Thu phương tiện khi vi phạm giao thông: Chuyên gia nói gì?

Kiểm tra nồng độ cồn trên QL 1A đoạn qua huyện Quảng Xương – Thanh Hóa. Ảnh: Sỹ Lực
Kiểm tra nồng độ cồn trên QL 1A đoạn qua huyện Quảng Xương – Thanh Hóa. Ảnh: Sỹ Lực
TPO - “Nếu người vi phạm chỉ là người lái thuê, làm công thì khi vi phạm không thể thu tài sản đó được vì chiếc xe đó là tài sản của người khác. Trường hợp người vi phạm đứng tên chủ xe cũng không thể thu được vì chiếc xe có thể là tài sản chung của cả hai vợ chồng...” - Phó Chủ tịch Hiệp Hội Vận tải Việt Nam Thân Văn Thanh nói về đề nghị tịch thu phương tiện khi vi phạm giao thông.  

Uống nhiều, đi vào cao tốc sẽ bị thu xe?

Ngày 4/3, Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, vừa đề nghị chính phủ tăng nặng chế tài xử phạt với một số vi phạm về giao thông đường bộ, thí điểm ngay từ 15/3.

Cụ thể, nếu điều khiển ô tô khi nồng độ cồn cơ thể đến 50 miligam/100 mililit máu hoặc đến 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 15 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) 6 tháng (trường hợp này đối với mô tô, xe gắn máy không quy định bị xử phạt)

Nếu nồng độ cồn từ trên 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở, người điều khiển ô tô bị phạt từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng GPLX 12 tháng. Với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, nếu vi phạm hành vi này sẽ bị phạt 4-5 triệu đồng và tước GPLX 12 tháng.

Đặc biệt, theo đề nghị của ủy ban này, người điều khiển ô tô, mô tô và xe gắn máy bị tước quyền sử dụng GPLX 24 tháng và tịch thu phương tiện nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đề nghị tịch thu phương tiện đối với lỗi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện và xe thô sơ đi vào cao tốc.

“Không phù hợp”

Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT cũng cho biết, với một người có chiều cao bình thường, nồng độ cồn trong cơ thể ở mức 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (mức bị tịch thu xe) khiến người điều khiển kiểm soát hành vi.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc tước bằng lái xe và tịch thu phương tiện sẽ là lời cảnh báo tác động đến tâm lý của nhiều người tham gia giao thông. Theo ông Hùng, một số nước coi hành vi uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện là vi phạm hình sự nên Ủy ban đã đề nghị như trên.

Tuy nhiên, biện pháp tịch thu phương tiện, nhất là những tài sản lớn như ô tô tạo ra không ít ý kiến trái chiều. Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô cho rằng, phương tiện là tài sản của các cá nhân, tổ chức; được điều chỉnh theo pháp luật về sở hữu tài sản trong Bộ Luật Dân sự nên không thể áp dụng để xử lý hành vi vi phạm giao thông. “Nếu người vi phạm chỉ là người lái thuê, làm công thì khi vi phạm không thể thu tài sản đó được vì chiếc xe đó là tài sản của người khác.

 Kể cả trường hợp người vi phạm đứng tên chủ xe cũng không thể thu được vì chiếc xe có thể là tài sản chung của cả hai vợ chồng, của ngân hàng... Việc tăng mức độ xử phạt là đúng nhưng cần tìm các biện pháp khác; có thể tăng phạt tiền ở mức độ nào đó hoặc áp dụng các hình phạt bổ sung” – ông Thanh nói. Một chuyên gia am hiểu về giao thông quốc tế cũng cho hay: “Chưa thấy nước nào áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện khi người điều khiển vi phạm giao thông”.

 Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đề nghị: Với lỗi chở quá tải, nếu chủ xe, lái xe cố tình bỏ phương tiện, không hợp tác sẽ bị khóa bánh phương tiện hoặc kéo đến nơi tập kết; chủ phương tiện phải chịu các chi phí. Ngoài ra, nếu vượt quá tải trọng trên 150%, lái xe bị phạt 25 triệu đồng, tước GPLX 12 tháng; chủ phương tiện là cá nhân bị phạt 40 triệu đồng; chủ phương tiện là tổ chức bị phạt 80 triệu đồng hoặc tịch thu phương tiện nếu không nộp phạt.

MỚI - NÓNG