Thủ tục nhập, đổi hộ khẩu, CMND ở Hà Nội ra sao?

Thủ tục nhập, đổi hộ khẩu, CMND ở Hà Nội ra sao?
TP- PV đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Phạm Văn Phấn, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC 13-CA Hà Nội) về các vấn đề đổi, nhập hộ khẩu, chứng minh thư.
Thủ tục nhập, đổi hộ khẩu, CMND ở Hà Nội ra sao? ảnh 1
Nhưng những công dân nào có nhu cầu đổi, cấp mới CMND, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì được giải quyết theo địa chỉ TP Hà Nội mới - Ảnh Phạm Yên

Ông Phấn cho hay, cho đến nay công tác quản lý, cấp đổi các giấy tờ về hộ khẩu, CMND ở các địa bàn mới sáp nhập về Hà Nội vẫn diễn ra bình thường.

Hiện cũng chưa giải quyết đại trà việc đổi CMND và sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cho các đơn vị của Hà Tây, Vĩnh Phúc và Hòa Bình sáp nhập về Hà Nội.

Nhưng những công dân nào có nhu cầu đổi, cấp mới CMND, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì được giải quyết theo địa chỉ TP Hà Nội mới. Cuối tuần này Phòng sẽ có thống kê, đánh giá ban đầu sau 15 ngày thực hiện. 

Thay đổi điều kiện diện KT3, KT4 ở khu vực mới sáp nhập

Thưa ông, vừa qua một số báo đã thông tin về việc tạm dừng cấp đổi hộ khẩu diện KT3, KT4 tại các địa bàn mới sáp nhập về Hà Nội?

Đây là những thông tin không chính xác, đầy đủ. Tôi khẳng định việc đăng ký, cấp đổi hộ khẩu, CMND đối với các khu vực mới sáp nhập vẫn được thực hiện theo Luật Cư trú hiện hành.

Tuy nhiên, đối với hai diện đăng ký thường trú, gồm diện KT3 (người ngoại tỉnh mua nhà, làm việc ổn định-PV) và diện KT4 (người ngoại tỉnh lao động thời vụ), ở các khu vực Hà Tây, Vĩnh Phúc và Hòa Bình sáp nhập về Hà Nội thì kể từ ngày 1/8/2008 việc đăng ký hộ khẩu phải áp dụng các điều kiện quy định tại điều 20 của Luật Cư trú (điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc T. Ư), chứ không áp dụng điều 19 (điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh).

Cụ thể để được nhập khẩu vào TP Hà Nội, ngoài chỗ ở hợp pháp, công dân còn phải đảm bảo tạm trú liên tục tại Hà Nội (mới) từ một năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

Trong quy định của Luật Cư trú những trường hợp thay đổi địa giới hành chính thì phải đính chính hộ khẩu, CMND. Vậy việc đính chính hộ khẩu, CMND có bắt buộc đối với người dân ở khu vực mới sáp nhập không, thưa ông?

Trong quy định của Luật cư trú những trường hợp thay đổi địa giới hành chính thì phải đính chính hộ khẩu, CMND để thuận lợi trong quản lý và giao dịch. Tuy nhiên, nếu áp dụng quy định này sẽ mất rất nhiều thời gian.

Vì vậy trước mắt thực hiện việc đính chính ở tờ sau của quyển hộ khẩu cũ, còn ai có nhu cầu đổi mới hộ khẩu thì sẽ tiến hành đổi theo quy định. Hiện nay, theo thống kê có khoảng 650.000 quyển hộ khẩu ở các địa bàn sáp nhập là phải đính chính lại địa giới hành chính.

Về CMND, công dân đang sử dụng CMND cũ chỉ phải thay đổi tên địa giới hành chính là TP Hà Nội, còn lại các nội dung khác, mã số chứng minh vẫn giữ nguyên như hiện hành. Hiện ước tính số công dân của các khu vực mới sáp nhập khoảng hơn 3 triệu, trong đó tính tỉ lệ công dân phải làm CMND khoảng 60-70% (khoảng trên 2 triệu người).

Thưa ông, việc người dân đính chính sổ hộ khẩu có phải đóng khoản lệ phí nào không?

Nếu làm mới hộ khẩu phải đóng theo quy định, còn đính chính thì người dân không phải mất bất kỳ một khoản lệ phí nào.

Thống nhất mã số CMND, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú

Trường hợp người dân chưa đính chính, hoặc không đính chính, đổi mới hộ khẩu thì có ảnh hưởng gì đến các giao dịch không?

Với lực lượng của các đơn vị mới sáp nhập thì giải quyết tối đa chỉ 100 quyển hộ khẩu/ngày nên để hoàn thành việc đính chính phải mất khoảng 2 năm. Vì vậy trong thời gian chờ đính chính thì những quyển sổ hộ khẩu đó vẫn có giá trị giao dịch bình thường. Người dân nếu có nhu cầu thì vẫn nhập khẩu bình thường. Chúng tôi sẽ thông báo công khai trên toàn quốc để mọi người biết và giao dịch bình thường.

Tóm lại mọi giao dịch của người dân không bị tắc lại. Tuy nhiên, tôi lưu ý nếu muốn đổi CMND theo địa chỉ Hà Nội mới thì bắt buộc phải đính chính hoặc đổi sổ hộ khẩu mới. Có nghĩa là hộ khẩu phải đi trước một bước.

Trường hợp người dân đã đăng ký tài khoản, mã số thuế theo giấy tờ cũ sẽ giải quyết thế nào, thưa ông?

Vấn đề này chúng tôi đã thống nhất sử dụng mã số quản lý nghiệp vụ của số CMND (hai số đầu là 01) và sổ hộ khẩu, sổ tạm trú (hai số đầu là 24), để cấp mới. Riêng số CMND cấp lại thì vẫn lấy số cũ để tiện cho giao dịch của người dân không xáo trộn, khó khăn vì đã làm thủ tục đăng ký tài khoản, mã số thuế.

Đối với những trường hợp chuyển khẩu từ một xã, huyện của Hà Nội (mới) vào một quận nội thành thì thủ tục sẽ như thế nào?

Đối với trường hợp chuyển khẩu từ các đơn vị mới sáp nhập vào các quận nội thành của Hà Nội cũ thì áp dụng như các trường hợp di chuyển khẩu trong thành phố. Có nghĩa không đòi hỏi người dân phải xuất trình sổ tạm trú đăng ký KT3, KT4 như trước đây.

Cụ thể, chỉ cần có giấy tờ nhà đất hợp pháp, sổ hộ khẩu kèm theo thông báo của công an nơi cư trú đến nơi nhập mới. Sau đó công an quận đồng ý cho nhập sẽ làm thủ tục đính chính quyển hộ khẩu. Thủ tục rất ngắn gọn chỉ trong vòng 7 ngày và ở đây việc nhập, chuyển khẩu sẽ không còn sự phân biệt vì trong cùng một thành phố .

Liệu có xảy ra tình trạng nhập cư ồ ạt từ các khu vực mới sáp nhập vào các quận nội thành của Hà Nội hiện nay không, thưa ông?

Đến nay chưa thấy có hiện tượng này. Nhưng theo tôi khả năng đó không xẩy ra, vì người dân nhiều khu vực bây giờ đang có xu hướng chuyển ra ngoài hơn là nhập khẩu vào nội thành.

Thưa ông, theo quy định của Luật cư trú, thẩm quyền đăng ký hộ khẩu ở thành phố trực thuộc T.Ư thuộc cơ quan quận huyện, nhưng trước đây ở các khu vực mới sáp nhập thẩm quyền này lại thuộc thẩm quyền của xã, thị trấn. Vậy vấn đề này sẽ được xử lý như thế nào?

Đúng là Luật cư trú đã quy định như vậy, cho nên trước mắt từ nay đến hết ngày 31/12/2008, công an xã, thị trấn ở các địa phương sáp nhập vẫn tiếp tục nhận hồ sơ và giải quyết cho người dân. Còn kể từ ngày 1/1/2009, thì thực hiện phân cấp đăng ký thường trú tại công an huyện, quận như quy định của Luật Cư trú.

Hải Đăng
thực hiện

MỚI - NÓNG
Mưu sinh đầu nguồn lũ Đồng bằng sông Cửu Long
Mưu sinh đầu nguồn lũ Đồng bằng sông Cửu Long
TPO - Thời điểm này, dọc tuyến biên giới ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu qua An Giang đang trong mùa nước nổi, với mực nước cao hơn các năm trước. Nước tràn đồng, bốn bề là nước. Đây cũng là thời điểm người dân tất bật mưu sinh từ sản vật cá tôm, các loại rau cỏ "trời cho". Dù vậy, nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm, không còn phong phú như trước. 
Bình Dương nói về việc đấu giá trụ sở cũ
Bình Dương nói về việc đấu giá trụ sở cũ
TPO - UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tổng quỹ đất công gồm 113 khu với tổng diện tích 22.152 ha, trong đó sẽ thực hiện đấu giá 38 khu đất với diện tích 392 ha. Riêng trong quý 4/2024, Bình Dương lên kế hoạch đấu giá 10 khu đất với tổng diện tích 8,3 ha  Những vị trí đất đấu giá có mục đích sử dụng phù hợp, các tổ chức, cá nhân trúng đấu giá không tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất trái với quy hoạch.