Trung tâm tài chính lớn tại TPHCM
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam tập trung thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu; tiếp tục mở cửa nền kinh tế, chuyển sang thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng và có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, năng lực sản xuất để đáp ứng và tham gia chuỗi cung ứng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan tỏa lớn; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Ảnh: VGP |
Theo Thủ tướng, việc triển khai các lĩnh vực ưu tiên nói trên đều cần nguồn tài chính, cần sự đồng hành, chia sẻ nguồn lực của bạn bè quốc tế, các doanh nghiệp đa quốc gia, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng.
Đặc biệt, kinh nghiệm và nguồn lực của các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới là cần thiết và quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển trung tâm tài chính và hoạt động đầu tư vào các ngành, lĩnh vực đóng góp cho phát triển bền vững như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, tài chính xanh.
Thủ tướng đề nghị các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chính sách, các thứ tự ưu tiên trong huy động các nguồn tài chính, tham gia vào quá trình xây dựng, cùng đầu tư và phát triển trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và trên cơ sở kinh nghiệm đã có, Việt Nam mong muốn các tập đoàn, quỹ đầu tư tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ để xây dựng, phát triển các loại thị trường khác, như thị trường quyền sử dụng đất, thị trường khoa học, lao động… theo hướng minh bạch, công khai, từ đó huy động các nguồn lực phát triển, thu hút đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp…
Thủ tướng cũng đề nghị các tập đoàn, quỹ đầu tư đóng góp ý kiến và gợi ý một số giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị đối với cả khu vực công và khu vực tư nhân trong nước, hướng đến sự minh bạch, hiệu quả cao và phát triển bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm hợp tác cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, làm từ đơn giản đến phức tạp, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, làm đến đâu chắc chắn đến đó. Về phần mình, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, bền vững.
Tại cuộc tọa đàm, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước phía Việt Nam và các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp, định hướng nhằm đẩy mạnh thu hút các nguồn tài chính cho phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong xây dựng, hình thành và phát triển trung tâm tài chính.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021- 2030, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính quốc tế nhằm tạo một bước chuyển mới về chất, thu hút thêm nguồn lực, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa Việt Nam tham gia vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh biến động về địa kinh tế, chính trị trên thế giới thời gian qua và diễn biến mới nhất tại các trung tâm kinh tế, tài chính trong khu vực và thế giới, Việt Nam đang được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng về thu hút đầu tư, dần hội tụ nhiều yếu tố để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính, có khả năng liên kết với các trung tâm tài chính trong khu vực và trên thế giới nhờ có các lợi thế.
Đối với Việt Nam, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là vấn đề mới, phức tạp, do đó, việc lựa chọn mô hình và cách thức xây dựng trung tâm tài chính cần được thực hiện trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các bài học kinh nghiệm quốc tế. Nguyên tắc xuyên suốt phải là tạo ra "sân chơi" cho các nhà đầu tư tài chính quốc tế, có luật chơi chung, tương thích với thông lệ quốc tế (cơ chế vận hành, phát triển các hệ sinh thái, ưu đãi…), nhưng đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam
Theo góp ý của chuyên gia kinh tế Mỹ, Việt Nam cần tận dụng quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ ở ngành công nghiệp giá trị cao, trở thành nhân tố hàng đầu trong chuỗi cung ứng công nghệ cao.
Việt Nam chọn công nghệ bán dẫn, hay da giày, dệt may?
Trước đó, sáng 21/9, tại buổi tọa đàm chính sách tại New York (Mỹ) của Thủ tướng Phạm Minh Chính và các giáo sư, chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu hàng đầu đến từ các trường đại học Harvard, Columbia, Yale, GS. David Dapice (Trường Harvard Kennedy) nhận định, biến đổi khí hậu, chiến tranh, nợ công gia tăng tại tất cả các nước ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu. Biến động chính trị cũng làm gia tăng chi phí trong quá trình tăng trưởng. Việt Nam là một trong nước có tốc độ hội nhập kinh tế nhanh nên chắc chắn tăng trưởng của Việt Nam chịu ảnh hưởng.
Đánh giá về lợi thế của Việt Nam, GS David Dapice cho rằng Việt Nam có khả năng cao thu hút FDI, nhưng sản xuất hàng xuất khẩu da giầy, dệt may còn hàm lượng công nghệ thấp, không giúp đem lại giá trị gia tăng.
GS David Dapice cho rằng Việt Nam cần nỗ lực hơn để bảo đảm tự cường kinh tế. Chỉ có tăng cường kỹ năng cho người lao động mới có thể bắt kịp và vượt các nước trong khu vực |
Do đó Việt Nam cần gia tăng hàm lượng trong nước trong các mặt hàng xuất khẩu, thúc đẩy quy mô hoạt động xuất khẩu, gia tăng giá trị các sản phẩm xuất khẩu để có vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng.
"Việt Nam cần nỗ lực hơn để bảo đảm tự cường kinh tế. Chỉ có tăng cường kỹ năng cho người lao động mới có thể bắt kịp và vượt các nước trong khu vực", GS nêu quan điểm.
GS Trường Harvard Kennedy cho rằng Việt Nam không thể làm một mình, mà cần liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có sẵn.
Trong nỗ lực phòng chống tham nhũng, ông David Dapice góp ý Việt Nam cần nỗ lực, xác định rõ những gì chấp nhận được và không thể chấp nhận được. "Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam sẵn sàng chấp nhận rủi ro để được việc. Đây cũng là một điều đáng lo ngại", ông nói.
Tỷ phú gốc Việt Chính Chu cho rằng Việt Nam cần tăng cường hợp tác với Mỹ trong những ngành có giá trị cao như công nghệ, bán dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực ưu tiên, hướng tới vị trí hàng đầu trong chuỗi cung ứng.
"Việt Nam không cần sản xuất máy móc như tivi, máy rửa bát, mà cần hợp tác với Mỹ để sản xuất chip bán dẫn", ông gợi ý và khuyên Việt Nam lựa chọn đầu tư loại chip công nghệ cao, mở rộng hợp tác với các nước EU như Anh, Đức, Pháp.
Nhắc tới bài học Singapore đã thành lập các quỹ lớn của Chính phủ để thúc đẩy đầu tư, ông Chính Chu cho rằng Việt Nam nên học tập mô hình của Singapore như lập quỹ Temasek, không chỉ giúp tăng đầu tư nội địa vào sản xuất mà còn đem lại lợi nhuận tốt cho người dân.
Bên cạnh đó, tỷ phú Chính Chu góp ý Việt Nam cần tăng cường hoạt động giáo dục - đào tạo và "có thể phải tăng 10 lần số lượng kỹ sư có tay nghề cao để phát triển ngành công nghệ cao".
Phát biểu kết luận tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những trao đổi thẳng thắn của các giáo sư, chuyên gia kinh tế Mỹ.
Với các định hướng góp ý từ chuyên gia, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng "cần lựa chọn ưu tiên", chủ yếu tập trung vào những ngành mới nổi là kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Đi theo với đó là đầu tư hạ tầng thông tin, năng lượng, xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam phải có bước đi phù hợp điều kiện của một nước có nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế vừa phải, độ mở nền kinh tế cao, khả năng thích ứng còn hạn chế.
"Trong tất cả bông hoa đẹp, phải chọn bông hoa nào để tôn vinh vẻ đẹp của mình. Đó là lựa chọn của Việt Nam", Thủ tướng nói.
Tối 21/9 (giờ địa phương) Thủ tướng cũng chứng kiến lễ trao các thoả thuận hợp tác, kinh tế, đầu tư, Theo đó, FPT Semiconductor ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Silvaco (Mỹ) để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn và phát triển kinh doanh ở lĩnh vực giàu tiềm năng này.
Theo biên bản hợp tác, 2 bên cam kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn cho các công ty bán dẫn ở Mỹ. Cụ thể, Silvaco, Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor JSC), Đại học FPT cam kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho các công ty bán dẫn tại Mỹ. Các bên đồng thời hợp tác để thành lập Trung tâm đào tạo bán dẫn Việt Nam để thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực theo chương trình của Chính phủ.
Ông Nguyễn Vinh Quang - Giám đốc Công ty Cổ phần bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) - hàng trên bên trái - nhận biên bản hợp tác với đại diện công ty Silvaco (Mỹ) |
Bên cạnh đó, FPT cung cấp IP (Intellectual Property) trên nền tảng của Silvaco để Silvaco cung cấp cho khách hàng. Silvaco và FPT cũng hợp tác phát triển kinh doanh trong lĩnh vực StandardCell, IO, Memory design.
Về lâu dài, Silvaco trở thành nhà đầu tư chiến lược của FPT Semiconductor JSC. FPT Semiconductor cũng là đại diện và nhà phân phối độc quyền phần mềm của Silvaco trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam.