Thứ trưởng Bộ TN&MT: Đánh giá kỹ tác động khi xây dựng bảng giá đất mới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Trong quá trình điều chỉnh bảng giá đất phải phân tích, đánh giá tác động, có lộ trình phù hợp, xác định khu vực, vị trí hợp lý đối với từng loại đất. Trong đó, cần tổ chức lấy ý kiến các tổ chức cá nhân có liên quan để đảm bảo sự đồng thuận"', Thứ trưởng Bộ TN&MT đề nghị.

Ngày 22/10, UBND TP. Hà Nội phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Đất đai 2024 và các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật; Luật Giá 2023 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, ngày 1/7/2024 và ngày 1/8/2024 Luật Giá 2023 và Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành.

Thời gian qua, các Sở, ban ngành đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai. Đồng thời, UBND thành phố cũng đã ban hành các quy định thuộc thẩm quyền và tổ chức hội nghị tập huấn cho các đối tượng có liên quan.

Thứ trưởng Bộ TN&MT: Đánh giá kỹ tác động khi xây dựng bảng giá đất mới ảnh 1

Một khu đất tại Hà Nội đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật để chuẩn bị đấu giá

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, để bảo đảm điều kiện cho việc đưa Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2024, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 5 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024. Bộ cũng đã ban hành theo thẩm quyền 4 Thông tư được giao trong Luật.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi đi vào cuộc sống sẽ góp phần quản lý hiệu quả và giải phóng nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh đất nước. Đồng thời, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ trưởng Bộ TN&MT: Đánh giá kỹ tác động khi xây dựng bảng giá đất mới ảnh 2

Toàn cảnh Hội nghị tập huấn các quy định mới của Luật Đất đai 2024 được tổ chức ngày 22/10.

Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, Hà Nội là một trong những tỉnh, thành triển khai Luật Đất đai từ sớm, chủ động chú trọng trong việc xây dựng các Văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Đồng thời, đề nghị thành phố tiếp tục ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật Đất đai và các nghị định nhằm đảm bảo hệ thống pháp luật đồng bộ, không để xảy ra vướng mắc.

Ngoài ra, thành phố cũng chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi hành Luật Đất đai có hiệu quả tại địa phương. Bao gồm tổ chức bộ máy của Trung tâm phát triển quỹ đất, văn phòng đăng ký đất đai, nguồn nhân lực, kinh phí, xây dựng cơ sở dữ liệu, ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá sản phẩm... Khi tổ chức đấu giá đất phải công khai quy hoạch, điều chỉnh bảng giá đất, công khai đối tượng bỏ cọc nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát bảng giá đất đã ban hành theo Luật Đất đai 2013 để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho việc xây dựng bảng giá theo Luật Đất đai năm 2024.

Trong quá trình điều chỉnh phải phân tích, đánh giá tác động, có lộ trình phù hợp, xác định khu vực, vị trí hợp lý đối với từng loại đất. Trong đó, cần tổ chức lấy ý kiến các tổ chức cá nhân có liên quan để đảm bảo sự đồng thuận của cơ quan thẩm định và các đối tượng chịu tác động.

Hiện nay, giá đất ở tại Hà Nội đang được thực hiện theo Quyết định 30/2019/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND TP. Hà Nội, áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024.

Giá đất ở được áp dụng tùy theo từng quận, huyện, tuyến đường, vị trí, trong đó cao nhất là một vị trí tại quận Hoàn Kiếm với mức 162 triệu đồng/m2.

MỚI - NÓNG