Thủ tướng đối thoại về chính sách gì tại Diễn đàn kinh tế TPHCM?

TPO - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận phải xây dựng thể chế cùng TPHCM; ưu tiên về cơ chế, chính sách để tiếp tục phát huy nguồn lực của thành phố; xây dựng chiến lược chung cho cả nước, trong đó có chiến lược riêng, cơ chế đặc thù với TPHCM.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 5 - năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TPHCM”, chiều 25/9, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, TPHCM và các tỉnh, thành cùng các khách mời, tập đoàn trong nước và quốc tế.

Thủ tướng đối thoại về chính sách gì tại Diễn đàn kinh tế TPHCM? ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi tại phiên Đối thoại chính sách chiều 25/9. Ảnh: VGP.

Trao đổi tại phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng tình hình thay đổi thì phải có cách ứng xử phù hợp, thích ứng với tình hình để tiếp tục phát triển đi lên. Muốn có chính sách, giải pháp hiệu quả thì phải nắm chắc tình hình, dù tình hình hiện nay phức tạp, khó lường.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, thế giới đang đối mặt những vấn đề toàn cầu, toàn dân, do đó phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn diện để giải quyết, trong đó có vấn đề chuyển đổi, ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo Thủ tướng, trong tổng thể chuyển đổi của Việt Nam có nội dung chuyển đổi công nghiệp, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Về thành tựu chung của cả nước, Thủ tướng đánh giá TPHCM luôn đi đầu trong đổi mới, luôn là trung tâm tăng trưởng, tiên phong trên nhiều lĩnh vực, trong đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân.

Thủ tướng đối thoại về chính sách gì tại Diễn đàn kinh tế TPHCM? ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi công nghiệp phải vừa làm mới các ngành công nghiệp truyền thống, vừa phải phát triển các ngành công nghiệp mới với khái niệm rộng hơn.

Qua diễn đàn, Thủ tướng nhất trí cao với ý kiến của các đại biểu về yêu cầu chuyển đổi công nghiệp toàn diện tại TPHCM, xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, ngang tầm lịch sử, nhân dân năm sau luôn được hạnh phúc, ấm no hơn năm trước, phát triển hài hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa kinh tế, xã hội, môi trường.

Cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, chuyển đổi công nghiệp phải vừa làm mới các ngành công nghiệp truyền thống, vừa phải phát triển các ngành công nghiệp mới với khái niệm rộng hơn, liên quan tới các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm.

Muốn làm được điều này, phải xây dựng và hoàn thiện thể chế. Vừa qua, TPHCM đã được Quốc hội ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù. Cùng với đó, phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh. Ngoài ra, phải có các giải pháp huy động nguồn lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư. Thủ tướng cho rằng việc này TPHCM có điều kiện làm được và phải làm bằng được.

Đối với trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, Thủ tướng cho rằng phải xây dựng thể chế cùng TPHCM; ưu tiên về cơ chế, chính sách để tiếp tục phát huy nguồn lực của thành phố; xây dựng chiến lược chung cho cả nước, trong đó có chiến lược riêng, cơ chế đặc thù với TPHCM vì thành phố gánh vác trọng trách, sứ mệnh nhiều hơn, cao hơn. Thủ tướng cũng kêu gọi tinh thần hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng mong các đối tác phát triển ủng hộ TPHCM và Việt Nam về ưu đãi tài chính; từng bước chuyển giao công nghệ để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu; góp phần đào tạo nhân lực; nâng cao năng lực quản trị hiện đại, thông minh; góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Theo người đứng đầu Chính phủ, trong quá trình phát triển sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn cần giải quyết, những khó khăn, thách thức cần vượt qua. “Điều quan trọng là cùng lắng nghe, thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và cùng phát triển, cùng có niềm vui, hạnh phúc và tự hào”, ông nói.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh

Điều phối tại diễn đàn, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đặt vấn đề, Chính phủ đã, đang và sẽ có những chính sách ưu tiên gì để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế, trước hết là đối với ngành công nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn, nhỏ đều có thể chuyển đổi được?

Trả lời điều này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, hiện nay, những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể trong chiến lược 10 năm đã được Đại hội Đảng XIII thông qua; đã vạch rõ đường lối, chủ trương, quyết sách liên quan đến chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế gắn với các mục tiêu cụ thể về nâng cao chất lượng hiệu quả nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thủ tướng đối thoại về chính sách gì tại Diễn đàn kinh tế TPHCM? ảnh 3

Thứ trưởng Trần Quang Phương trao đổi tại buổi đối thoại. Ảnh: VGP.

Trong thúc đẩy chuyển đổi với ngành công nghiệp có nhấn mạnh đến hai quá trình chuyển đổi (chuyển đổi kép) là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đi song hành với nhau. Theo đó, cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo là yêu cầu bức thiết.

“Trong số các chính sách đã ban hành, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hai quyết định quan trọng là phê duyệt Đề án chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp bán dẫn và sản xuất chip”, ông Phương cho hay và nhìn nhận đây là hai quyết định mang tính then chốt để bước sang giai đoạn thúc đẩy sự chuyển đổi nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Chính phủ và rà soát các quy định hiện hành liên quan đến hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi xanh. Những điều không còn phù hợp sẽ điều chỉnh và bộ sẽ kiến nghị những chính sách mới.

MỚI - NÓNG