Theo đó, Nghị quyết số 178/NQ-CP do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký, cho biết, trên sở sở kết luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2020, Thủ tướng quyết nghị 9 nhóm vấn đề để các Bộ ban ngành, địa phương thực hiện, triển khai.
Đối với những vướng mắc của nhóm vấn đề thanh toán kinh phí đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích trên địa bàn thành phố Hà Nội từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm có kết quả đấu thầu theo Nghị định số 32, Thủ tướng nêu rõ: “Chính phủ thống nhất đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho phép thực hiện phương thức đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước đối với phần khối lượng đã được các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm có kết quả đấu thầu”.
Về phương thức thực hiện, Nghị quyết của Chính phủ hướng dẫn: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thanh toán theo mức giá không cao hơn giá đã thực hiện đặt hàng theo hợp đồng năm 2019 và giá trúng thầu năm 2020 để làm cơ sở thanh, quyết toán kinh phí thực hiện.
Trong tháng 11 vừa qua, báo Tiền Phong đã có tuyến bài “Nguy cơ tê liệt nhiều dịch vụ công ích Hà Nội” phản ánh về việc nhiều đơn vị công ích tại Thủ đô như thoát nước; thu gom, xử lý rác; cây xanh; thủy lợi; vận tải công cộng bằng xe buýt… đang bị thành phố Hà Nội nợ toàn bộ tiền hoạt động các tháng đầu năm 2020. Tình trạng này đã làm nhiều đơn vị gặp khó khăn, có đơn vị phải cắt giảm lương người lao động, thậm chí đối mặt với nguy cơ tê liệt hoạt động.
Trả lời báo Tiền Phong về việc này, cả đại diện UBND thành phố Hà Nội và Bộ Tài chính đều cho rằng, đã có các giải pháp tháo gỡ, nhưng đến thời điểm báo đăng bài về nội dung này là 11 tháng mọi biện pháp đưa ra sau hơn 1 năm Nghị định 32 có hiệu lực vẫn chỉ là các văn bản kiến nghị lên Chính phủ. Một số địa phương khác, trong đó có TP.HCM cũng thực hiện Nghị định này, nhưng hiện nay không gặp vướng mắc gì lớn, hệ thống dịch vụ công ích vẫn vận hành ổn định, không có nợ thanh toán.
Đầu tháng 12/2020, Chính phủ đã tổ chức họp thường kỳ, tại đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra các giải pháp tháo gỡ vụ việc trên. Đến nay (sau nửa tháng), Thủ tướng tiếp tục ký văn bản (Nghị quyết 178) để thành phố Hà Nội thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ.