Tuy nhiên, ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, khuyến cáo các bên không nên vội vã đưa ra kết luận về nguyên nhân vụ tai nạn trên bán đảo Sinai. Ông cho biết, ủy ban điều tra quốc tế gồm các chuyên viên Nga, Ai Cập và các bên liên quan vẫn chưa đi đến kết luận sơ bộ về nguyên nhân vụ việc.
Chính quyền Ai Cập đã mở cuộc điều tra riêng về khả năng máy bay bị đặt bom và khẳng định, có đến “90% tiếng động trong giây cuối cùng từ dữ liệu ghi âm buồng lái là do bom nổ gây ra”. Giám đốc điều hành hãng Airbus Fabrice Bregier nói rằng, không thấy bất cứ trục trặc kỹ thuật nào có thể dẫn tới thảm họa.
Israel cũng lần đầu tiên lên tiếng rằng, tấn công khủng bố là nguyên nhân có xác suất cao nhất dẫn đến việc rơi máy bay. “Chúng tôi không tham gia cuộc điều tra. Tuy nhiên, dựa theo những thông tin thu thập được, chúng tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu kết luận sơ bộ không khẳng định đây là một vụ khủng bố bằng đánh bom bên trong máy bay”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Israel Rafi Babian nói.
Israel theo dõi sát vụ việc tại bán đảo Sinai - khu vực chính quyền Ai Cập đang chiến đấu chống nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan, bao gồm IS. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon từ chối bình luận về thông tin trên kênh CNN rằng Israel trao thông tin thu thập được tại Sinai vào thời điểm máy bay rơi cho Mỹ và Anh.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Philip Hammond tuyên bố “rất có thể phiến quân IS liên quan sự việc”. Cả Washington và London đều nói rằng, cơ quan tình báo của họ sơ bộ nhận định máy bay Nga bị IS đánh bom.
Ngày 9/11, Kremlin xác nhận, Anh đã chia sẻ với Nga một số dữ liệu về vụ rơi máy bay. Cùng ngày, Bộ Nội vụ Ai Cập thông báo, Ashraf Ali al-Gharably, thủ lĩnh nhóm phiến quân từng tuyên bố gây ra thảm kịch máy bay, đã bị quân đội nước này tiêu diệt trong một cuộc đọ súng tại khu phố el-Marg phía tây bắc thủ đô Cairo.
Theo Reuters, tình báo Mỹ thu được các liên lạc của Nga cho thấy, Nga tin rằng máy bay rơi ở Sinai ngày 31/10 là do bị đánh bom. Giới chức Mỹ nghi ngờ một thiết bị nổ được cài trên khoang chiếc Airbus cất cánh từ sân bay Sharm al-Sheikh. Khả năng một nhân viên sân bay làm việc cho IS lọt vào sân bay để đặt bom máy bay thương mại khiến Mỹ càng lo ngại về nhánh IS tại Sinai.