Thu phí cao tốc Bắc - Nam được nhà nước đầu tư: Xử lý sao nếu ế quyền thu phí?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hiện chưa có quy định về thu phí với các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư, trong khi Quốc hội đang xem xét để đầu tư công thêm 12 đoạn nhằm nối thông cao tốc Bắc - Nam. Cùng với 8 đoạn cao tốc trên tuyến này đang thi công bằng vốn đầu tư công, những năm tới sẽ có 20 đoạn đầu tư công, nên việc thu phí để thu hồi vốn nhà nước ra sao nhận rất nhiều sự quan tâm.

Theo phương án Chính phủ trình Quốc hội về đầu tư công 12 đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, dự kiến tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các đoạn tuyến này gần 147.000 tỷ đồng. Tương tự như các đoạn đầu tư công tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017-2020, Chính phủ đều xây dựng phương án sẽ thực hiện thu phí để thu hồi vốn ngân sách, trong đó nhà nước thực hiện thu hoặc chuyển nhượng quyền thu phí.

Tuy nhiên, quy định về thu phí hay nhượng quyền thu phí các dự án đường cao tốc đầu tư công tới nay vẫn chưa được ban hành. Trong khi đó, việc triển khai thu phí tự động không dừng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, trục trặc chưa được khắc phục triệt để. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến việc thu hút các nhà đầu tư tham gia nhượng quyền thu phí, hoặc nhà nước triển khai thu phí.

Thu phí cao tốc Bắc - Nam được nhà nước đầu tư: Xử lý sao nếu ế quyền thu phí? ảnh 1

Sau khi đầu tư công hoàn thành, nhà nước sẽ thực hiện thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn với các đoạn cao tốc đầu tư công. Ảnh minh hoạ.

Lý giải về vấn đề trên, Bộ GTVT cho biết, Chính phủ đã giao Bộ GTVT và Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng phương án thu phí đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư công để thu hồi vốn đầu tư và quản lý vận hành, điều tiết giao thông.

Phương án được Bộ GTVT xây dựng là sau khi các dự án đưa vào khai thác nhà nước sẽ chuyển nhượng quyền thu phí có thời hạn khoảng 3 năm, 5 năm hoặc 10 năm.

Mức phí sẽ được Chính phủ tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước - tổ chức nhận chuyển nhượng quyền thu phí - người sử dụng dịch vụ, hạn chế tác động, điều tiết lưu lượng phương tiện phù hợp với các tuyến đường khác.

Trường hợp nhượng quyền thu phí không thành công (không có đơn vị nhận chuyển nhượng), sẽ nghiên cứu áp dụng hình thức nhà nước thuê dịch vụ thu phí từ các nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động đang triển khai, như Công ty VETC, hoặc Công ty VDTC...

Theo tính toán sơ bộ, nếu thu phí toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025, trong 5 năm đầu có thể thu hồi khoảng 18.300 tỷ đồng vốn nhà nước, trong 10 năm khoảng 37.881 tỷ đồng. Nếu thu phí 8 dự án thành phần (không thu phí 3 dự án đi trùng và nâng cấp một số đoạn đường Hồ Chí Minh hiện hữu), trong 5 năm đầu có thể thu hồi khoảng 14.800 tỷ đồng vốn nhà nước, trong 10 năm khoảng 30.000 tỷ đồng. Mức phí khởi điểm dự kiến từ 1.000 – 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn (xe dưới 12 chỗ ngồi).

Về triển khai thu phí tự động không dừng còn một số bất cập, Bộ GTVT giải trình, do đây là hình thức thu phí mới lần đầu thực hiện tại Việt Nam; việc quản lý vận hành hệ thống liên quan đến nhiều bên, như nhà nước, ngân hàng tài trợ vốn, nhà đầu tư dự án, nhà cung cấp dịch vụ, chủ phương tiện... Do đó, quá trình vận hành hệ thống thu phí tự động còn tồn tại một số lỗi, bất cập, gây bức xúc cho một số chủ phương tiện tham gia dịch vụ. Tình trạng này chủ yếu do yếu tố kỹ thuật.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương khắc phục triệt để các tồn tại phát sinh trong quá trình vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng bảo đảm thuận tiện nhất cho phương tiện giao thông; đa dạng hóa hình thức nạp tiền, trả tiền để thuận tiện cho người sử dụng.

Theo Bộ GTVT, tới nay tất cả 112 trạm thu phí đường bộ trên toàn quốc đã đưa vào vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng. Trong đó Bộ GTVT quản lý 69 trạm thu phí, địa phương quản lý 43 trạm. Cùng đó, đã có hơn 2 triệu xe ô tô dán thẻ trả phí tự động, trong đó có hơn 1 nửa sử dụng dịch vụ.

Trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông dự kiến có tổng cộng 20 đoạn đầu tư công, trong đó 8 đoạn đang thi công gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2.

12 đoạn đang trình Quốc hội cho ý kiến chấp thuận đầu tư công gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.