Thủ tướng: Chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, cần thiết thì xử lý cán bộ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, nếu cần thiết thì xử lý cán bộ cho phù hợp.

Ngày 19/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp tập trung vào chủ đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cấp hơn 79,5 triệu thẻ căn cước gắn chip

Số liệu liên quan đến Đề án 06, Bộ Công an đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, kích hoạt trên 6 triệu tài khoản VNeID; hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chia sẻ, làm sạch dữ liệu với 13 bộ, ngành, 63 địa phương, 3 doanh nghiệp viễn thông và EVN bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống".

Thủ tướng: Chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, cần thiết thì xử lý cán bộ ảnh 1

Đại biểu Bộ Công an báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: NB

Các cơ quan cũng đã xử lý quyết liệt tình trạng SIM rác, tiếp nhận 95,6 triệu yêu cầu xác thực thông tin thuê bao, trong đó làm sạch, đồng bộ trên 78 triệu thông tin (81,6%).

Thông tin tại cuộc họp cũng cho thấy, đã có hơn 21 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia, trung bình xử lý 550.000 văn bản/tháng (tiết kiệm khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi năm)…

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương và cảm ơn người dân, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ, tiến độ xử lý văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách tại một số nơi còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong đó, TTHC trên một số lĩnh vực còn chồng chéo, nhiều rào cản, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp như phòng cháy, chữa cháy, đầu tư công, tài chính, ngân sách, đất đai, giải phóng mặt bằng…

Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh còn chậm, thậm chí một số bộ chưa trình phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh; chưa huy động được sự tham gia tích cực của hiệp hội, doanh nghiệp, người dân trong quá trình cải cách.

Cạnh đó, việc kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu còn nhiều hạn chế, còn tình trạng "cát cứ thông tin", "co cụm dữ liệu". Nhiều "điểm nghẽn" trong Đề án 06 vẫn chưa được các bộ, ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ.

Thủ tướng: Chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, cần thiết thì xử lý cán bộ ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: NB

Có biện pháp xử lý cán bộ phù hợp

Về quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu thấm nhuần quan điểm đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi cá nhân, tập thể có liên quan; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu, bảo đảm "trên, dưới, dọc, ngang thông suốt" vì lợi ích chung.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu: Chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất của một bộ phận cán bộ, công chức, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm các cơ quan, các bộ, các ngành, giữa Trung ương với địa phương, dứt khoát không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền và không đùn đẩy trách nhiệm của mình lên cấp trên và cho các cơ quan khác.

"Nếu cần thiết thì có các biện pháp xử lý cán bộ phù hợp; đồng thời động viên, bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung; vừa khắc phục, xử lý các mặt yếu kém, vừa thúc đẩy mặt tích cực", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các thành viên của Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND các cấp tiếp tục tham mưu, chỉ đạo triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ công tác CCHC tại bộ, ngành, địa phương mình theo kế hoạch năm 2023 của Ban Chỉ đạo, coi đây là một tiêu chí để đánh giá cán bộ.

Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh và phân cấp giải quyết TTHC.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương đề xuất đầu tư hạ tầng số Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu về kết quả giải quyết TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trong tháng 5/2023.

Rà soát, ban hành các giải pháp, tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả CCHC, nhất là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, tháo gỡ các "điểm nghẽn" về hoàn thiện thể chế; bổ sung trang thiết bị và nguồn lực để triển khai Đề án 06.

Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC, khẩn trương sửa đổi quy định chưa phù hợp về phòng cháy, chữa cháy, các quy định về đầu tư công, tài chính, ngân sách, đất đai, giải phóng mặt bằng… để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Rà soát, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ các dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trong tháng 9/2023. Có các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06…

"Các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng cần phải đi đầu về chuyển đổi số trong cải cách TTHC", Thủ tướng lưu ý.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.