạm lợi ích của các bên”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều là những nhà lãnh đạo lên nắm quyền điều hành đất nước vào năm 2012. Tính từ mốc thời gian năm 2012 đến nay, ông Shinzo Abe và Vladimir Putin đã gặp nhau tổng cộng khoảng 10 lần trong nhiều dịp khác nhau.
Quan hệ Nga – Nhật bắt đầu trở lên lạnh nhạt hẳn kể từ khi Moscow tiến hành sát nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước Nga sau cuộc khủng hoảng chính trị vẫn còn đang tiếp diễn cho đến tận ngày hôm nay ở miền Đông Ukraine.
Hậu quả của việc Nga sát nhập Crimea là Nhật Bản dưới sức ép của Mỹ và các đồng mình trong khối nhóm các nước công nghiệp G7 đã buộc phải tuyên bố tiến hành các lệnh trừng phạt để gây sức ép với Moscow.
Trong đó, sự ảnh hưởng của Washington đối với quyết định trừng phạt Nga của chính quyền do ông Shinzo Abe đứng đầu là không hề nhỏ.
Hôm 9/11/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cùng nhau xuất hiện trong một cuộc trao đổi ngắn bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương vừa diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Cuộc gặp hiếm hoi và ngắn ngủi này gợi mở ra cho dư luận suy đoán rằng rất có thể quan hệ giữa Nga và Nhật Bản sẽ ấm lên và có ý nghĩa hơn trong tương lai.
Trong quan hệ giữa Liên bang Nga với Nhật Bản hiện nay, trở ngại lớn nhất là bất đồng về tranh chấp chủ quyền quần đảo Nam Kuril (Lãnh thổ phương Bắc theo cách gọi của Nhật Bản).
Quần đảo Nam Kuril gồm bốn đảo nhỏ (tên gọi theo phía Nhật Bản là: Habomai, Sitokan, Kunashir, Etorofu). Quần đảo này giữ vị trí địa chính trị quan trọng với Nhật Bản và Nga.
Không chỉ vậy, xung quanh các hòn đảo này là ngư trường phong phú, các giếng dầu, các mỏ khí đốt và rất nhiều trầm tích khoáng sản.
Hiện nay, quần đảo này do Nga kiểm soát thực tế nhưng phía Nhật Bản vẫn tuyên bố chủ quyền và coi đây là một phần lãnh thổ thuộc Hokkaido của Nhật Bản.
Đây là nguyên nhân cản trở lớn nhất khiến Nhật Bản và Nga chưa thể ký kết Hiệp ước Hòa bình kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai.