Thu phí xét nghiệm cao gấp đôi quy định

Thu phí xét nghiệm cao gấp đôi quy định
TP - Gần chục năm qua, một bộ phận của Viện Sức khỏe Tâm thần thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, tự ý nâng giá xét nghiệm lên cao gấp đôi so với quy định. Khoản tiền thu trái quy định hàng trăm triệu đồng không biết đi đâu.

Theo bảng giá chung của BV Bạch Mai, mức giá xét nghiệm nước tiểu cho các bệnh nhân nghiện ma tuý trong quá trình thực hiện cai nghiện ma túy tại Viện Sức khỏe Tâm thần (SKTT) là 30.000 đồng/lần. Nhưng tại phòng Điều trị Nghiện chất của Viện, mức phí này tăng gấp đôi, lên 60.000 đồng/lần.

Y tá Nguyễn Thị Hương, đang công tác tại Phòng Điều trị Ngoại trú, Viện SKTT, nói: “Em trai tôi nghiện ma tuý từng điều trị tại đây. Tôi biết rõ mức phí này đã áp dụng khoảng 10 năm nay”.

Theo đó, mỗi bệnh nhân đến điều trị chống tái nghiện hàng tháng phải nộp 120.000 đồng phí xét nghiệm (hai lần) cho y tá trong Phòng Điều trị Nghiện chất.

Không những tăng giá gấp đôi so với quy định, bệnh nhân còn không được nhận hóa đơn tài chính. Họ chỉ được yêu cầu ký tên vào một bản danh sách dài dằng dặc do y tá đưa ra.

Y tá Mai Nhật Lệ, vẫn đang công tác ở chính Phòng Điều trị Nghiện chất, nói: “Tôi vào phòng này từ đầu tháng 1/2008 và cũng biết quy định của phòng do trưởng phòng ký, đóng dấu. Đó là phải thu 120.000 đồng/bệnh nhân/tháng. Các khoản thu khác đều có hóa đơn. Nhưng riêng khoản phí này thì không có. Vì vậy tôi không dám thu. Nhưng một y tá khác trong phòng vẫn thu. Phòng tôi, lúc vắng bệnh nhân nhất, có 120 người; lúc đông nhất là 290 người”.

Bệnh nhân Nguyễn Quang Trung (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nói: “Tôi điều trị ở đây được một năm, phải nộp 120.000 đồng/tháng xét nghiệm nước tiểu, 900.000 đồng thuốc và 100.000 đồng viện phí. Riêng khoản xét nghiệm nước tiểu không có hoá đơn. Mỗi khi nộp tiền, y tá chỉ đưa cho tôi một danh sách và yêu cầu ký vào”.

Quy định mà y tá Lệ nói đến có tên “Quy định điều trị chống tái nghiện heroin” và được dán trong Phòng Điều trị Nghiện chất. BS Nguyễn Minh Tuấn, trưởng phòng và là người ký quy định trên, còn là Phó Viện trưởng Viện KSTT. Quy định nêu rõ: “Tiền xét nghiệm nước tiểu là 120.000 đồng do Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an thu”.

Tuy nhiên, căn cứ tài liệu thu thập được, chúng tôi thấy, kết quả xét nghiệm nước tiểu là mẫu phiếu của BV Bạch Mai chứ không phải của Viện Khoa học Hình sự. Hơn nữa, trong phiếu xét nghiệm chỉ có chữ ký, không có đề tên của bác sỹ cho làm xét nghiệm, người làm xét nghiệm, cũng không có con dấu của bất kỳ ai.

Chẳng hạn, mẫu phiếu xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân Lý Ngọc Anh, 25 tuổi, trú tại Bãi Cháy (TP Hạ Long, Quảng Ninh) đề ngày 11/1/2008. Trên mẫu xét nghiệm, ghi của BV Bạch Mai, trưởng khoa xét nghiệm ký ngày 16/1/2008 nhưng không có tên. Mục bác sỹ điều trị không chữ ký và không tên. Bản xét nghiệm cũng không có bất cứ con dấu nào theo quy định, nhất là trong trường hợp liên kết với một đơn vị khác.

Trên không biết?

Bảng giá các dịch vụ xét nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai do Trưởng phòng Tài chính - Kế toán ký, ghi rõ: “Mức giá xét nghiệm ma túy nước tiểu là 30.000 đồng”.

Bảng giá này được ban kèm với Công văn số 2429/QĐ-BYT của Bộ Y tế ra ngày 10/7/2006 về việc ban hành bảng giá thu một phần viện phí, áp dụng tạm thời tại Bệnh viện Bạch Mai do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên ký.

Điều đáng chú ý là vấn đề tài chính này được đưa ra nhiều lần trong các cuộc họp giao ban của Viện SKTT nhưng thắc mắc của anh chị em không được giải đáp.

Ngày 1/4/2008, chúng tôi đến Thanh tra Bộ Y tế, một trong những cơ quan mà các cán bộ nhân viên Viện SKTT gửi đơn kiến nghị.

Chánh Thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung cười: “Những đơn thư thế này chúng tôi nhận được nhiều lắm, chỉ xuất phát từ phức tạp nội bộ thôi. Đây không phải là sự việc nghiêm trọng. Chúng tôi đã xuống tận bệnh viện hỏi những người ký tên trong danh sách nhưng tất cả đều nói họ không hề viết đơn”.

Về những vụ việc bất hợp lý trong đơn thư đề cập, ông Trung giải thích: “Bên Bộ (Y tế) có đề tài nghiệm thu. Theo trình tự thủ tục thì trong quá trình làm, phải thông qua một viện. Chuyện đó hết sức bình thường. Còn việc có chữ ký, không có con dấu, chỉ là do sơ xuất trong quá trình thủ tục hành chính”.

Theo tập phiếu xét nghiệm chỉ của bệnh nhân Vũ Hoài Nam mà chúng tôi thu thập được, “sơ xuất trong quá trình thủ tục hành chính” mà Chánh Thanh tra Trung nhắc đến ở trên kéo dài từ 20/6/2005 đến 9/11/2007. Hơn nữa, sơ xuất này không chỉ xảy ra đối với một vài phiếu mà là hầu hết tất cả các phiếu (xét nghiệm nước tiểu).

Những người ký tên trong đơn thư kiến nghị gửi Thanh tra Bộ Y tế đều bất ngờ khi nghe thấy giải thích của Chánh Thanh tra Bộ Y tế. ThS. Dương Minh Tâm nói: “Tôi không phải người viết đơn, nhưng tôi chính là người ký vào đơn kiến nghị này”.

BS Đặng Thanh Tùng, người ký trong đơn, bức xúc: “Thanh tra Bộ không hề liên lạc với chúng tôi”. Y tá Lệ, một trong những người ký đơn, cũng lắc đầu: “Những đơn thư khác tôi không biết. Nhưng đơn của chúng tôi thì Thanh tra Bộ chưa hỏi đến”.

Chị Nguyễn Thị Hương, Phòng Điều trị Ngoại trú, y tá lâu năm của viện và cũng là người ký tên trong đơn kiến nghị, nhỏ nhẹ: “Cái sai của BS Tuấn có rất nhiều. Nhưng chúng tôi chỉ đưa ra cái sai này vì chúng tôi có chứng cứ. Đây là lá đơn duy nhất chúng tôi viết”.

Đến gặp một số cán bộ, nhân viên, và bệnh nhân trong Viện SKTT, Th.S Lê Công Thiện, tân Trưởng phòng Điều trị Nghiện chất – nơi thực hiện xét nghiệm, không cho chúng tôi tác nghiệp với lý do phải có ý kiến của lãnh đạo BV Bạch Mai.

Nếu chỉ tính 5 năm trở lại đây với lượng bệnh nhân tối thiểu là 120 người, tiền thu vượt quá quy định 60.000 đồng/bệnh nhân/tháng là 432 triệu đồng. Nhiều người thắc mắc, số tiền thu không hợp pháp đó đi đâu, được làm gì. Đấy là chưa kể ngay cả khoản thu đúng quy định, hóa đơn chứng từ không tên, không dấu, trong từng ấy năm, cũng cần được làm rõ.

MỚI - NÓNG