Thử thách lòng trung thực

TP - Sau nhiều ngày tuyên bố sẽ triệu hồi 2 loại xe SH 125 và 150 của đại diện phòng chức năng Cục Đăng kiểm VN, người tiêu dùng vẫn chưa thấy cơ quan này ký quyết định chính thức. Còn điều gì khiến cơ quan chức năng này băn khoăn?

Đây là 2 loại xe vừa được Honda Việt Nam tung ra thị trường và ngay lập tức gây sốt với giá chênh từ đại lý bán khoảng 10 triệu đồng/xe (giá bán khoảng gần 100 triệu đồng). Những dòng sản phẩm này được quảng cáo khác biệt với tính năng khóa chống trộm nổi bật. 

Tuy nhiên, oái ăm thay, chức năng này vừa bị phát hiện bị lỗi có thể khiến mất xe. Chuyện chẳng có gì phải bàn nếu hãng lắp ráp tự đề xuất kế hoạch triệu hồi (để sửa chữa) thay vì âm thầm với dịch vụ sửa chữa.

Việc triệu hồi sản phẩm, trên thế giới và Việt Nam nhiều hãng đã từng làm. Bởi những phương tiện gắn động cơ có nguy cơ gây tổn thương cao khi tham gia giao thông. Tuy vậy, cũng không ít lần, các hãng sản xuất tìm cách “lẩn”. 

Khi “triệu hồi”, nhà sản xuất phải lên kế hoạch, báo cáo cơ quan chức năng, thông báo với truyền thông, khách hàng và tiến hành sửa lỗi trong thời gian nhất định. Sau “chiến dịch”, nhà sản xuất phải thông báo kết quả. Ngoài việc tốn kém, hành động này cũng chứng tỏ sự trung thực và đề cao việc đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Nhưng ngay cả hãng sản xuất xe hơi lớn nhất của Đức Volkswagen cũng vừa bị phát hiện dối trá với phần mềm đo khí thải. Đây là vụ việc hy hữu trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô về sự dối trá khiến 11 triệu xe trên toàn thế giới sẽ phải triệu hồi (người ta đang lo ngại về sự tồn tại của thương hiệu này).

Ở Việt Nam, 2 thương hiệu Honda và Toyota gắn liền với các phương tiện xe máy và ô tô. Tuy vậy, sự trung thực của những thương hiệu Nhật có những lúc cũng bị thử thách. Điển hình như năm 2008, chính báo Tiền Phong đã tiên phong phanh phui vụ gần 100 động cơ ô tô bị bỏ quên 2 năm tại cảng Hải Phòng dẫn tới gỉ sét, sau đó vẫn được lắp vào bán như không có chuyện gì. 

Tất nhiên, sau nhiều bài báo điều tra, sự trung thực đó mới được hiện thực hóa bằng lời xin lỗi của Tổng GĐ Toyota VN Murakami và 5 lần ông tổng giám đốc người Nhật này phải nói: “Tôi rất xấu hổ”. Đương nhiên để những sản phẩm này tung ra thị trường, các cơ quan chức năng như Cục Đăng kiểm cũng có phần trách nhiệm, nhưng chẳng ai thấy “rất xấu hổ”. Việc này không nên lặp lại với vụ SH 125 và SH 150.

MỚI - NÓNG