Thủ tướng ký cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh ngành công thương

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Bộ Công Thương đã biết gạt bỏ lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình, vươn lên dẫn đầu trong cắt bỏ các điều kiện kinh doanh,
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Bộ Công Thương đã biết gạt bỏ lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình, vươn lên dẫn đầu trong cắt bỏ các điều kiện kinh doanh,
TPO - Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành Công Thương ngày 15/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay, ngay tại hội trường cuộc tổng kết, ông đã ký Nghị định 08 cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh do Bộ Công Thương quản lý.  

Khẳng định Bộ Công Thương đã biết gạt qua lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình khi tiên phong bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc ký ban hành Nghị định 08 là câu trả lời bước đầu cho câu hỏi của dư luận về cam kết cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương chỉ là lời hứa suông hay quyết tâm đích thực.

“Tôi vừa ký Nghị định 08 để cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh, tương đương cắt giảm 55% trong hơn 2.000 điều kiện đầu tư kinh doanh mà bộ công thương quản lý. Điều này cho thấy mức độ cắt giảm lớn thế nào. Bộ Công Thương đã đi đầu trong các bộ ngành để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh. Nếu cứ bảo vệ quyền lợi của mình, giữ các điều kiện thì hoạt động có hiệu quả không?”, Thủ tướng chia sẻ.

Theo người đứng đầu Chính phủ, năm 2017, ngành công thương đã ghi nhiều dấu ấn trong công tác cải cách bộ máy, xóa bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh không phù hợp. Việc giảm thiểu kiểm tra chuyên ngành cũng đã được Bộ Công Thương triển khai hết sức quyết liệt và là bộ đi đầu trong công tác này. Qua đó, số đầu mối giảm, biên chế giảm, số phòng trong cục, vụ giảm.

Đặc biệt Bộ Công Thương đã mạnh dạn thực hiện lộ trình cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp, xóa bỏ 420/720 mã HS phải kiểm tra thông qua thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ.

Trong năm 2017, bộ đã hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội 2 dự án Luật (gồm Luật Quản lý ngoại thương và Luật Cạnh tranh sửa đổi); trình Chính phủ 14 Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (trong đó đã có 02 Nghị định đã chính thức được ban hành). Tính đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2017, 34 Thông tư đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương ký chính thức ban hành (hoàn thành 100% kế hoạch đề ra).

“Tôi thay mặt Chính phủ, đánh giá cao những việc ngành công thương đã làm được, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thành tích chung của đất nước. Bộ Công Thương đã biết gạt bỏ lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình, vươn lên dẫn đầu trong cắt bỏ các điều kiện kinh doanh, giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam tiệm cận với chuẩn mực quốc tế”, Thủ tướng nói.

Theo Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, ngoài thực hiện lộ trình cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp, bộ này cũng cắt giảm và đơn giản hóa 183 trong tổng số 451 thủ tục hành chính (trong đó cắt giảm 49 thủ tục, đơn giản hóa 134 thủ tục); triển khai 161 trong tổng số 298 dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3 và cấp độ 4 thông qua một cổng dịch vụ công trực tuyến thống nhất.

Thủ tướng cũng cho rằng, việc Bộ Công Thương thực hiện tái cơ cấu bộ máy, tinh giản các đầu mối đã được thực hiện hết sức quyết liệt với thái độ dũng cảm, không sợ va chạm. “Đụng đến con người là phức tạp, nhưng các đồng chí đã làm khá mạnh mẽ, hiệu quả”, minh chứng bằng việc giảm được 5 đầu mối của bộ so với trước đây.

Tại cuộc họp của Ban soạn thảo về cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh sáng 13/10, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh một lần nữa khẳng định: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, gắn liền với công tác cải cách hành chính, cải cách thể chế, chính sách.

Về việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đang có nhiều băn khoăn nhưng có thể thực hiện được nếu tăng vai trò cũng như trách nhiệm của cấp cơ sở trên cơ sở công khai, minh bạch cùng với công cụ giám sát.

“Chúng ta không chỉ thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm mà là thay đổi tư duy quản lý. Nếu không thống nhất từ trên xuống dưới thì nguy cơ ‘trên cởi dưới nghẽn’ – mở cổng nhưng không chổ cửa là có thể thấy nhãn tiền”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG