Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói gì về điểm sàn và điểm chuẩn 2017?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói gì về điểm sàn và điểm chuẩn 2017?
TPO - Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn xét tuyển ĐH 2017, Tiền Phong đã có cuộc trao đổi riêng với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga liên quan đến câu chuyện xét tuyển sinh ĐH năm nay. 

Thứ trưởng Ga cho biết: Tiêu chí đầu tiên làm căn cứ để xác định điểm sàn là chất lượng đầu vào dựa trên phân tích kết quả thi năm nay, đảm bảo với mức điểm đó thí sinh có thể học tập thành công ở bậc đại học. Tiêu chí thứ hai là nguồn tuyển cho các trường dựa trên tổng chỉ tiêu các trường đã đăng ký. Tiêu chí thứ ba là ưu tiên đối tượng, khu vực, khả năng dịch chuyển thí sinh giữa các vùng miền.

Năm nay việc phân tích dữ liệu phức tạp hơn mọi năm do thí sinh thi nhiều khối khác nhau, đăng ký xét tuyển với số nguyện vọng không giới hạn. Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng đã bóc tách danh sách thí sinh tránh trùng lắp, sử dụng cơ sở dữ liệu đăng ký của thí sinh để phán đoán nguyện vọng ưu tiên…

Trên cơ sở đó Hội đồng phân tích, cân nhắc cẩn thận  để xác định một ngưỡng điểm sàn phù hợp nhất cho năm nay là 15,5 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển.

Theo dữ liệu mà Hội đồng xác định điểm sàn phân tích, thì năm nay, khối ngành nào sẽ dễ tuyển sinh, khối ngành nào sẽ khó khăn, khối ngành nào điểm sẽ dâng cao hơn? Và vì sao?

Năm nay điểm trung bình các khối thi truyền thống không khác biệt nhau nhiều, dao động khoảng 17-18 điểm. Khác với những năm trước, năm nay hầu hết các môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm nên phổ điểm đều hơn, không bị dốc ở các mức điểm. Vì thế các trường xây dựng điểm chuẩn thuận lợi, ít phải sử dụng tiêu chí phụ.

Về tính cạnh tranh giữa các khối thi chúng ta có thể so sánh các số liệu dưới đây:

Số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển:

A:      883.768                34,59%

A1:    286.760                11.22%

B:      282.984                11.08%

C:      277.722                10.87%

D1:    608.632               23,82%

Kết quả thi:

                                      Điểm trung bình   Số TS từ 15,5 điểm trở lên

A(Toán, Lý, Hóa)          18,38                    272.130

A1(Toán, Lý, Anh)        17,86                    251.437

B(Toán, Hóa, Sinh)       17,72                    254.008

C(Văn, Sử, Địa)             18,66                    233.909

D(Toán, Văn, NN)                  17,51                    403.404

Số lượng đăng ký xét tuyển khối A gấp 3 lần các khối A1, B, C nhưng số lượng thí sinh trên điểm sàn khối A xấp xỉ với các khối này nên tỉ lệ trượt của khối A cao hơn. Tỉ lệ trượt các khối còn lại tương đương nhau. Tuy nhiên trong các số liệu này chưa lọc thí sinh trùng trong các danh sách, nhiều thí sinh trúng tuyển nhiều khối nên số liệu này chỉ mang tính tham khảo

Tỷ lệ dôi dư ở mỗi khối ngành như thế nào thưa ông? Bao nhiêu lượt thí sinh trên mức điểm sàn mà Hội đồng đã đưa ra?

Năm nay các trường có thể sử dụng nhiều tổ hợp khác nhau để tuyển sinh vào một ngành nên không phân chia rõ chỉ tiêu cho từng tổ hợp như những năm tuyển sinh theo phương thức “3 chung”.

Tuy nhiên khi chạy phần mềm với cơ sở dữ liệu thí sinh đã đăng ký và kết quả thi có thể dự báo được hệ số dư dôi của các khối thi dao động từ 1,3 đến 1,4. Hệ số dư dôi chung ứng với điểm sàn 15,5 điểm là 1,39. Tuy có hệ số dư nhưng không phải trường/ngành nào cũng sẽ tuyển đủ chỉ tiêu do có ít thí sinh đăng ký.

Kết quả chạy phần mềm xét tuyển với cơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký (chưa điều chỉnh) với mức điểm sàn 15,5 thì trong đợt xét tuyển đầu tiên các trường tuyển được 83% tổng chỉ tiêu trong đó có 85 trường tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt đầu tiên. Các trường còn lại tiếp tục tuyển sinh trong các đợt bổ sung.

Qua phổ điểm mà Bộ công bố theo khối thi, theo môn thi, các trường ĐH cho biết sẽ có sự biến động, thậm chí điểm chuẩn sẽ tăng từ 2 đến 4 điểm. Là người làm công tác tuyển sinh lâu năm, thứ trưởng có lời khuyên gì đối với thí sinh khi thực hiện điều chỉnh nguyện vọng sắp tới?

Phổ điểm chung các khối thi trong cả nước không có biến động gì lớn, đặc biệt các khối thi có đông thí sinh A, B, điểm trung bình cũng tương đương năm 2016. Do đó điểm chuẩn của các khối này vào các trường sẽ ít có biến động. Điểm trung bình các khối còn lại tăng so với năm 2016 khoảng từ 1 đến 2 điểm. Do đó điểm chuẩn các khối này có thể tăng chút ít theo hướng tăng điểm sàn năm nay.

Tuy nhiên năm nay thí sinh được phép đăng ký với số nguyện vọng không giới hạn nên nếu các em đã đăng ký xét tuyển vào những trường ngành có khả năng điểm chuẩn tăng cũng không cần thiết phải rút khỏi các ngành này mà nên đăng ký thêm vài ngành có điểm chuẩn thấp hơn để tăng khả năng trúng tuyển.

Khi xét tuyển nếu các em không trúng tuyển vào ngành có điểm chuẩn cao thì các em sẽ xét được xét tiếp vào những ngành điểm chuẩn thấp hơn mà các em đã đăng ký. Khác với trước đây trong mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được đăng ký với số nguyện vọng giới hạn.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG